Ai 'tiếp tay' cho việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại xã Hiệp Thuận tồn tại?

Dù Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà xưởng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông song tình trạng này vẫn diễn ra rầm rộ, tràn lan trên địa bàn xã Hiệp Thuận (Huyện Phúc Thọ).

Điều đáng nói, ngay cả Chủ tịch xã này cũng ngang nhiên lấn chiếm, gây bức xúc trong dư luận. Người dân đặt ra câu hỏi, ở cương vị Chủ tịch xã không hiểu ông Nguyễn Xuân Tâm sẽ chấn chỉnh các hộ xung quanh như thế nào khi chính gia đình ông đang vi phạm pháp luật?

Mặc dù hàng loạt công trình lấn chiếm hành lang ATGT song chính quyền vẫn "làm ngơ" khiến dư luận bức xúc.

Tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và xây dựng các công trình trên bề mặt sông Đáy đang diễn ra phổ biến.

Nhiều hộ gia đình và hộ kinh doanh còn dựng biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, để xe máy, ô tô lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngay tại hành lang an toàn giao thông đường đê quốc lộ 32 (cũ). Trong đó có cả công trình nhà ở, siêu thị kiên cố của gia đình ông Nguyễn Xuân Tâm - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận, vừa được hoàn thiện gấp rút.

Cũng theo tìm hiểu được biết, trong giai đoạn công trình của ông Nguyễn Xuân Tâm xây dựng đã có rất nhiều nhà xưởng, kho bãi dọc hai ven đường Quốc lộ 32 và khu làng nghề đường Rặng nhãn mọc lên lấn chiếm hành lang an toàn giao thông rất nghiêm trọng.

Theo khoản 2, Điều 1, Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định về giới hạn hành lang an toàn giao thông đường bộ, như sau: Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ. Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được quy định như sau:

Đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn đường bộ có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra mỗi bên là 17m đối với đường cấp I, cấp II; 13m đối với đường cấp III; 09m đối với đường cấp IV, cấp V; 04m đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

Đoạn đường đê tả sông Đáy thuộc quốc lộ 32 (cũ) nối các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của địa phương. Đường được thiết kế rộng 8m, gồm 2 làn. Như vậy, đây là đoạn đường cấp IV theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054:2005 về đường ô tô - yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Do đó, đoạn đường này phải có hành lang an toàn giao thông ít nhất 9m. Toàn bộ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nằm trên đoạn đường đê này phải để hành lang an toàn giao thông ít nhất 9m.

Theo tìm hiểu của PV, công trình siêu thị, nhà ở của Chủ tịch xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm đã vi phạm hành lang an toàn giao thông, khi không tuân thủ quy định 9m, xây dựng công trình bê tông kiên cố, lấn chiếm vỉa hè, để bảng biển vươn ra và đỗ ô tô vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Phần lớn diện tích đất nông nghiệp công ích tại xã này đều đã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng không sử dụng vào mục đích nông nghiệp, việc cho thuê đất công ích không thực hiện thông qua đấu giá để giao thầu sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.

Trao đổi với PV về việc gia đình của ông đang vi phạm hành lang an toàn giao thông, ông Nguyễn Xuân Tâm - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận cho biết: “Nhà của tôi xây từ năm 2007, gần đây chỉ sửa sang lại cho khỏi dột, không phải làm mới nên giữ nguyên hiện trạng cũ, chứ không cơi nới, lấn chiếm gì. Chúng tôi cũng đang thống nhất với đội quản lý trật tự xây dựng của địa phương, với cơ quan quản lý đê điều, phối hợp với các ngành chức năng của huyện chấn chỉnh những hành vi lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông”.

Nhà của ông Nguyễn Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận vi phạm hành lang ATGT.

Nói là đang chấn chỉnh nhưng không hiểu ông Tâm sẽ chấn chỉnh các hộ xung quanh như thế nào khi chính gia đình ông đang vi phạm? Dư luận đang đặt câu hỏi, có hay không việc Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc quản lý và sử dụng đất đai, để đất nông nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích có tính hệ thống, đồng loạt với số lượng lớn cả về số người vi phạm và diện tích vi phạm, gây dư luận xấu trong nhân dân?

Trước đó, tại thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND TP. chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ xử lý vi phạm đất đai còn thấp nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm kịp thời, dứt điểm; cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị nhằm quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại, nhất là các vi phạm tồn tại từ trước năm 2014.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP. siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…

Nhiều bài học đắt giá đã được rút ra, nhiều cán bộ có trách nhiệm quản lý đã bị kỷ luật, nhưng hiện tại việc quản lý về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn xã Hiệp Thuận vẫn chưa được xử lý theo đúng yêu cầu của UBND TP. Hà Nội. Vậy ông Nguyễn Xuân Tâm đã nêu gương trước toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hiệp Thuận với tư cách người đứng đầu hay chưa?

Minh Châu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-tiep-tay-cho-viec-lan-chiem-hanh-lang-an-toan-giao-thong-tai-xa-hiep-thuan-ton-tai-post87557.html