Ân tình máu hiếm
Có những người sau khi hiến máu tình cờ biết mình có nhóm máu đặc biệt. Mang sứ mệnh cho tặng những đơn vị máu hiếm quý giá, họ thấu hiểu từng phút giây sinh tử của người bệnh, cứ được gọi là họ có mặt ngay tham gia hiến máu.

Anh Nguyễn Ngọc Ánh đã có 43 lần hiến máu và tiểu cầu
Cho đi không cần nhận lại
Những người có mặt tại Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2025 vừa diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mang trong mình nhiều tâm trạng, thấu hiểu, trân trọng, vinh dự và xúc động về hành trình nhân ái này.
Anh Nguyễn Văn Kiên (TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, lần đầu tiên anh tham gia hiến máu vào năm 1997, khi còn là sinh viên. Khi đó, anh nghĩ đơn giản rằng mình đang làm một việc tốt, giúp đỡ ai đó đang cần. Nhưng càng về sau, gắn bó với hành trình này, anh hiểu rõ mỗi giọt máu mình cho đi có thể là tia hy vọng, là sự sống, là cả một tương lai đối với người khác. Trong giây phút cận kề giữa sự sống và cái chết, những giọt máu nhân đạo là nguồn sống vô cùng quý giá đối với họ.
Mỗi lần hiến máu xong, anh cảm thấy trong lòng rất nhẹ nhàng. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khi nghe câu chuyện của họ được cứu sống nhờ máu hiến tặng, anh càng thêm trân trọng và quyết tâm tiếp tục hoạt động đầy ý nghĩa này. Anh thường xuyên vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia, để thêm nhiều cánh tay nối dài sự sống. Đến nay anh Kiên đã 28 lần hiến máu.
Đã 43 lần hiến máu và hiến tiểu cầu, anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1985, huyện Krông Ana) không nhớ bao nhiêu lần hiến tiểu cầu vội vã trong đêm cho bệnh nhân nguy kịch. Mỗi lần như vậy, anh lại tự dặn lòng phải biết cách giữ sức khỏe, để có thể trạng tốt nhất tham gia hiến khi cần.
Anh Ánh cho biết, khi hiến máu khoảng 10 lần, biết bản thân đủ điều kiện sức khỏe hiến tiểu cầu, anh luôn ở trong tâm thế sẵn sàng. Khi các câu lạc bộ hiến máu liên hệ, anh cố gắng sắp xếp thời gian đến sớm nhất có thể để hiến.
Anh tâm niệm “hạnh phúc là cho đi”. Nhiều bệnh nhân sau khi được anh cho máu có liên hệ gặp để tặng quà cảm ơn nhưng anh thường từ chối, chỉ nhận lời cảm ơn của họ, bởi anh coi đó là việc cần làm.
Lần đầu tiên tham gia hiến máu cứu sống đồng đội bị rắn cắn, ông Y Dyit Mdrang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Trul (huyện Krông Bông), mong muốn được đóng góp cho cộng đồng. Đến nay ông đã 15 lần hiến máu tình nguyện.
Ông Y Dyit Mdrang chia sẻ: “Qua mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và có ý nghĩa với cuộc đời mình. Tôi mong rằng mọi người cùng sẻ chia giọt máu của mình để mang đến niềm hy vọng cho mọi người”.
Ông tâm sự, lần đầu tiên hiến máu rất hồi hộp, lo lắng. Thời gian đó, bản thân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một hôm, đồng đội bị rắn cắn, cần truyền máu gấp, không ngần ngại, ông đã tham gia hiến. “Đồng đội được cứu sống, tôi hiểu ra rằng hành động nhỏ bé ấy có thể góp phần cứu sống người khác”, ông Y Dyit nói. Cách đây mấy năm, khi nhận được cuộc gọi có một sản phụ cần truyền máu gấp tại bệnh viện trên TP Buôn Ma Thuột, ông đã vội vã chạy xe gần 40km từ nhà lên bệnh viện để hiến máu.

