8 món ăn bài thuốc dễ chế biến cho người sốt xuất huyết

Khi bước vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành trên cả nước. Một số món ăn bài thuốc rất hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị căn bệnh này.

Trong y học hiện đại, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Bệnh thường gặp ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt vào mùa mưa, với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, nổi ban và xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng…

Nội dung

1. Món ăn cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đang sốt

1.1. Cháo gạo tẻ đậu xanh

1.2. Cháo rau ngót thịt bằm

2. Món ăn cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi

2.1. Cháo thịt gà bí đỏ

2.2. Súp khoai tây, cà rốt, thịt bò

2.3 Cháo củ năng, hạt sen, ý dĩ

2.4 Súp gà nấu mạch môn và kỷ tử

3. Một số bài thuốc dễ sử dụng

3.1. Nước sắc cam thảo, hoa cúc, hạ khô thảo

3.2. Nước sắc cỏ nhọ nồi (Hạn liên thảo)

4. Những lưu ý khi dùng các món ăn bài thuốc

Dưới góc nhìn của y học cổ truyền, sốt xuất huyết được xếp vào phạm trù các chứng "ôn bệnh", "nhiệt độc", "phát ban", "thổ huyết" hoặc "lỵ huyết", tùy theo biểu hiện lâm sàng.

Nguyên nhân chủ yếu do "nhiệt tà xâm nhập vào phần vệ khí, doanh huyết", làm tổn thương âm huyết, hao tổn tân dịch, gây ra sốt cao, ban xuất huyết và các biểu hiện nhiệt thịnh.

Điều trị trong Đông y chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm sinh tân, lương huyết chỉ huyết. Trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, giảm triệu chứng, đồng thời bồi bổ chính khí để chống lại tà độc.

Khi người bệnh đang trong giai đoạn cấp tính, sốt cao, hay trong giai đoạn hồi phục sau sốt thì việc lựa chọn các món ăn bài thuốc phù hợp giúp hạ nhiệt, tăng đề kháng, cầm máu và phục hồi thể trạng là rất cần thiết.

Xuất huyết dưới da trong bệnh sốt xuất huyết.

Xuất huyết dưới da trong bệnh sốt xuất huyết.

Sau đây là một số món ăn bài thuốc dễ chế biến, nguyên liệu đơn giản, hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết:

1. Món ăn cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đang sốt

1.1. Cháo gạo tẻ đậu xanh

- Nguyên liệu: Gạo tẻ ½ bát, đậu xanh đã đãi vỏ 50g, gia vị vừa đủ.

- Cách làm: Ninh mềm gạo và đậu xanh thành cháo loãng, ăn ấm.

Cháo gạo tẻ đậu xanh thanh nhiệt, giải độc phù hợp cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đang sốt.

Cháo gạo tẻ đậu xanh thanh nhiệt, giải độc phù hợp cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đang sốt.

- Công dụng: Đậu xanhvị ngọt, tính mát, có tác dụngthanh nhiệt, giải độc, trừ phiền khát, rất thích hợp cho người bệnh đang sốt cao, khô miệng, nóng trong. Gạo tẻvị ngọt, tính bình, bổ tỳ vị, giúpdễ tiêu hóa,sinh tân dịch, cải thiện tình trạng chán ăn, tiêu hóa kém.

1.2. Cháo rau ngót thịt bằm

- Nguyên liệu: Rau ngót một nắm nhỏ, thịt nạc heo xay 100g, gạo tẻ ½ bát.

- Cách làm: Nấu cháo với thịt cho mềm, rau ngót rửa sạch thái nhỏ, cho vào khi cháo sôi lại, nêm vừa nhạt.

Cháo rau ngót thịt bằm.

Cháo rau ngót thịt bằm.

- Công dụng: Rau ngót vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, giải độc, giúp làm dịu sốt. Thịt heo nạc bổ âm huyết, phối hợp với gạo giúp tăng cường dinh dưỡng, phù hợp với người bệnh đang mệt mỏi, yếu sức.

2. Món ăn cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi

2.1. Cháo thịt gà bí đỏ

- Nguyên liệu: Thịt ức gà ta 100g, gạo tẻ ½ bát, bí đỏ 100g.

- Cách làm: Luộc thịt gà, xé nhỏ. Bí đỏ hấp chín, nghiền nhuyễn. Nấu cháo nhừ, thêm bí đỏ và thịt gà, nêm gia vị.

- Công dụng: Gà ta vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ khí huyết, kiện tỳ vị, giúp phục hồi sức khỏe. Bí đỏ vị ngọt, tính ấm, bổ tỳ vị, dưỡng huyết, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch. Đây là món ăn vừa dễ tiêu, vừa giúp tái tạo máu, rất thích hợp ở giai đoạn hồi phục sau sốt xuất huyết.

2.2. Súp khoai tây, cà rốt, thịt bò

- Nguyên liệu: Khoai tây 100g, cà rốt 100g, thịt bò nạc 100g.

- Cách làm: Luộc mềm cà rốt - khoai tây, nghiền nhuyễn; nấp chín thịt bò rồi xay nhỏ. Nấu tất cả thành súp loãng, nêm nhạt.

