Ấn tượng từ Hội thi truyền thông về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Hội thi truyền thông về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 với chủ đề 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau' đã bế mạc sáng 27/8. Thế nhưng dư âm và sức lan tỏa từ những thông điệp được truyền tải tại hội thi sẽ còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Ấn tượng từ những phần thi
Từ sáng sớm 25/8, không quản đường sá xa xôi, hàng trăm cán bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, cán bộ văn hóa - xã hội... 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hào hứng mang theo hành trang đó là các bộ trang phục truyền thống, dụng cụ, mô hình, những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương có mặt tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (TP Thanh Hóa), để tham dự Hội thi truyền thông về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Trong không khí náo nhiệt, các đội thi đã lần lượt trang trí, trưng bày sản phẩm truyền thông về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
Tỉ mỉ giới thiệu từng sản phẩm được trưng bày tại góc truyền thông của huyện mình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Thường Xuân Vũ Thị Thu Phương phấn khởi cho hay: Chủ đề mà huyện Thường Xuân mang đến phần thi trưng bày sản phẩm truyền thông đó là “Thường Xuân vượt khó, giảm nghèo bền vững - Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các sản phẩm được huyện lựa chọn trưng bày đều mang đậm dấu ấn đặc trưng của địa phương, trong đó nổi bật là các mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới, sản xuất mật ong thiên nhiên, măng khô, dệt may thổ cẩm của dân tộc Thái, sản xuất tinh dầu từ cây quế - đặc trưng của miền đất Quế Ngọc Châu Thường và nhiều mô hình sinh kế khác. Từ các mô hình này đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần đưa các hộ dân ở Thường Xuân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
"Cùng với đó là cây cầu ở Bản Mạ - cây cầu nối những niềm vui - là biểu tượng của sự hân hoan, niềm hạnh phúc của bà con Thường Xuân chúng tôi. Nhờ vào khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng tại bản Mạ, đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo tham gia làm dịch vụ homestay, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và giúp các hộ thoát nghèo bền vững", bà Vũ Thị Thu Phương giới thiệu thêm.
Ngoài huyện Thường Xuân, phần trình bày sản phẩm truyền thông của các địa phương khác tại Hội thi đều được đầu tư, trang trí bắt mắt với tranh ảnh và các vật dụng gần gũi, thân thiện với môi trường, thể hiện bản sắc văn hóa của từng địa phương. Thông qua các bài thuyết trình, các đội thi đã truyền tải đến hội thi những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa, liên quan đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương mình.
Một trong những phần thi tạo được ấn tượng trong lòng khán giả là phần chào hỏi. Mỗi đội thi một cách kể, một cách biểu diễn khác nhau, bằng nhiều loại hình nghệ thuật hát, múa, hò, vè... đã giới thiệu khái quát về vẻ đẹp về mảnh đất và con người địa phương.
"Nga Sơn quê tôi một vùng quê huyền thoại/ Đất anh hùng sống mãi với thời gian/ Người dân quê tôi chẳng ngại gian nan/ Tay chung tay xây cuộc đời no ấm", là phần chào hỏi ấn tượng mà đội Nga Sơn mang đến hội thi. Với sự đầu tư bài bản, chuẩn bị công phu, hình ảnh minh họa, các bài hát múa phong phú, đội Nga Sơn đã thể hiện sinh động nội dung các chương trình, dự án, chính sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến Hội thi đó là “Chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Sức hấp dẫn nhất của hội thi còn phải kể đến phần thi tiểu phẩm. Qua các tiểu phẩm được dàn dựng công phu, tập luyện nhuần nhuyễn, các đội thi đã đưa hình ảnh những điển hình tiên tiến, những câu chuyện đẹp giữa đời thường, những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giảm nghèo bền vững lên sân khấu. Nổi bật là các tiểu phầm “Khát vọng làm giàu” của huyện Yên Định, “Bình minh rực rỡ” của huyện Nông Cống, “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của huyện Đông Sơn...
Ông Lê Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống chia sẻ: Thông qua các phần thi tại Hội thi, nhất là phần thi tiểu phẩm, chính quyền cơ sở và mỗi cán bộ làm công tác giảm nghèo sẽ được trau dồi thêm những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động người dân giảm nghèo.
Sức lan tỏa của hội thi
Là khán giả đến cổ vũ hội thi, bà Lan Hương (TP Thanh Hóa) cho biết: "Tôi rất ấn tượng với các tiết mục tại hội thi vì đã phản ánh đầy đủ ý nghĩa, truyền tải thông điệp của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền các cáp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực, kiên trì thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều để đảm bảo tốt hơn đời sống của một bộ phân dân cư, giúp người nghèo tự mình vươn lên và thoát nghèo bền vững."
Đánh giá về hội thi, Giám đốc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, NSƯT Vũ Trọng Huỳnh, cho rằng: Hội thi đã thu hút được đông đảo các đội thi và thí sinh tham gia. Điều đó, cho thấy công tác giảm nghèo bền vững đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hội thi đã khép lại, song dư âm và sức lan tỏa từ những thông điệp trong công tác giảm nghèo mà các đội thi mang đến dường như vẫn còn lắng đọng trong lòng khán giả. Không chỉ vậy, mà các phần thi, tiết mục, tiểu phẩm mang đến hội thi cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem. Đây chính là thành công lớn nhất của hội thi, góp phần lan tỏa thông điệp đến mọi người, mọi nhà cùng chung tay, góp sức để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phát biểu tại hội thi, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Hội thi truyền thông về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, của người nghèo, cận nghèo và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, với mục đích khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời nhân rộng các gương điển hình giảm nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trong cộng đồng, góp phần tích cực trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại các địa phương trong tỉnh.