Bài 1: Hợp tác hải quan đóng vai trò then chốt trong hội nhập kinh tế ASEAN

Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, hợp tác về hải quan được xác định đóng vai trò rất then chốt trong việc hỗ trợ xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng như xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Từ đó, tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên ASEAN cũng như hiện thực hóa các mục tiêu hội nhập kinh tế dài hạn của ASEAN.

Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ảnh: internet

Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ảnh: internet

Đòn bẩy cho hội nhập quốc tế

Hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế là một quá trình tất yếu, một xu thế chủ đạo trong bối cảnh hiện nay với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tự do hóa thương mại, nhằm phát huy nguồn lực trong nước và tận dụng cơ hội bên ngoài.

Trong khu vực Đông Nam Á, kể từ khi trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tăng trưởng và phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 430 tỷ USD tỷ USD vào năm 2023. Với dân số hơn 660 triệu người, GDP năm 2022 đạt gần 3.660 tỷ USD, đứng thứ 3 Châu Á và đứng thứ 5 toàn cầu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, ASEAN hiện nằm trong những khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Nhằm mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc). Do vậy, hội nhập ASEAN có thể nói là một đòn bẩy hết sức quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Xuất phát điểm cho hội nhập kinh tế khu vực là quyết định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV vào năm 1992. Bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, các cam kết AFTA còn bao gồm cả việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan để đảm bảo lưu thông thương mại giữa các nước.

Hài hòa thủ tục hải quan và thu hẹp khoảng cách về quản lý hải quan trong khu vực dựa trên những chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) là một trong những mục tiêu quan trọng của ASEAN. Vấn đề hợp tác khu vực về Hải quan được xác định đóng vai trò rất then chốt trong việc hỗ trợ xây dựng AFTA nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên ASEAN cũng như hiện thực hóa các mục tiêu hội nhập kinh tế dài hạn của ASEAN.

Giai đoạn phát triển mới với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào năm 2015 đã đặt ra yêu cầu mới đối với ngành Hải quan các nước trong khu vực là phải đẩy nhanh công cuộc cải cách, hiện đại hóa, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, cũng như ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào quy trình nghiệp vụ và quản lý hải quan.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị thế giới như sự suy yếu của hệ thống thương mại đa phương, chiến tranh thương mại, hay tác động của đại dịch COVID-19, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chung trong hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại.

Để hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”, “Một ASEAN - Một bản sắc - Một tầm nhìn”, việc xây dựng và phát triển một khuôn khổ để tăng cường hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực hải quan trong ASEAN ngày càng trở nên quan trọng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo nền tảng cho hợp tác

Hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hóa tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.

Chính vì vậy, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn, bao gồm các các văn kiện mang tính cột mốc như: Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về Thực hiện Biểu thuế Hài hòa hóa của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…

Trong đó, Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN được các Tổng cục trưởng Hải quan ký kết năm 1983. Sau đó, Bộ quy tắc này được điều chỉnh vào năm 1995 để phản ánh những diễn biến mới của ASEAN, đặc biệt là vấn đề AFTA. Thông qua Bộ quy tắc, các nước thành viên cam kết tạo thuận lợi cho thương mại nội khối bằng cách đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại và nâng cao hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan.

Hiệp định Hải quan ASEAN được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất vào ngày 1/3/1997 tại Phuket (Thái Lan), nhằm tạo thuận lợi cho thương mại nội khối tiếp tục được mở rộng. Hiệp định này quán triệt các nguyên tắc về sự nhất quán, đơn giản, hiệu quả, minh bạch, dễ giải quyết khiếu nại và hỗ trợ lẫn nhau đề ra tại Bộ quy tắc ứng xử hải quan.

Bên cạnh đó, Hiệp định còn quy định các vấn đề mang tính chất tổng thể, định hướng cho hợp tác và hội nhập Hải quan ASEAN như cam kết thực hiện hài hòa hóa thủ tục hải quan, tuân thủ Hiệp định Trị giá GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thực hiện danh mục biểu thuế hài hòa ASEAN và các lĩnh vực hợp tác khác như trao đổi, chia sẻ thông tin thực thi kiểm soát hải quan.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về hợp tác hải quan trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, Hiệp định Hải quan ASEAN mới được Hải quan các nước ASEAN tiến hành đàm phán theo quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 (tháng 4/2008) và được ký kết trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 16 tại Phnompenh, Campuchia vào ngày 30/3/2012. Hiệp định Hải quan ASEAN được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Công ước Kyoto sửa đổi và các thông lệ liên quan theo đó các quy định mang tính chất về nghiệp vụ về thủ tục và quy trình hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong nghiệp vụ hải quan và kiểm soát hải quan và hỗ trợ hành chính lẫn nhau đã được tổng hợp, đưa vào Hiệp định Hải quan ASEAN 2012.

Sau đó, Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được ký năm 2005 tại Kuala Lampur, Malaysia, quy định cam kết thực hiện cơ chế một cửa quốc gia từ năm 2012 và kết nối với hệ thống một cửa của các quốc gia khác để tạo nên Cơ chế một cửa ASEAN. Theo Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các Cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và kết nối với nhau. Cơ chế Một cửa ASEAN tạo nền tảng pháp lý và kỹ thuật để Hải quan các nước thành viên trao đổi trực tiếp thông tin, chứng từ thương mại trong môi trường điện tử, đưa kết nối khu vực lên một tầm cao mới.

Nghị định thư về Thực hiện Biểu thuế Hài hòa hóa của ASEAN (AHTN) được ký kết vào năm 2003 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan hải quan ASEAN thực hiện thống nhất và tăng cường minh bạch về các vấn đề phân loại hàng hóa trong khu vực. Biểu thuế AHTN được rà soát theo danh mục của WCO và được các nước ASEAN ban hành, thực hiện thống nhất, trước đây theo chu kỳ 5 năm và từ 2024 sẽ là chu kỳ 6 năm.

Bên cạnh Nghị định thư trên, Nghị định thư 7 – Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa quá cảnh cũng được ký kết để tăng cường tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa lưu chuyển tự do hơn trong khu vực bằng việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục thông quan từ điểm đi, quá cảnh đến điểm đến được quản lý thông qua Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS).

Có thể nói, cơ sở pháp lý cho hợp tác hải quan ASEAN, được tạo lập thông qua việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác, thực hiện các sáng kiến và xây dựng các hệ thống quản lý chung. Qua đó, đã tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác hải quan khu vực trên nhiều lĩnh vực và hoạt động, đạt được kết quả thiết thực.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, riêng với Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN, Chính phủ đã ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31/01/2009. Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Việt Nam trong quan hệ công tác khi tham gia các hoạt động hợp tác của ASEAN trong giai đoạn mới khi ASEAN triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoạt động theo Hiến chương ASEAN.

Hợp tác hải quan trong ASEAN nằm trong trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó có Hội nghị các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và các Hội nghị về kinh tế, đầu tư và tài chính có liên quan. Mới đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, được cộng đồng ASEAN cũng như các đối tác quốc tế đánh giá cao.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-hop-tac-hai-quan-dong-vai-tro-then-chot-trong-hoi-nhap-kinh-te-asean.html