7 nguy cơ sức khỏe khi cơ thể già đi và cách khắc phục

Khi cơ thể càng có tuổi càng dễ mắc nhiều bệnh lý do hệ miễn dịch và chức năng các cơ quan suy giảm.

1. Nguy cơ mắc cảm cúm cao hơn

Nội dung

1. Nguy cơ mắc cảm cúm cao hơn
2. Nguy cơ tăng cân khi cơ thể già đi
3. Các vấn đề về giấc ngủ
4. Xương dễ gãy
5. Bệnh ung thư
6. Trầm cảm
7. Suy giảm trí nhớ

Khi bạn trên 65 tuổi, hệ thống miễn dịch không còn khỏe mạnh như trước nên dễ mắc cảm cúm hơn.

Đặc biệt, tuổi cao còn làm tăng nguy cơ biến chứng cúm nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, làm trầm trọng hơn bệnh phổi và bệnh tim...

Cách khắc phục: Tăng cường miễn dịch bằng ăn uống và tập luyện, rửa tay thường xuyên, tránh tới nơi đông người khi bị ốm, tiêm phòng cúm hàng năm...

2. Nguy cơ tăng cân khi cơ thể già đi

Khi càng nhiều tuổi, cơ thể dần mất đi cơ bắp, đốt cháy ít calo cộng với ít hoạt động thể chất hơn dẫn đến nguy cơ tăng cân cao hơn.

Thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như bệnh tim, huyết áp cao, đái tháo đường và đột quỵ. Đối với người cao tuổi, nguy cơ này càng cao hơn kèm theo các vấn đề về khớp như viêm khớp, khiến các cử động hàng ngày như đi bộ và đứng dậy khỏi ghế trở nên khó khăn hơn.

Cách khắc phục: Tập luyện thể dục vẫn là biện pháp hiệu quả đối với bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả người cao tuổi nhằm ngăn ngừa tăng cân, béo phì đồng thời giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt... Tuy nhiên, với người lớn tuổi cần có mức độ tập luyện khác với người trẻ tuổi về mức độ, thời gian, loại hình... để tránh nguy cơ chấn thương, quá sức gây mệt mỏi, chán nản...

Khi cơ thể già đi có xu hướng hoạt động thể chất ít hơn dẫn đến nguy cơ tăng cân.

Khi cơ thể già đi có xu hướng hoạt động thể chất ít hơn dẫn đến nguy cơ tăng cân.

3. Các vấn đề về giấc ngủ

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hầu hết các vấn đề về giấc ngủ không liên quan đến lão hóa. Tuy nhiên, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ... có thể bắt nguồn từ các tình trạng bệnh lý hoặc cảm xúc xảy ra khi cơ thể già đi.

Bên cạnh đó, lão hóa cũng ảnh hưởng đến nhịp thức - ngủ của cơ thể như buồn ngủ sớm hơn vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vào buổi sáng. Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày vì nếu không ngủ đủ giấc sau 50 tuổi có thể làm tăng nguy cơ giảm trí nhớ, đau đớn, trầm cảm và ngủ gật.

Cách khắc phục: Duy trì nhịp thức - ngủ đều đặn, không uống nước ngay trước khi đi ngủ để tránh đi tiểu đêm; hạn chế uống cà phê 8 tiếng trước khi ngủ; hạn chế ánh sáng từ màn hình điện thoại, tivi; thực hiện một số động tác thư giãn, hít thở sâu... để có giấc ngủ ngon, thức dậy khỏe khoắn.

Khi cơ thể già đi, các tình trạng bệnh lý mạn tính có thể gây rối loạn giấc ngủ.

Khi cơ thể già đi, các tình trạng bệnh lý mạn tính có thể gây rối loạn giấc ngủ.

4. Xương dễ gãy

Tuổi cao có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng khiến nguy cơ té ngã gây chấn thương hay gãy xương cao hơn, đặc biệt dễ xảy ra khi cơ thể bị loãng xương.

Cách khắc phục: Để giữ xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, mỗi người nên ăn nhiều trái cây, rau và thực phẩm giàu canxi, bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời; thực hiện các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể như đi bộ, chống đẩy, nâng tạ; bỏ hút thuốc và không uống rượu...

Khả năng giữ thăng bằng giảm khi tuổi cao tăng nguy cơ gãy xương.

Khả năng giữ thăng bằng giảm khi tuổi cao tăng nguy cơ gãy xương.

5. Bệnh ung thư

Tuổi tác là yếu tố dự báo lớn nhất về khả năng mắc bệnh ung thư dựa trên các thống kê về tỷ lệ mắc bệnh lý này như bệnh tăng vọt sau tuổi 50. Một nửa số ca ung thư xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Đối với ung thư phổi, độ tuổi trung bình là 70.

Các nhà khoa học không biết chính xác tại sao người già dễ bị ung thư hơn nhưng một số giả thiết được đưa ra là do cơ thể đã tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư lâu hơn hoặc có thể cơ thể ít có khả năng sửa chữa các tế bào bị rối loạn khi già đi.

Cách khắc phục: Già đi không có nghĩa là cơ thể sẽ bị ung thư. Bạn có thể áp dụng những thói quen lành mạnh đã được chứng minh giúp ngăn ngừa bệnh như giảm cân, hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, luyện tập thể dục đều đặn, thực hiện khám sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc một số loại ung thư (ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, ung thư da, ung thư vú...).

Ung thư đại trực tràng có thể được sàng lọc khi khám sức khỏe định kỳ.

Ung thư đại trực tràng có thể được sàng lọc khi khám sức khỏe định kỳ.

6. Trầm cảm

Người cao tuổi có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nếu mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh tim hoặc viêm khớp... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người cao tuổi cảm thấy ít niềm vui và hứng thú với các hoạt động và con người như trước đây nhưng không có các triệu chứng toàn diện của bệnh trầm cảm.

Cách khắc phục: Thực hiện những thay đổi đơn giản về lối sống hoặc chế độ ăn uống, đôi khi cần dùng thuốc, có thể cải thiện tâm trạng. Cô đơn có thể dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, hãy nói chuyện nhiều hơn với bạn bè và gia đình, tham gia một lớp học như cắm hoa, khiêu vũ, làm công việc tình nguyện...

7. Suy giảm trí nhớ

Bộ não lão hóa lưu trữ thông tin theo một cách hơi khác, vì vậy bạn sẽ khó nhớ lại các sự kiện gần đây hơn. Nhưng nếu bạn không thể nhớ những điều đơn giản như cách làm theo chỉ dẫn hoặc công thức nấu ăn hoặc quên đường về nhà thì đó có thể là dấu hiệu hơn như chứng mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer.

Cách khắc phục: Để ngăn ngừa nguy cơ suy giảm trí nhớ, bạn nên chú trọng hơn vào chế độ dinh dưỡng như tăng cường các loại thực phẩm tốt cho não như quả óc chó, việt quất; tập luyện thể dục đều đặn; dành thời gian ngủ trưa và ngủ đủ giấc vào buổi tối; tham gia các trò chơi rèn luyện trí óc hay thường xuyên đọc sách, thử các kỹ năng mới, tham gia lớp học khiêu vũ...

Mời bạn xem tiếp video:

Người cao tuổi bị trầm cảm - lời khuyên từ bác sĩ | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-nguy-co-suc-khoe-khi-co-the-gia-di-va-cach-khac-phuc-16923031411004346.htm