Anh Dương Xuân Thông được UBND tỉnh Đắk Lắk tôn vinh và trao tặng bằng khen trong công tác hiến máu tình nguyện
Ân tình những giọt máu hiếm
Năm 2000, anh Dương Xuân Thông (TP Buôn Ma Thuột) tham gia hiến máu lần đầu và được bác sỹ thông báo mang nhóm máu hiếm Rh-(D) âm. Lúc đó anh không ngờ rằng nhóm máu của mình lại thuộc diện hiếm và có thể gặp nhiều rủi ro trong điều trị.
Anh Thông chia sẻ, sau khi tìm hiểu thông tin về các nhóm máu hiếm và vài lần đi hiến máu, anh thấy sức khỏe bình thường nên đã tham gia vào CLB nhóm máu hiếm của tỉnh để khi có người cần, anh sẽ chủ động đi hiến máu. “CLB không chỉ là nơi tập hợp lực lượng hiến máu dự bị mà còn là ngôi nhà thứ hai, nơi chia sẻ yêu thương, động viên nhau cùng lan tỏa giá trị nhân văn của nghĩa cử hiến máu cứu người. Từ chính trải nghiệm cá nhân và sự đồng hành cùng các thành viên trong CLB, tôi thấy rõ được ý nghĩa của việc gắn kết, hỗ trợ nhau, không chỉ trong hoạt động hiến máu, mà còn trong cuộc sống”, anh Thông bộc bạch.
Đến nay, anh Thông đã 7 lần hiến nhóm máu hiếm Rh-(D) âm. Chỉ cần một cuộc điện thoại kêu gọi, các thành viên CLB nhóm máu hiếm sẵn sàng gạt mọi công việc, lên đường hiến máu cứu người. Họ hiểu giá trị của những đơn vị máu quý giá ấy, bởi đây có thể là nguồn sống và tia hi vọng duy nhất cho người bệnh.
Hội nghị tôn vinh người hiến máu tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2025 tôn vinh và trao tặng bằng khen đến 53 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk trong công tác hiến máu tình nguyện.
Nhận những giọt máu hiếm nghĩa tình của các tình nguyện viên để duy trì sự sống cho con trai hơn 5 tuổi, anh Đoàn Tuấn Vũ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) xúc động nói: “Nhiều người đã hy sinh một phần máu trong huyết quản của mình để những bệnh nhân như con chúng tôi có cơ hội được sống. Họ chấp nhận cho đi khi mà chúng tôi chẳng thể đền đáp lại ân đức. Thậm chí, sau những lần truyền máu, chúng tôi không hề biết tất cả những ai đã âm thầm hiến tặng số máu đó”.
Anh Vũ chia sẻ, gia đình có 3 người con, cháu Y Thiên Bảo Niê (SN 2020) là con đầu. Khi sinh ra được 9 tháng tuổi, gia đình phát hiện bé bị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) có nhóm máu hiếm ARh- âm và phải truyền máu. Bình quân mỗi tháng cháu phải truyền 1 đơn vị máu hiếm, gần 5 năm qua, cháu đã được truyền khoảng 40 đơn vị máu tương đương với 10 lít máu.
“Chúng tôi sống trong những cơn đau, lo sợ về bệnh, cùng cảm giác cái chết cận kề nên hơn ai hết, chúng tôi biết mỗi giọt máu hiến tặng đáng quý hơn ngàn vàng. Nó chẳng những xoa dịu cơn đau, tạm thời đẩy lùi bệnh tật mà còn cho người bệnh hy vọng được sống tiếp.
Nhờ vào dòng máu hiến tặng của những tấm lòng nhân ái, chúng tôi có nghị lực để đấu tranh giành sự sống với tử thần, quyết tâm để không bao giờ gục ngã trong cuộc chiến đấu những căn bệnh quái ác về máu”, giọng anh Vũ nghẹn lại.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-tinh-mau-hiem-post1758918.tpo