Bác Hồ trong trái tim kiều bào

Bác Hồ đã đi xa, nhưng trong lòng kiều bào, Người luôn hiện diện như một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với quê hương, nguồn cội. Nhiều gia đình Việt kiều ở Pháp, Lào, Thái Lan... vẫn lập bàn thờ Bác. Các thế hệ con cháu, dù sinh ra ở nước ngoài, vẫn được ông bà, cha mẹ truyền dạy về Người như về chính tổ tiên của mình.

Những câu chuyện, hiện vật và kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc, mà còn là cầu nối thiêng liêng gắn kết cộng đồng kiều bào với quê hương. Tình cảm đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư chúc Tết kiều bào năm 1946: “Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.

Hoạt động mừng sinh nhật Bác do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức. (Nguồn: Hội người Việt Nam tại Pháp)

Hoạt động mừng sinh nhật Bác do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức. (Nguồn: Hội người Việt Nam tại Pháp)

Hiện thân của quê hương

Trong tâm thức của những kiều bào tại Pháp như ông Nguyễn Thanh Tòng, Nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, tình cảm dành cho Bác Hồ bắt nguồn từ mối gắn bó sâu xa qua dòng chảy lịch sử.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Pháp, Người đã lập nên “Nhóm người An Nam yêu nước” - tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay, cũng hạt nhân đầu tiên của phong trào Việt kiều yêu nước tại châu Âu. Tại đây, dưới ánh sáng của khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, Bác đã thức tỉnh tinh thần dân tộc, đoàn kết kiều bào đủ mọi tầng lớp ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Đặc biệt, vào năm 1946, khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Bác thường xuyên gặp mặt, giao lưu kiều bào và căn dặn bà con: “Anh em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm… Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam!”.

Cũng theo ông Tòng, ghi nhớ lời Bác dặn, suốt những năm qua, các thế hệ người Việt ở Pháp luôn là bộ phận không tách rời của dân tộc, là nguồn lực của cộng đồng và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Mỗi năm, vào dịp sinh nhật Bác, Hội người Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm, thắp hương nơi bàn thờ Bác. Các chương trình văn nghệ, tọa đàm, triển lãm ảnh vẫn được tổ chức đều đặn như một cách gìn giữ ký ức và truyền tiếp tình cảm thiêng liêng dành cho Người.

Tại Lào, nơi cộng đồng người Việt sinh sống qua nhiều thế hệ, hình ảnh Bác Hồ luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của kiều bào. Với lòng kính yêu sâu sắc, cộng đồng người Việt đã xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khammuane. Mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con từ nhiều địa phương tổ chức dâng hương, tưởng niệm để tri ân Người.

Cô Nguyễn Thị Lan Chi, Phó Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du cho rằng, với kiều bào, sau lá cờ Tổ quốc, Bác Hồ là biểu tượng thiêng liêng nhất. Tại trường, các thầy cô thường xuyên tổ chức hoạt động giúp học sinh tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách và đạo đức của Bác, qua đó khuyến khích các em học tập và làm theo gương Người.

Khách tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, Thái Lan. (Ảnh NVCC)

Khách tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, Thái Lan. (Ảnh NVCC)

Người thân đặc biệt

Thái Lan, từ năm 2002, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công tại làng Nỏng Hang (còn gọi là Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani - nơi Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ) từng ở và hoạt động cách mạng trong khoảng thời gian 1928-1929.

Đến nay, khu di tích ngày một khang trang nhờ sự chung tay xây dựng của kiều bào và sự chăm lo, gìn giữ của những thành viên trong Ban quản lý. Không chỉ đón tiếp các đoàn khách từ trong và ngoài nước, vào những ngày đặc biệt như sinh nhật Bác hay Quốc khánh Việt Nam cũng như ngày giỗ Bác, họ tự tay nấu các món ăn và sắm hoa quả để kính dâng lên Người.

Trong ký ức của bà Phan Thị Thoa – một trong những tình nguyện viên tại đây, câu chuyện về Bác vẫn sống động như ngày nào. Bà xúc động: “Không chỉ cá nhân tôi, mà hầu hết Việt kiều tại Thái Lan đều biết Bác Hồ đã hoạt động cách mạng ra sao, Người đã vì nước vì dân như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục lưu truyền giá trị cao đẹp ấy cho những người Việt trẻ”.

