3 dấu hiệu có thể nhận biết bệnh tim và ung thư ở bàn tay

Bàn tay có thể cho bạn biết nhiều điều về sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ mắc bệnh tim hoặc ung thư phổi.

Khi nói đến dấu hiệu bệnh tim hoặc ung thư, chúng ta thường chú ý đến các dấu hiệu như đau ngực, hụt hơi, mệt mỏi... (đau tim) hay mệt mỏi, giảm cân không chủ ý... (ung thư) mà không quan tâm đến các dấu hiệu ở bàn tay.

Những thay đổi về hình dạng hoặc màu sắc của ngón tay cũng có thể báo hiệu nhiều tình trạng sức khỏe. Điều quan trọng là nếu bạn thấy sự khác biệt ở bàn tay của mình thì nên thăm khám sức khỏe sớm.

Dưới đây là 3 dấu hiệu ở bàn tay có thể cảnh báo bệnh tim hoặc ung thư.

1. Ngón tay dùi trống

Ngón tay dùi trống hay dùi cui là tình trạng mà đầu ngón tay phồng lên và có thể trở nên ấm hoặc đổi màu. Móng cong xuống trông giống như một chiếc thìa úp ngược, có thể trông như móng tay của bạn đang nổi và không thực sự dính vào ngón tay.

Để biết liệu đường cong ở ngón tay của bạn có phải là ngón tay dùi trống hay không, có một bài kiểm tra đơn giản: bạn ấn các móng tay của bạn vào nhau, nếu bạn nhận thấy một đường hầm ánh sáng nhỏ hình kim cương thì ngón tay của bạn có thể vẫn ổn.

Ngón tay dùi trống thường phát triển dần dần qua nhiều năm nhưng có thể xảy ra đột ngột nếu bị áp xe phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngón tay dùi trống là ung thư phổi.

Tuy nhiên, tình trạng ngón tay này cũng có thể chỉ ra các tình trạng khác và không phải ai bị ung thư phổi cũng sẽ phát triển ngón tay dùi trống. Ngoài ung thư phổi, ngón tay dùi trống cảnh báo một số bệnh liên quan đến tim và phổi khác như:

+ Phình động mạch chủ

+ Giãn phế quản

+ Bệnh tim bẩm sinh

+ Xơ nang

+ Viêm mủ màng phổ

+ Viêm nội tâm mạc

+ Áp xe phổi

+ Xơ phổi vô căn

Ngón tay dùi trống có thể cảnh báo bệnh tim hoặc phổi (Ảnh: Internet)

Ngón tay dùi trống có thể cảnh báo bệnh tim hoặc phổi (Ảnh: Internet)

Ngón tay dùi trống có lây không?

Không, ngón tay dùi trống không lây nhiễm. Ngón tay dùi trống thậm chí có thể không phải là một căn bệnh. Nó có thể là dấu hiệu hoặc triệu chứng của một bệnh khác. Tuy nhiên, ngón tay bị cong có thể là dấu hiệu của một căn bệnh truyền nhiễm.

2. Các khớp ngón tay bị sưng

Các khớp ngón tay hay chân bị sưng có thể cảnh báo các vấn đề về tim và mức cholesterol cao. Mà cholesterol cao là một trong những yếu tố gây ra các bệnh tim mạch, trong đó có cả đau tim.

Nhiều bệnh về tim khiến chất lỏng tích tụ ở bàn chân và cẳng chân. Khi chất lỏng tích tụ, bạn có thể thấy sưng tấy, có thể kéo dài đến tận bắp chân và háng. NHS cho biết rằng tình trạng sưng tấy này có thể nhẹ hơn vào buổi sáng và trở nên tồi tệ hơn vào cuối ngày.

Ngoài ra, những người có chỉ số cholesterol trong máu cao do di truyền, việc ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và không chăm sóc tốt cho bản thân có thể dẫn đến sưng khớp ngón tay. Tình trạng này được gọi là Xanthomas - tình trạng cholesterol tích tụ trong gân.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc bệnh cholesterol cao do di truyền có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 20 lần. Bệnh nhân cũng dễ mắc bệnh mạch máu ngoại biên và đột quỵ sớm hơn nhiều so với dân số nói chung.

Khớp ngón tay sưng có thể cảnh báo bệnh tim và mức cholesterol trong máu cao (Ảnh: Internet)

Khớp ngón tay sưng có thể cảnh báo bệnh tim và mức cholesterol trong máu cao (Ảnh: Internet)

3. Ngón tay bầm tím

Một dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn khác là sự xuất hiện đột ngột của vết bầm tím trên ngón tay của bạn. Điều này khá bất thường và có thể chỉ ra vấn đề liên quan đến máu.

