Anh hùng hội tụ vùng đất thiêng nơi cội nguồn quê hương cách mạng (Kỳ 1)

Giữa những ngày mùa thu cách mạng, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) - vùng đất linh thiêng gắn liền với dấu son đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam ngày nay diễn ra chương trình gặp mặt, giao lưu, tri ân các cựu chiến binh, tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân trong chương trình 'Về nơi khởi nguồn'. Tại chương trình, các Anh hùng LLVT nhân dân cùng hội tụ dưới cánh rừng thiêng nơi cội nguồn quê hương cách mạng, cùng tự hào kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm và những chiến công thời đại ngỡ như huyền thoại của một thời đã qua, truyền ngọn lửa cách mạng và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Kỳ 1: “Anh hùng trận mạc” Nguyễn Huy Hiệu

Năm 18 tuổi xung phong đi bộ đội; trực tiếp tham gia 67 trận đánh trong các chiến dịch mang tính bước ngoặt của đất nước và quân đội; 26 tuổi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng; người đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu là Viện sỹ khoa học quân sự và nghệ thuật chiến tranh… Những thông tin về cuộc đời binh nghiệp của huyền thoại Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu,nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khiến tôi vô cùng phấn khởi và thấy mình thật may mắn khi được gặp ông. Qua tiếp xúc, nghe ông kể chuyện, cảm nhận ở ông chính là hiện thân của tinh thần chiến đấu quật cường và đầy mưu trí quả cảm trong thời chiến; đến thời bình, là vị tướng tận tâm cống hiến sức lực vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

XỨNG DANH ANH HÙNG TRÊN TRẬN MẠC

Sinh năm 1947 tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; tháng 2/1965, chàng trai Nguyễn Văn Hiệu ham học lịch sử, yêu thích nghiên cứu khoa học xếp bút nghiên xung phong vào bộ đội trong hàng ngũ của Trung đoàn 812 của Sư đoàn 324 tại Nghi Lộc (Nghệ An) khi mới tròn 18 tuổi.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Từ năm 1965 - 1968, ông Hiệu tham gia chiến đấu trên các chiến trường quân khu IV và đất bạn Lào. Có thời gian làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Hữu Uông (một trí thức rất giỏi về bản đồ và công tác tham mưu), Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324; anh lính trẻ Hiệu được tiếp cận các phương pháp thiết kế trận đánh, sử dụng bản đồ, kiến thức địa lý trong chiến trận, cách đánh địch linh hoạt... đồng thời, tự mày mò nghiên cứu thêm tích lũy thành kiến thức cho mình, rèn luyện nhuần nhuyễn trong chiến đấu trên chiến trường cùng đồng đội và nhanh chóng trưởng thành. Cũng chính trong thời gian này, ông đổi tên từ Nguyễn Văn Hiệu sang Nguyễn Huy Hiệu để tự nhắc nhở bản thân chiến đấu, rèn luyện và học tập không ngừng để đạt được ước mơ thủa niên thiếu làm người chỉ huy cầm quân đánh giặc.

Từ năm 1968 đến 1972, ông xung phong vào chiến trường Quảng Trị, đây cũng là khoảng thời gian chiến tranh xảy ra ác liệt, cam go. Từ vị trí của anh lính binh nhì, ông lần lượt kinh qua các cương vị tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư đoàn 320B Quân đoàn 1. Ông tham gia nhiều trận chiến ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị thời bấy giờ, như: Trận đánh Đồi Không Tên tại Cam Lộ (Quảng Trị) trong Chiến dịch Mậu Thân (1968) diễn ra quyết liệt nhanh gọn do Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh cho xạ thủ bắn B40 vào hầm chỉ huy địch, sau đó, cả đại đội đồng loạt dùng lựu đạn, AK tấn công khiến bọn địch không kịp trở tay, chỉ trong vongg 30 phút cả trung đội thám báo của Mỹ bị tiêu diệt. Đại đội của ông rút lui an toàn, cả đại đội không ai hy sinh, chỉ 04 đồng đội bị thương. Hay trận đánh xe cơ giới trên đường số 9, đoạn Sa Mưu, cầu Đầu Mầu, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1971; trận đánh tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam Lộ…

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 được lệnh hành quân từ Đông Hà theo đường Trường Sơn tiến về Sài Gòn. Ngày 26/4, Trung đoàn nổ súng tiến công Tân Uyên và Bình Chuẩn, đánh vào trục Đường 13 rồi hướng về Sài Gòn. Ngày 29/4/1975, Trung đoàn tấn công thọc sâu cánh Bắc theo trục đường 13 từ Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình. Tiếp đó, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp ngụy ở Gò Vấp và cùng với các cánh quân khác tấn công nhiều cứ điểm trọng yếu của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30/4/1975.

Sau những ngày chiến đấu oanh liệt, Nguyễn Huy Hiệu diệt 63 tên địch, phá hủy 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2 nghìn tên ngụy, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự, chiếm nguyên vẹn một xe tăng M41, bắn rơi 57 máy bay các loại… Ba lần bị thương nhưng không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Ông được tặng thưởng 6 Huân chương Chiến công Giải phóng, 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, 2 danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng… và nhiều bằng, giấy khen khác. Đặc biệt, ngày 20/12/1973, Nguyễn Huy Hiệu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