Súp khoai tây thịt bò cà rốt.

Súp khoai tây thịt bò cà rốt.

- Công dụng: Thịt bò vị ngọt, tính ấm, bổ huyết, bổ tỳ vị, rất cần thiết trong giai đoạn mất máu do xuất huyết. Khoai tây, cà rốt bổ trung ích khí, giàu vitamin, dễ tiêu hóa, giúp người bệnh ăn ngon, tránh táo bón.

2.3 Cháo củ năng, hạt sen, ý dĩ

- Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, củ năng (mã thầy) 3-5 củ, hạt sen tươi 20g, ý dĩ nhân 20g.

- Cách làm: Ninh gạo tẻ và ý dĩ nhừ, sau đó cho hạt sen và củ năng vào, nấu đến khi mềm.

- Công dụng: Củ năng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân dịch. Hạt sen dưỡng tâm, an thần, bổ tỳ vị. Ý dĩ kiện tỳ, thẩm thấp hỗ trợ hồi phục chức năng tiêu hóa sau bệnh... phù hợp khi người bệnh hồi phục sau sốt mất ngủ, tiêu hóa kém.

2.4 Súp gà nấu mạch môn và kỷ tử

- Nguyên liệu: Ức gà 100g, mạch môn 12g, kỷ tử 10g, gừng tươi 2 lát, gia vị vừa đủ.

- Cách làm:Mạch môn rửa sạch, sắc lấy nước. Cho nước sắc vào nấu chung với thịt gà xé nhỏ, kỷ tử, gừng và nêm vừa ăn.

- Công dụng: Mạch môn dưỡng âm, sinh tân, thanh nhiệt thích hợp cho người sốt kèm khô miệng, mất tân dịch. Kỷ tử bổ can thận, dưỡng huyết, sáng mắt, hỗ trợ hồi phục sau bệnh, chống mệt mỏi. Thịt gà ích khí dưỡng huyết, bồi bổ cơ thể.

3. Một số bài thuốc dễ sử dụng

Thích hợp cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn đang sốt:

3.1. Nước sắc cam thảo, hoa cúc, hạ khô thảo

- Nguyên liệu: Cam thảo 4g, hoa cúc trắng 6g, hạ khô thảo 10g.

- Cách làm: Cho các vị thuốc vào 500ml nước, sắc còn 250ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Hạ khô thảo hỗ trợ hạ sốt, tiêu viêm.

Hạ khô thảo hỗ trợ hạ sốt, tiêu viêm.

- Công dụng: Hạ khô thảo thanh can hỏa, tán kết, hỗ trợ hạ sốt, tiêu viêm. Cam thảo điều hòa tỳ vị, giải độc. Hoa cúc thanh nhiệt, giải độc, minh mục (sáng mắt), làm dịu đau đầu do sốt. Thích hợp dùng kèm trong giai đoạn sốt nhẹ đến trung bình, mệt mỏi, khô miệng, nhức hốc mắt.

Thích hợp cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi:

3.2. Nước sắc cỏ nhọ nồi (Hạn liên thảo)

- Nguyên liệu: Cỏ nhọ nồi tươi 30 - 40g, gừng tươi vài lát.

- Cách dùng: Giã nhọ nồi lấy nước uống sống hoặc nấu với 400ml nước còn 200ml, chia 2 lần/ngày.

Cỏ nhọ nồi chuyên dùng khi có xuất huyết dưới da.

Cỏ nhọ nồi chuyên dùng khi có xuất huyết dưới da.

- Công dụng: Cỏ nhọ nồi vị ngọt, tính lương, vào kinh can thận, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, chuyên dùng khi có xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Gừng giúp ôn trung, điều vị, giảm tính hàn của nhọ nồi, tránh tiêu chảy.

4. Những lưu ý khi dùng các món ăn bài thuốc

Mặc dù các món ăn bài thuốc trên khá dễ chế biến, lành tính và có tác dụng hỗ trợ rất tốt, nhưng người bệnh và người nhà cần lưu ý một số điểm sau:

- Không thay thế thuốc điều trị chính: Các món ăn bài thuốc chỉ mang tính hỗ trợ, không có tác dụng điều trị triệt để sốt xuất huyết. Người bệnh vẫn cần được theo dõi y tế chặt chẽ, đặc biệt khi có dấu hiệu cảnh báo như chảy máu nhiều, lừ đừ, khó thở…

- Chọn món ăn bài thuốc phù hợp với giai đoạn bệnh: Trong giai đoạn sốt cao, ưu tiên món thanh nhiệt, giải độc, lương huyết; giai đoạn phục hồi thì dùng món bổ khí, dưỡng huyết.

- Tránh món ăn có tính nóng, bổ dương: Thịt chó, nhãn, rượu, vì có thể làm tăng nhiệt, gây xuất huyết nặng thêm.

- Các món ăn nên nhạt, dễ tiêu, ăn từng bữa nhỏ, tránh gây quá tải tiêu hóa khi cơ thể yếu.

BSNT. Phan Bích Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/8-mon-an-bai-thuoc-de-che-bien-cho-nguoi-sot-xuat-huyet-169250720225319491.htm