Trừ khi bạn bị va đập hoặc bị thương nặng, nếu việc xuất hiện vết bầm tím trên ngón tay mà bạn không nhận ra và không biết nguyên nhân do đâu, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư.

Một trong những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo phổ biến của bệnh bạch cầu là vết bầm tím. Các vết bầm liên quan đến ung thư thường xuất hiện ở các vị trí bất thường và xuất hiện đột ngột.

Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu, đặc trưng bởi sự phát triển nhanh chóng của các tế bào máu bất thường. Sự tăng trưởng không kiểm soát này diễn ra trong tủy xương, nơi tạo ra phần lớn máu của cơ thể. Các tế bào bạch cầu thường là các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành (vẫn đang phát triển).

Ngoài triệu chứng bầm tím trên da hoặc ngón tay không rõ nguyên nhân, các triệu chứng khác của bệnh bạch cầu bao gồm:

- Mệt mỏi

- Sốt hoặc đổ mồ hôi đêm

- Nhiễm trùng thường xuyên

- Hụt hơi

- Da nhợt nhạt

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Đau xương/khớp

- Đau hoặc cảm giác căng tức dưới xương sườn bên trái.

- Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, háng hoặc dạ dày, lá lách hoặc gan sưng to

- Dễ bị chảy máu

Vết bầm tím trên ngón tay không rõ nguyên nhân có thể cảnh báo ung thư máu (Ảnh: Internet)

Vết bầm tím trên ngón tay không rõ nguyên nhân có thể cảnh báo ung thư máu (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nếu ngón tay của bạn thay đổi màu sắc như xanh hoặc tím, đây cũng có thể là dấu hiệu của hiện tượng Raynaud, khi máu ngừng chảy đến ngón tay và ngón chân, gây đổi màu.

Điều này thường khởi phát do căng thẳng nhưng thường vô hại. Nếu tình trạng này trở nên đau đớn hoặc liên quan đến các tình trạng khác, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lupus hoặc bệnh Crohn.

4. Triệu chứng khác của bệnh tim và ung thư

Ngoài 3 dấu hiệu ở bàn tay đã được đề cập, chúng ta có thể nhận biết bệnh tim hoặc ung thư qua các dấu hiệu khác dễ nhận biết hơn.

- Các triệu chứng khác của bệnh tim

Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh tim mạch vành là đau tim hoặc đau thắt ngực, nhưng có nhiều triệu chứng khác nhau, cụ thể:

+ Đau ngực

+ Hụt hơi

+ Ho hoặc thở khò khè

+ Sưng ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân

+ Tuần hoàn kém

+ Mệt mỏi

+ Đánh trống ngực

- Các triệu chứng khác của ung thư

Mặc dù có nhiều loại ung thư khác nhau, nhưng ung thư có thể gây ra một số triệu chứng chung như:

+ Mệt mỏi hoặc cực kỳ mệt mỏi mà không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

+ Giảm cân không rõ lý do

+ Các vấn đề về ăn uống như không cảm thấy đói, khó nuốt, đau bụng hoặc buồn nôn và nôn

+ Sưng ở bất cứ đâu trên cơ thể

+ Dày lên hoặc có khối u ở vú hoặc bộ phận khác của cơ thể

+ Cơn đau, đặc biệt là cơn đau mới xuất hiện hoặc không rõ nguyên nhân, không biến mất hoặc trở nên trầm trọng hơn

+ Những thay đổi về da như một khối u chảy máu hoặc đóng vảy, nốt ruồi mới hoặc sự thay đổi của nốt ruồi, vết loét không lành hoặc da hoặc mắt có màu hơi vàng.

+ Ho hoặc khàn giọng không khỏi

+ Chảy máu hoặc bầm tím bất thường không rõ lý do

+ Thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy, không biến mất hoặc hình dạng phân của bạn thay đổi

+ Thay đổi bàng quang như đau khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc cần đi tiểu nhiều hay ít

+ Sốt hoặc đổ mồ hôi đêm

+ Nhức đầu

+ Vấn đề về thị giác hoặc thính giác

+ Thay đổi miệng như lở loét, chảy máu, đau hoặc tê.

Nguồn: Mirror

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/3-dau-hieu-co-the-nhan-biet-benh-tim-va-ung-thu-o-ban-tay-20240618143429674.htm