An toàn cho trẻ mùa du lịch

Mùa hè là mùa cao điểm du lịch của các gia đình. Người lớn cần phải giám sát chặt chẽ bởi những chuyến đi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

Người lớn cần luôn để mắt đến trẻ, nhất là ở những địa điểm du lịch có sông, hồ, suối, biển. Ảnh: Thái Nhung.

Người lớn cần luôn để mắt đến trẻ, nhất là ở những địa điểm du lịch có sông, hồ, suối, biển. Ảnh: Thái Nhung.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hàng năm cứ vào kỳ nghỉ hè là số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Ngoài các vụ trẻ gặp các tai nạn rủi to tại nhà như: Bỏng, điện giật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm…thì nhiều vụ liên quan đến đi du lịch như: Trẻ bị đuối nước, bị lạc, bị ốm, bị tai nạn hoặc bị thương trong quá trình di chuyển… Nhiều vụ việc trẻ đi du lịch gặp tai nạn dẫn đến tử vong rất thương tâm.

Mới đây nhất trên địa bàn khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra sự việc đau lòng khi 2 cháu nhỏ là chị em ruột không may bị đuối nước tại bể bơi trong một căn hộ nghỉ dưỡng. Em nhỏ sinh năm 2020 không qua khỏi, còn chị gái sinh năm 2017 nguy kịch được điều trị tại bệnh viện nhưng cũng không qua khỏi và đã tử vong (hôm 12/6) sau một tuần điều trị. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo cho những bậc phụ huynh không thể lơ là khi cho con nhỏ cùng đi du lịch.

Thực tế cho thấy, nguy cơ thường gặp ở trẻ khi du lịch hè là đuối nước. Đây là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số tai nạn thương tích ở trẻ em. Phần lớn các gia đình đều lựa chọn du lịch biển để tránh cái nóng oi bức của mùa hè, hoặc các địa điểm mát mẻ gần sông, suối, hồ. Do đó, người lớn không được chủ quan để mặc trẻ tự chơi, kể cả khi trẻ biết bơi, phải có đồ bảo hộ khi bơi và phải luôn để mắt đến trẻ.

Vấn đề thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Theo dự báo của chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay nhiều đợt nắng nóng gay gắt sẽ xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Số ngày nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn, nhiều khả năng xuất hiện nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục.

Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nắng nóng và việc trẻ mải chơi có thể khiến trẻ bị ốm, say nắng, nguy hiểm hơn là hiện tượng sốc nhiệt ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, trong những chuyến đi du lịch, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ cũng bị xáo trộn đột ngột, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, ngộ độc... Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần cảnh giác và không lơ là việc thực hiện biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế để giảm nguy cơ trẻ bị ốm khi đi xa nhà. Đồng thời, chuẩn bị sẵn một số loại thuốc dự phòng và dụng cụ y tế cần thiết để sơ cứu khi xảy ra tình huống nguy cấp. Ngoài ra, việc trẻ có thể đi lạc cũng là một mối nguy cơ mà các bậc cha mẹ phải lưu tâm.

Để trẻ được trải nghiệm kỳ nghỉ an toàn, bổ ích

Mặc dù có nhiều nguy cơ nhưng nhu cầu đi du lịch của các gia đình là không thể hạn chế.

Ngay khi con gái lớn vừa kết thúc kỳ thi vào lớp 10, chị Thu Lan (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lên kế hoạch du lịch hè cho gia đình đi Sầm Sơn (Thanh Hóa). “Hằng năm, khi kết thúc năm học là gia đình chúng tôi lại tổ chức đi du lịch. Năm nay, gia đình tôi lựa chọn đến vùng biển có quãng đường di chuyển ngắn bằng phương tiện ô tô cá nhân” - chị Lan chia sẻ.

Còn gia đình anh Hưng (quận Ba Đình, Hà Nội) thì lựa chọn điểm đến tại khu resort có đầy đủ các dịch vụ cho trẻ em. Anh Hưng cho biết: “Vì các con còn nhỏ nên chúng tôi lựa chọn một nơi có nhiều dịch vụ cho trẻ em nhằm đảm bảo cho các con vui chơi an toàn. Tôi cũng mong có nhiều khu tham quan du lịch đa dạng dịch vụ cho trẻ em hơn để có nhiều lựa chọn hơn”.

Nhu cầu đi du lịch lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn nhiều nhưng nếu các gia đình có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan... thì đều có thể phòng, tránh được các tai nạn đáng tiếc.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khi quyết định đi du lịch ở địa điểm nào, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu về địa hình, khí hậu, ẩm thực, văn hóa ở đó có những nguy cơ gì đối với trẻ để chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Phụ huynh cũng cần mang theo các vật dụng cần thiết để xử lý các vấn đề phát sinh có thể xảy ra như bị tai nạn thương tích hoặc gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đặc biệt, trong quá trình du lịch, các bậc cha mẹ không bao giờ được lơ là con cái” - ông An khuyến cáo.

Liên quan đến yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng cho các dịch vụ du lịch mùa hè dành cho thiếu nhi, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các đơn vị điểm đến và lữ hành cần liên kết chặt chẽ để có sự phân chia những khu vui chơi phù hợp với từng lứa tuổi, có bảo hộ để tránh xảy ra những rủi ro không đáng có.

Còn theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, tâm lý của nhiều phụ huynh khi tổ chức du lịch hè là ngoài vui chơi, nghỉ ngơi, an toàn còn muốn các con có kỳ nghỉ bổ ích. “Do đó, các đơn vị lữ hành khi thiết kế tour, lịch trình trải nghiệm cho du khách cần đưa những sản phẩm du lịch văn hóa, khám phá di sản… Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch văn hóa có lồng ghép các trò chơi giải mã, tìm hiểu thông tin điểm đến, văn hóa, di sản của địa phương sẽ trở thành xu hướng, mang đến sự mới lạ cho du lịch Việt Nam” - ông Thắng khuyến cáo.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/an-toan-cho-tre-mua-du-lich-10283396.html