VỊ TƯỚNG ĐA TÀI TRONG THỜI BÌNH

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa bình lặp lại, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục hoàn thiện việc học còn dang dở, là một trong những học viên đầu tiên - khóa 1 (từ năm 1978 - 1980), Học viện cao cấp quân sự (nay là Học viện Quốc phòng). Năm 1980, ông trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng. Năm 1983, ông được đi học tại Học viện Phrunde (Liên Xô cũ). Năm 1987, được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1. Năm 1988, được bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn 1. Năm 1995, làm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1999, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X. Năm 2003, được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 2010, được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga bầu làm Viện sĩ khoa học quân sự nghệ thuật chiến tranh. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là người lãnh đạo chuẩn mực, tấm gương sáng trong toàn quân. Sau những tháng ngày miệt mài trong quân ngũ, năm 2011, ông nhận quyết định nghỉ hưu.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu (ngỗi giữa) giao lưu với khán giả trong chương trình “Về nơi khởi nguồn” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu (ngỗi giữa) giao lưu với khán giả trong chương trình “Về nơi khởi nguồn” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Với cương vị Viện sĩ Viện Khoa học quân sự, ông có 7 công trình Khoa học quân sự, là người nước ngoài đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên được công nhận danh hiệu Viện sĩ về Nghệ thuật chiến tranh của Nga. Đồng thời, là đồng Chủ tịch Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, góp phần to lớn vào việc tăng cường và củng cố mối quan hệ chiến lược, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Bên cạnh đó, ông viết và cho xuất bản hàng chục cuốn sách về nghệ thuật quân sự và các lĩnh vực khác của Quốc phòng, như “Ký ức tháng 4 năm 1975 và những điều suy ngẫm”, “Quân đội với vấn đề giải quyết hâu quả sau chiến tranh”, “Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”…

Cuộc đời binh nghiệp trải qua bao chiến trường máu lửa cần tinh thần thép, ý chí kiên cường, quả cảm, nhưng đời thường Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu không khô khan, chai cứng mà có một tâm hồn lãng mạn, yêu thơ ca, dễ xúc động. Giữa những trận đánh ác liệt trong chiến lịch Mậu Tân 1968, ông đã sáng tác bài thơ “Mẹ ơi” đong đầy cảm xúc: “Tết này con bận việc quân/Đường Xuân quê mẹ vắng chân con về/Bước đường trăm núi ngàn khe/Vẫn nghe cuốn quýt Xuân quê bên mình…”. Hay những câu thơ chiêm nghiệm về đời, tình yêu quê hương, Tổ quốc, hòa mình với thiên nhiên, như: “Trúc xanh thẳng thắn thân gầy/Sống làm quân tử một ngày cũng vinh...” hoặc “Ra vườn ngắm nhành hoa lan/Hoa khoe hương sắc lòng ta nồng nàn/Quên hết khốn khó gian nan/Để cho cuộc sống chứa chan thanh bình…”.

Cũng từ tâm hồn lãng mạn, tài hoa mà Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu đã có mối tình đẹp với cô sinh viên Đại học y khoa Ô-đéc-xa Lại Thị Xuân. Yêu nhau, chờ nhau trong thời chiến qua những cánh thư gửi từ phương xa, ông Hiệu viết rất nhiều thư và có những bức thư dài hơn 20 trang giấy gửi người thương. Rồi cả hai người tiếp tục cùng nhau phấn đấu sau thời gian du học tại Nga trở về mới nên duyên vợ chồng. Hai cô con gái của ông Hiệu và Thầy thuốc Ưu tú Lại Thị Xuân cũng rất thành đạt và được đặt tên đều có chữ đệm Hải (Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Hải Anh) để lưu giữ kỷ niệm lần đầu họ tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu năm 1973 đi qua các địa danh đều có chữ Hải: Hải Long, Hải Hậu, Hắc Hải.

Trải qua năm tháng, hôm nay, tại cánh rừng thiêng Trần Hưng Đạo được gặp gỡ các đồng chí, đồng đội năm xưa, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ với một tâm trạng đầy cảm xúc: Chính tại nơi này, với những người dân hiền lành chất phác, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu quê hương, sớm giác ngộ cách mạng, đã không quản mọi hiểm nguy, chứng kiến, chở che, tiếp thêm sức mạnh cho sự ra đời của Đội VNTTGPQ vào một ngày mùa đông lạnh giá cách đây 80 năm. Khởi nguồn “Từ nhân dân mà ra”, nên ngay từ buổi đầu thành lập, Đội VNTTGPQ đã lấy tư tưởng “dân là gốc” làm nguồn cội; lấy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam làm cơ sở tinh thần để xây dựng; lấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm động lực và sức mạnh để cùng toàn dân đấu tranh, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người chủ đất nước. Cũng “từ nhân dân mà ra”, nên trong thời chiến hay thời bình, nhân dân luôn là người chở che, nuôi dưỡng và xây dựng quân đội. Trong kháng chiến, nhân dân các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh cùng quân đội chiến đấu và chiến thắng. Trong hòa bình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, nhân dân lại ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Đáp lại tấm lòng, tình nghĩa của nhân dân, “vì nhân dân mà chiến đấu” đã trở thành nét đặc trưng nổi bật trong bản chất, truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam. Điều này đã được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dù trong chiến tranh hay hòa bình thì mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của QĐND Việt Nam cũng đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Cuộc đời, con người và sự nghiệp của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến si, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo viết thành những cuốn sách, bài báo, phim tư liệu. Những tư liệu về cuộc đời, con người, sự nghiệp của ông là những minh chứng lịch sử để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu thêm về quê hương, đất nước, những huyền thoại về các anh hùng dân tộc… bồi đắp thêm niềm tự hào, động lực rèn luyện bản thân, phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước.

Thúy Hằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/anh-hung-hoi-tu-vung-dat-thieng-noi-coi-nguon-que-huong-cach-mang-3171517.html