Là thế hệ kiều bào thứ hai lớn lên tại Udon Thani, ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại địa phương, luôn tự hào vì được cha mẹ truyền dạy văn hóa truyền thống và kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Điều ông trân quý nhất là khi đến Udon Thani, Bác đã lập trường dạy tiếng Việt, giúp cộng đồng gắn bó và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Không chỉ ở Udon Thani, mỗi dịp tháng Năm, kiều bào khắp Thái Lan đều tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ Bác Hồ.

Đối với họ, câu chuyện về chuyến tàu hồi hương đầu tiên chở 922 kiều bào ta ở Thái Lan về nước cập cảng Hải Phòng sáng 10/1/1960 luôn là một kỷ ức sâu đậm về Bác.

Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo Trung ương đã xuống tận Hải Phòng đón kiều bào. Người còn viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” với bút danh V.K đăng báo Nhân dân, số ra ngày 8/1/1960, trong đó có nhắc lại kỷ niệm những ngày hoạt động tại đây.

Kiều bào ở Thái Lan luôn xúc động và biết ơn sâu sắc Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để bà con được hồi hương, ổn định cuộc sống. Nhiều món quà được gửi tặng Người, trong đó có chiếc đài GRUNDIG – máy thu thanh dùng đèn điện tử, vỏ nhựa trắng, hình thang vát góc.

Chiếc đài này được Bác đặt trên bàn làm việc cạnh giường trong phòng ngủ ở tầng hai nhà sàn. Nó là một trong những phương tiện giúp Bác theo dõi tin tức hàng ngày để kịp thời chỉ đạo cách mạng và được Người gìn giữ trong suốt khoảng thời gian dài cho tới ngày đi xa.

Thân nhân gia đình cụ Phạm Văn Công trao tặng bộ hiện vật gốc cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 3/4. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Thân nhân gia đình cụ Phạm Văn Công trao tặng bộ hiện vật gốc cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 3/4. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Câu chuyện đêm Giao thừa

Đầu tháng Tư năm nay, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch vinh dự tiếp nhận hiện vật quý do thân nhân gia đình cụ Phạm Văn Công trao tặng. Những vật dụng sinh hoạt này mang theo câu chuyện đầy cảm động vào đêm giao thừa Tết Quý Mão 1963 – thời điểm Bác Hồ đến thăm một gia đình Việt kiều vừa hồi hương từ Tân Thế giới (New Caledonia) tại ngôi nhà số 97 Đại La, Hà Nội.

Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới ấy, Người đã trò chuyện, thăm hỏi gia đình từ chuyện gói bánh chưng đến việc dạy dỗ con cái và hòa nhập cuộc sống sau hồi hương. Không có khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước và một gia đình bình dân, chỉ có tình cảm quê hương, nghĩa đồng bào lan tỏa bằng sự chân tình giản dị nhất.

Và rồi, bộ bàn ghế, bộ ấm chén được sử dụng để đón tiếp Bác cùng hai bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc Người đến thăm gia đình và 20 tệp ảnh tư liệu về hoạt động yêu nước của kiều bào tại Tân Thế giới đã được gia đình cụ Phạm Văn Công lưu giữ suốt hơn 60 năm qua.

Không chỉ có hiện vật, con trai cụ Công là ông Phạm Văn Đức cũng là nhân chứng sống trên chuyến tàu hồi hương năm 1964. Cộng đồng Việt kiều khi đó đã quyên góp mua 10 chiếc xe Peugeot 404 tặng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó một chiếc đã được sử dụng phục vụ Bác Hồ hiện được trưng bày tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 12/2024. Đây không chỉ là món quà vật chất mà còn là thông điệp mạnh mẽ của những người Việt nơi xa xứ luôn một lòng hướng về Tổ quốc và Bác Hồ.

Có thể thấy, vượt qua không gian và thời gian, những ân tình mà kiều bào dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định hình ảnh của Người vẫn luôn hiện hữu, là ngọn lửa soi đường cho mọi thế hệ người Việt, dù họ ở đâu trên khắp thế giới.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-ho-trong-trai-tim-kieu-bao-314550.html