Bài 1: Khủng hoảng đã qua, khó khăn còn đó
Bên hành lang Phiên thảo luận toản thể đánh giá về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội mới đây, nhiều ĐBQH cho rằng ngành Kiểm toán sớm triển khai thanh tra toàn diện ngành Bảo hiểm theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi, dù cuộc khủng hoảng niềm tin về mua bán bảo hiểm đã qua, song hệ lụy của nó vẫn còn ảnh hưởng nặng nề cho cả nền kinh tế và xã hội… và điều quan trọng hiện nay là phải mau chóng minh bạch thị trường, trả lại công bằng cho các doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn chân chính và lấy lại niềm tin của người dân.
Ảnh hưởng xấu toàn thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III năm 2023 ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Tại thời điểm kết thúc quý II.2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022. Đây cũng là lần tiên doanh thu bảo hiểm giảm sau gần chục năm hoạt động.
Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (mảng này đang chiếm 70% doanh thu toàn thị trường). Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%. Trong đó, 4 doanh nghiệp giảm hơn 1.000 tỷ đồng là Manulife giảm tới 1.988 tỷ đồng, AIA giảm 1.177 tỷ đồng, Prudential giảm 1.157 tỷ đồng, MB Ageas 1.040 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức giảm cả trăm tỷ so với 6 tháng năm ngoái là Dai-ichi Life giảm 665 tỷ đồng, Generali 211 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ giảm 186 tỷ đồng, Sun Life giảm 111 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Riêng trong giai đoạn 2018-2022, thị trường này tăng trung bình khoảng 21%/năm, gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Tính đến ngày 31.12.2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 178.269 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là 42.561 tỷ đồng. Ngoài chức năng chính là chi trả quyền lợi bảo hiểm, ngành bảo hiểm cũng là kênh huy động vốn của nền kinh tế nước ta với tổng số tiền đầu tư trở lại là 656 nghìn tỷ đồng.
Nhìn vào doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng đầu năm cho thấy, bức tranh ngành bảo hiểm chưa mấy sáng sủa. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đã giảm gần 7% so cùng kỳ 2022; số khách hàng trả tiền bảo hiểm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1%. Điều này không chỉ khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chịu ảnh hưởng, mà còn làm giảm thu nhập ngoài lãi của hầu hết ngân hàng.
Thiệt hại cho tất cả các bên
Những lùm xùm về thị trường bảo hiểm nhân thọ hồi đầu năm không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm mà còn ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế và nhất là người dân; đặc biệt là người nông dân – những người vốn đang hoạt động trong môi trường rủi ro cao; có thể bị mất trắng tài sản, hoa màu bất cứ lúc nào khi thiên tai, địch họa xảy ra.
Đơn cử tại Bảo hiểm Agribank - đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị ảnh hưởng lớn bởi các “lùm xùm” của thị trường bảo hiểm nhân thọ. “Chúng tôi đang tăng trưởng âm so với năm 2022” - Ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank nói. Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, 9 tháng đầu năm doanh thu phí bảo hiểm mới chỉ đạt 67,8% kế hoạch năm (theo tiến độ phải đạt 75%). Tạo áp lực rất lớn cho 3 tháng cuối năm phải thúc đẩy tăng trưởng doanh thu để hoàn thành kế hoạch. Doanh thu kinh doanh bảo hiểm tại hầu hết các đơn vị trong toàn công ty chưa bám sát được kế hoạch đề ra. Ngoài doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật đạt mức tăng trưởng cao, các nghiệp vụ còn lại đều có mức tăng trưởng thấp. Đến 30.9, toàn hệ thống chỉ có 2 đơn vị hoàn thành kế hoạch là ABIC Thanh Hóa (72,5%) và ABIC Sài Gòn (75,4%).
Nhưng có lẽ, thiệt hại nhất vẫn là người dân. Khi mất niềm tin vào thị trường, người đã tham gia bảo hiểm rồi thì muốn trả lại; người chưa tham gia thì hoang mang không dám mua. Trong khi với nhiều trường hợp, bảo hiểm là cứu cánh cho bản thân và cả gia đình của họ khi không may có bất trắc xảy ra. Nhiều trường hợp đã vô tình bỏ đi hàng rào bảo vệ quan trọng cho bản thân nhất là khi họ hoạt động trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong chia sẻ với các cơ quan báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội – một ngành mang tính nhân văn cao. Tính đến cuối tháng 4.2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy sự tăng trưởng cũng như đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cũng khẳng định đóng góp của ngành bảo hiểm đối với nền kinh tế và xã hội là rất lớn. “Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã phản ứng quá chậm đối với những vướng mắc xảy ra với ngành bảo hiểm hồi đầu năm. Vì vậy, nếu không nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hệ lụy sẽ rất lớn và người dân, nhất là nông dân luôn là người thiệt thòi nhất” – bà Trần Hồng Nguyên nói.