Áp thuế để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc thường xuyên sử dụng đồ uống có đường (ĐUCĐ) làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư... Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi những nhóm bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Mối nguy hại khôn lường
“Đa số trẻ em Việt Nam đều thích sử dụng nước ngọt, trong khi chỉ cần uống một lon nước ngọt đã gần mức tiêu thụ đường trong cả ngày”, đây là cảnh báo của bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Bà Thủy cho biết, nghiên cứu ở 75 quốc gia cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% liên quan đến việc có thêm gần 5 người lớn thừa cân/100 người và hơn 2 người lớn béo phì/100 người; chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày lo lo ngại về đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em Việt Nam.
Trên thế giới, đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Đường dạng lỏng hấp thụ trực tiếp vào máu và gan chuyển hóa rất nhanh, dẫn đến dư thừa năng lượng.
Tiêu thụ ĐUCĐ trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân, béo phì. Tình trạng béo phì cao hơn khi trẻ 5 tuổi, cứ mỗi 100ml tăng thêm trong tiêu thụ ĐUCĐ mỗi ngày có liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6; với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ bị béo phì tăng 60% trong 1,5 năm. Người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng một năm cũng sẽ tăng 6,75kg cân nặng.
Theo WHO, mỗi người không nên tiêu thụ quá 50g đường mỗi ngày, và tốt nhất là dưới 25g. Nhưng hiện nay, chỉ cần một lon nước ngọt phổ biến trên thị trường đã chứa tới gần 40g đường gần chạm ngưỡng khuyến cáo cho cả ngày. Tệ hơn, mức tiêu thụ ĐUCĐ tại Việt Nam hiện đã tăng gấp 4 lần so với năm 2009.
Bà Thủy cũng chia sẻ, ĐUCĐ hiện chiếm tới 25% lượng đường tự do tiêu thụ ở người trưởng thành, và đến 40% ở thanh thiếu niên. Điều này phản ánh rõ ràng rằng, nếu không can thiệp kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế hệ lớn lên cùng bệnh tật.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam thông tin thêm, tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh. Tổng tiêu thụ nước ngọt tăng từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023, gấp 4 lần. Tiêu thụ đầu người cũng tăng từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên 66,5 lít/người năm 2023. Tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 cũng tăng nhanh ở Việt Nam.
Cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt
Trước thực trạng đó, chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt được nhìn nhận không chỉ dưới lăng kính tài chính mà là một biện pháp y tế cộng đồng khẩn cấp.
Bà Thủy khẳng định, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ giúp làm giảm tiêu dùng ĐUCĐ, mà còn đóng vai trò như một lá chắn y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ ngân sách quốc gia khỏi những tổn thất do bệnh tật kéo dài gây ra.
Mặc dù cơ quan chức năng đã đề xuất lộ trình áp thuế từ năm 2027 (8%) và nâng lên 10% từ năm 2028, song WHO và các chuyên gia khuyến nghị mức thuế nên đạt ít nhất 40% để thực sự tạo ra thay đổi hành vi tiêu dùng. Tại nhiều quốc gia, mức thuế này đã giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ nước ngọt, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Lâm lưu ý, số liệu của World Bank cho thấy có 117 quốc gia áp thuế với ĐUCĐ. Thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp y tế dự phòng hiệu quả để làm giảm sử dụng nước ngọt.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, thuế là thông điệp thể hiện trách nhiệm của chính phủ với sức khỏe người dân. Khi người dân hiểu rõ tác hại, và khi giá thành tăng đủ để khiến họ cân nhắc, sự thay đổi sẽ xảy ra.
Không chỉ WHO, Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức y tế toàn cầu đều đã đưa ra lập trường rõ ràng rằng, thuế với ĐUCĐ là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất để phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Tính đến năm 2023, đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế đối với ĐUCĐ, tăng gần gấp ba lần so với năm 2009. Trong khu vực ASEAN, 6 nước đã đi trước Việt Nam gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia và Brunei.
Hầu hết các nước đều ghi nhận hiệu quả rõ rệt sau một thời gian ngắn áp dụng. Theo đó, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn ít đường hơn, tỷ lệ béo phì ở trẻ giảm, và doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi bằng cách đổi mới công thức sản phẩm.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt được kỳ vọng là khởi đầu cho một chiến lược dài hơi nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng, mở đường cho thế hệ tương lai lớn lên khỏe mạnh hơn, sáng suốt hơn và không bị ràng buộc bởi những lựa chọn gây hại được "bọc đường".
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-thue-de-han-che-tieu-thu-do-uong-co-duong.689367.html