Bài 1: Trà Shan Tuyết Suối Giàng – Cực phẩm từ thiên nhiên
Đến với vùng đất Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), du khách không chỉ được hòa mình vào không khí trong vắt của núi rừng Tây Bắc, với bốn mùa bồng bềnh trong mây, mà còn được thưởng thức trà Shan Tuyết Suối Giàng – cực phẩm mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Vị của trà Shan Tuyết đặc biệt, những đặc biệt hơn cả là cách mà cây trà Shan Tuyết xuất hiện và gắn bó với người dân H'Mông hàng trăm năm qua, cũng như cách mà người dân vùng cao đã dựa vào cây chè để phát triển kinh tế, xây dựng 'văn hóa trà' và tạo nên nét độc đáo rất riêng trong làm du lịch…
Tìm về nguồn cội “Đại lão mộc trà”:
Đại lão mộc trà sống treo leo lưng chừng núi
Từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chúng tôi đi theo những con đường đèo quanh co, dài tít tắp tràn ngập bởi sắc hoa cải vàng óng ánh tới với thôn Pang Cáng thuộc thị xã Suối Giàng - nơi nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển để tìm và trải nghiệm trà Shan Tuyết, thứ đặc sản quý giá của đồng bào người dân tộc H’Mông, vốn được mệnh danh là “Đại lão mộc trà”. Chúng tôi đến với Không gian văn hóa Suối Giàng, gặp gỡ anh Sơn, một nghệ nhân pha trà tại nơi đây, được anh mời uống trà và được nghe anh kể những câu chuyện về trà, trà đạo và về nếp sống người H’Mông.
Những quần thể chè Shan Tuyết tại đây lên đến hàng trăm năm tuổi, mọc tự nhiên trên dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1300m - 1800m so với mực nước biển và được các nhà khoa học xác định là thủy tổ của cây chè trên thế giới. Những cây trà Shan Tuyết cổ thụ có chiều cao cả chục mét, nhuộm màu trắng mốc, rêu phong, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hái được. Những búp chè Shan Tuyết rất to như thể đã hấp thu tràn trề sinh khí của đất trời, vạn vật, trên bề mặt còn phủ lớp lông trắng như tuyết. Cái tên Shan Tuyết cũng bắt đầu từ đây. “Shan” tức “Sơn” là núi, còn “Tuyết” để chỉ lớp lông phủ bên ngoài búp trà - thứ vốn dùng để những búp trà chống chọi lại cái khắc nghiệt của khí hậu Tây Bắc.
Chúng tôi được thưởng thức những sản phẩm trà Shan tuyết được hái từ những cây chè Shan Tuyết đã hơn 300 năm tuổi. Cùng là một cây chè, nhưng sự khác nhau trong quy trình thu hái và chế biến sẽ tạo ra những sản phẩm trà khác nhau.
Lục trà: Hay còn gọi là trà xanh được sản xuất bằng cách sao lá non của những cây chè xanh. Sau khi thu hoạch, lá chè sẽ được sơ chế và sấy khô, không qua công đoạn ôxy hóa để tạo thành lục trà với màu xanh nguyên thủy. Trà có hương thơm nhè nhẹ kết hợp cùng vị chát nhẹ, ngọt sâu, giúp tăng cường tỉnh táo, minh mẫn và phù hợp với đa số khẩu vị của người Việt
Hoàng trà: Hay còn gọi là trà vàng, được coi là thức uống cho bậc đế vương bởi sự cầu kỳ trong thu hái và chế biến. Hoàng trà được lấy từ những búp và lá non mới nở của cây chè, sau khi sao xong sẽ được giữ lại độ ẩm và lên men từ 3 đến 5 năm. Việc này khiến diệp lục tố mất đi từ từ, giúp cho màu vàng óng của cánh trà và nước trà khi pha hiện ra rõ ràng hơn. Vị trà chát mà không đắng, lưu lại vị ngọt hậu lâu.
