5 điều cần biết về kết quả bầu cử EU

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) kéo dài 4 ngày đã kết thúc hôm 9/6, với một số kết quả không ngoài dự đoán nhưng cũng chứng kiến những diễn biến bất ngờ.

Chiến thắng rõ ràng

Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã giành được chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) kết thúc cuối tuần qua, củng cố vai trò lãnh đạo của khối trung hữu ngay cả khi các nhóm cực hữu đạt được những thắng lợi lớn trên toàn khối.

Theo dữ liệu tạm thời, khối trung hữu đang trên đà có khoảng 184 ghế trong nghị viện khóa mới, tương đương 1/4 trong tổng số 720 ghế khóa mới. Theo đó, EPP có vị thế tốt nhất để thiết lập chính sách của EU, “nghiêng” chương trình nghị sự sang cánh phải.

“Chúng tôi là đảng của ngành, chúng tôi là đảng của các vùng nông thôn, chúng tôi là đảng của nông dân châu Âu”, Manfred Weber, Chủ tịch EPP trong Nghị viện châu Âu, nói với Politico gần đây.

Mặc dù những người bảo thủ EPP một lần nữa có thể tham gia vào một liên minh lớn với những người theo chủ nghĩa xã hội (khối S&D trung tả) và những người theo chủ nghĩa tự do, nhưng EPP cũng có thể đàm phán hợp tác về một số vấn đề với các đảng cực hữu hơn.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Rome, ngày 8/6/2024. Ảnh: RTE

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Rome, ngày 8/6/2024. Ảnh: RTE

Cánh hữu thắng lớn

Đúng như dự đoán của các cuộc thăm dò, các lực lượng cực hữu đã giành được những thắng lợi lớn trên toàn khối. Tại Pháp, Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen đã giành được gần 1/3 số phiếu bầu, củng cố vị thế là nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hàng đầu trong nghị viện tiếp theo.

Tương tự, Đảng Những người anh em Italy (Fratelli d’Italia – FdI) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng thắng lớn sau khi nhận được hơn 28% số phiếu bầu. Chiến thắng sẽ giúp bà Meloni có được vị thế tốt hơn trong nước, đồng thời định vị nữ chính trị gia cực hữu này là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở cấp EU.

Hai nhóm cực hữu nhất trong Nghị viện châu Âu, là Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) và nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), sẽ kiểm soát 131 ghế. Ngoài ra, Đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) giành được 15 ghế, Đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán giành được 10 ghế, Liên minh Liên đoàn (Confederation) cực hữu của Ba Lan có 6 ghế, và Đảng GERB được cho là “thân Điện Kremlin” của Bulgaria có 3 ghế.

Tây Ban Nha, Đảng Vox bị một đảng cực hữu mới là The Party is Over vượt mặt. The Party is Over đã giành được 3 ghế vốn có thể thuộc về Vox, và sẽ có 6 nhà lập pháp ở Brussels trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Nếu các nhóm đảng cực hữu hợp thành một liên minh thì họ sẽ là lực lượng lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu, sau Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) cầm quyền. Nhưng sự cạnh tranh và bất đồng trong hàng ngũ của các nhóm đảng cực hữu này khiến cho kịch bản đó khó xảy ra, nhưng quy mô khổng lồ của họ dù sao cũng sẽ gây áp lực trực tiếp lên chính sách của EU.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Postdam, Đức, ngày 9/6/2024. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Postdam, Đức, ngày 9/6/2024. Ảnh: Getty Images

“Khe cửa hẹp”

Kết quả hôm 9/6 cho thấy đương kim Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen có cơ hội tốt để tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, nhưng khó khăn còn ở phía trước, và bà có thể sẽ phải lách qua “khe cửa hẹp” để về đích.

Ngay cả khi giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU, bà Von der Leyen vẫn cần được sự chấp thuận của nghị viện. Năm 2019, bà được bầu với phiếu bầu từ EPP, S&D và Renew Europe. Về nguyên tắc, liên minh tương tự có thể mang lại cho bà một đa số khác.

Nhưng bà Von der Leyen sẽ cần phải cẩn thận vì cuộc bỏ phiếu tại nghị viện là một cuộc bỏ phiếu bí mật. Lần trước, bà hy vọng có thể trông cậy vào sự ủng hộ của 440 nhà lập pháp thuộc 3 nhóm trung dung kể trên, nhưng thực tế chỉ nhận được 383 phiếu bầu.

