5,609 triệu USD cho giảm phát thải khí nhà kính

Chiều 14/12, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ được thực hiện triển khai thí điểm nguồn chi trả ERPA, đây được xem là nguồn tài chính lớn cho tỉnh nhà và liên quan đến nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số sống ven rừng.

Theo ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị định số 107 là Nghị định được ngành lâm nghiệp rất mong chờ, là Nghị định đầu tiên giúp tạo ra một quy trình trong việc bán và triển khai carbon rừng.

Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để thực hiện tốt Nghị định số 107/2022/NĐ-CP tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai các nội dung tại Công văn số 934/LN QBVPTR ngày 25/9/2023 của Cục Lâm nghiệp theo đúng quy định; thực hiện Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 30/11/2023 về Kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ.

Đồng thời thực hiện chi trả cho các chủ rừng và các đối tượng hưởng lợi số tiền ERPA năm 2023 qua tài khoản ngân hàng, chuyển tiền qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hạn chế tối đa chi trả bằng tiền mặt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP đảm bảo việc sử dụng kinh phí minh bạch, đúng mục đích và đúng đối tượng; rà soát, hệ thống lại các văn bản, quy định, sắp xếp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo theo đúng quy định.

Ông Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo nội dung liên quan đến triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về ERPA tại Thừa Thiên Huế.

Ông Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo nội dung liên quan đến triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ về ERPA tại Thừa Thiên Huế.

Tại hội nghị, ông Trần Quốc Cảnh – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo 2 nội dung về Kế hoạch thực hiện nghị định số 107/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 – 2025; Kế hoạch tài chính năm 2023 và quản lý sử dụng tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) của các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn tỉnh.

Về Kế hoạch tài chính năm 2023 và quản lý sử dụng tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) của các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn tỉnh, ông Trần Quốc Cảnh cho biết: Số tiền điều phối năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế là 37.595.129.000 đồng theo Công văn số 934/LN-QBVPTR ngày 25/9/2023 của Cục Lâm nghiệp thông báo tạm ứng tiền và triển khai nguồn thu từ ERPA.

Thời gian chi trả sẽ căn cứ kế hoạch tài chính hằng năm nguồn thu từ ERPA, UBND tỉnh quy định việc tạm ứng, thanh toán cụ thể cho các đối tượng được hưởng lợi. Đối với chủ rừng là tổ chức, UBND xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của đơn vị. Đối với cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử, qua đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, hạn chế chi trả trực tiếp; đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, công khai, minh bạch...

Hội nghị đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai nhằm thực hiện việc chi trả kết quả giảm phát thải hiệu quả.

Hội nghị đã đưa ra một số giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai nhằm thực hiện việc chi trả kết quả giảm phát thải hiệu quả.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ, thảo luận đồng thời đưa ra một số giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai, nhằm thực hiện việc chi trả kết quả giảm phát thải hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định và tạo tiền đề triển khai thuận lợi, cũng như phát triển các dự án, chương trình tiềm năng về hấp thụ và lưu giữ carbon sau này.

Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn giảm phát thải góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, đảm bảo cuộc sống nhờ rừng.

Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn giảm phát thải góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, đảm bảo cuộc sống nhờ rừng.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Tất Tùng nhấn mạnh: Nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính là nguồn thu mới, một nguồn tài chính ngoài ngân sách phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hy vọng thời gian tới, đây sẽ là một nguồn thu ổn định, lâu dài, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ được thực hiện triển khai thí điểm nguồn chi trả ERPA. Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng).

Quỳnh Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/5609-trieu-usd-cho-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-post498815.html