Hồng trà: Đây là dạng trà được lên men và ôxy hóa từ 90% đến 100%. Sau khi được thu hoạch, lá chè được mang về làm héo, đem vò được ủ cho lên men rồi phơi nắng. Quá trình này sẽ triệt tiêu bớt vị chát của trà, làm trà thành phẩm có màu đen, thơm nồng, nước trà pha ra có màu đỏ nâu, vị mạnh hơn các loại trà khác.
Bạch trà: Được mệnh danh là phẩm trà cao quý bậc nhất trong dòng Shan Tuyết cổ thụ nhưng bạch trà lại là loại trà có công đoạn chế biến đơn giản nhất so với các loại trà còn lại và đặc biệt chỉ dùng búp chè để tạo ra thành phẩm. Sau khi hái thì búp chè được làm héo mát, rồi làm khô bằng phơi nắng hay hong khô bằng nắng. Mục đích của việc hạn chế công đoạn chế biến là để giữ được hình thức búp chè trắng muốt của bạch trà. Vì chỉ lấy búp chè để chế biến nên thành phần dược chất quan trọng trong trà rất cao, giá trà thành phẩm cũng đắt hơn so với các loại trà khác bởi một lạng trà khô phải hái rất nhiều búp chè mới có được. Bạch trà pha ra có màu vàng nhạt, trong như nước suối, uống vào lại có vị trà ngọt nhẹ đặc biệt tinh tế.
Thức quà từ thiên nhiên
Trà Shan Tuyết ở Suối Giàng có chất lượng cao, vị ngọt đậm, hương thơm. Sở dĩ như vậy, vì ở Suối Giàng, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nhiệt độ, khí hậu, đất đai, nguồn nước rất thích hợp để cây chè Shan sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, việc tọa lạc tại nơi có thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt, trà Shan Tuyết cũng có rất nhiều hoạt chất quý hiếm, tốt cho sức khỏe, điển hình với hàm lượng EGCG cao hơn khoảng 100 lần so với trà trung du, qua đó giúp chống lão hóa da, ngăn ngừa ung thư, mang tính kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa… rất tốt cho sức khỏe.
Cách pha và thưởng thức những lá trà quý hiếm cũng cần có sự tinh tế, am hiểu để cảm thụ một cách rõ nét. Với cách pha, cần phải pha trà đúng cách để các hoạt chất tốt trong trà không bị bị chuyển đổi, cần kiểm soát được nhiệt độ, thời gian ủ trà. Khi thưởng trà, chúng tôi được hướng dẫn phải sử dụng cả 5 giác quan: Thị giác để xem màu nước trà, cách pha trà; thính giác dùng để lắng nghe những câu chuyện về trà; xúc giác là để cầm và cảm nhận nhiệt lượng từ chén trà; khứu giác để thưởng thức mùi hương của trà và sau cùng là vị giác để thưởng trà. Theo cách uống của người H’Mông, nước đầu tiên sẽ dùng để “tắm lưỡi”, rửa khoang miệng rồi mới từ từ cảm nhận vị chát nhẹ kết hợp với vị ngọt sâu của trà Shan Tuyết.
Giữa không gian cao vắng, sương mù bao quanh cùng tiết trời hơi se lạnh nơi non cao, những làn gió nhè nhẹ lướt qua phòng trà khi chúng tôi từng bước thưởng thức những chén trà quý hiếm - mang theo trong đó cả dư vị của thời gian, cả tinh túy của đất trời, của đồng bào H'Mông nơi đây. Vị của trà đặc biệt, nhưng với chúng tôi, đặc biệt hơn cả là câu chuyện sau những tuần trà của anh Sơn về cách mà cây chè Shan Tuyết đã gắn bó với người dân tộc H’Mông hàng trăm năm qua và bà con vùng cao đã dựa vào cây chè để làm kinh tế như thế nào trong những năm gần đây.
(Còn nữa)