Lần này, 3 nhóm sẽ chiếm hơn 400 ghế trong tổng số 720 ghế. Sẽ ổn nếu toàn bộ các nhà lập pháp trung dung vẫn bỏ phiếu cho bà. Nhưng không có gì đảm bảo tất cả họ sẽ làm như vậy. Thậm chí, một số thành viên Đảng EPP của bà từng cho biết họ sẽ không ủng hộ bà.

Bà Ursula von der Leyen, ứng cử viên chính cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu khóa mới, trong một sự kiện tại trụ sở Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) ở Brussels, ngày 9/6/2024. Ảnh: AP

Bà Ursula von der Leyen, ứng cử viên chính cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu khóa mới, trong một sự kiện tại trụ sở Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) ở Brussels, ngày 9/6/2024. Ảnh: AP

Không phải ai cũng thắng

Sau 5 năm Brussels coi Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là vấn đề nổi bật, các cử tri đã quay lưng lại với các đảng có quan điểm “thân sinh thái” và từ chối bỏ phiếu để giữ các đại diện của họ ở lại nghị viện.

Tổn thất đáng kể nhất của Đảng Xanh trung tả được ghi nhận ở các phái đoàn đại diện cho Pháp và Đức, vốn chiếm một nửa sức mạnh của phong trào trong Nghị viện châu Âu. Bất chấp những tiến bộ nhỏ ở các quốc gia như Hà Lan và Đan Mạch, nhóm này sẽ mất hơn chục nhà lập pháp, giảm quy mô từ đảng lớn thứ 4 xuống thành thứ 6 trong nghị viện khóa mới.

Khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe), trụ cột thứ 3 của liên minh cầm quyền 3 bên đã thống trị nghị viện trong 5 năm qua, đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử kết thúc hôm 9/6.

Tại Pháp, Đảng Renaissance theo đường lối trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thua trước phe cực hữu sau khi chỉ giành được khoảng 15% phiếu bầu so với con số dự kiến 32-332% cho Đảng RN của bà Le Pen.

Các nhánh nhỏ hơn, ví dụ như Đảng Ciudadanos ở Tây Ban Nha, đã bị gạt hẳn ra khỏi nghị viện. 7 ghế mà đảng này nắm trước đây giờ thuộc về Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu. Tình hình của phe trung dung ở Romania, Đan Mạch và Estonia cũng không sáng sủa hơn.

Với khoảng 14% số ghế trong nghị viện, Renew Europe đã dành phần lớn thời gian của nhiệm kỳ trước để đóng vai trò là nhóm quyết định sự tồn tại của liên minh cầm quyền. Trong khóa mới, khối này khó có thể có nhiều quyền lực do quy mô bị thu hẹp.

Diễn biến này là tin xấu đối với những nhân vật như ông Macron, người hy vọng sử dụng khối này để thúc đẩy tầm nhìn của mình về châu Âu tại Brussels.

Kết quả dự kiến bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, từ ngày 6-9/6/2024. Nguồn: Politico EU

Kết quả dự kiến bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2024, từ ngày 6-9/6/2024. Nguồn: Politico EU

Cuộc trưng cầu dân ý

Như thường lệ trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, công dân trên toàn khối đã sử dụng phiếu bầu của họ như một cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế về chính phủ quốc gia của họ. Tại Pháp, chiến thắng áp đảo của Đảng RN cực hữu đã khiến Tổng thống Macron phản ứng bằng cách giải tán Quốc hội Pháp và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Mặc dù không có nhà lãnh đạo quốc gia nào khác phản ứng gay gắt như vậy, nhưng kết quả tiêu cực đối với các đảng cầm quyền ở các quốc gia như Đức và Hungary được coi là đòn giáng mạnh vào các nhà lãnh đạo tương ứng của họ là Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

Tại Đan Mạch, Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Mette Frederiksen vẫn giữ được ghế trong cuộc bỏ phiếu được coi là trưng cầu dân ý về cách xử lý vấn đề nhập cư của chính phủ trung dung của bà.

Ở Tây Ban Nha, nỗ lực thể hiện cuộc bầu cử như một cuộc trưng cầu dân ý đối với Thủ tướng Pedro Sánchez đã thất bại: Đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của ông đã làm suy yếu nỗ lực của phe bảo thủ nhằm sử dụng kết quả để hạ bệ chính phủ liên minh thiểu số.

Minh Đức (Theo Politico EU, EuroNews, The Spectator)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/5-dieu-can-biet-ve-ket-qua-bau-cu-eu-a667724.html