Bài 3: Bệ phóng từ Luật Di sản văn hóa 2024
Luật Di sản văn hóa 2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa. Trong đó điểm nhấn quan trọng của Luật là chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Phân rõ trách nhiệm
Trong bối cảnh nhiều di tích, di sản văn hóa bị xâm hại, Luật Di sản văn hóa 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 được coi là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời phát huy giá trị di sản, khai thác sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và bền vững. Luật Di sản văn hóa 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành. Luật đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Luật đã làm rõ các hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng) và việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình; rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đối tượng; nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Một trong những đột phá quan trọng của Luật Di sản văn hóa 2024 là mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác và sử dụng di sản, thúc đẩy hợp tác công tư và thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Điều này tạo cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, Luật cũng đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế - xã hội tại khu vực di sản. Quy định này bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định di sản trở thành tài sản, tài nguyên đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch bền vững và phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương.

Không gian số tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ. Ảnh: Phạm Hùng
Điểm nhấn quan trọng của Luật Di sản văn hóa là chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Chủ trương này tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt hơn vai trò "người chủ thực sự" của di sản tại chính nơi nó hiện diện. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, di sản văn hóa được coi là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Di sản văn hóa năm 2024 xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa. Luật đã xác định bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong đó, Chính phủ quản lý thống nhất về di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL là đầu mối để giúp Chính phủ.
“Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa 2024 xác định Chủ tịch UBND các tỉnh, địa phương có vai trò rất lớn, phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn của mình. Như thế, trong quy định này có tính phân cấp, chứ không chờ đợi, dưới đẩy lên trên, trên đẩy xuống dưới” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, một trong những điểm mới nổi bật là việc trao quyền mạnh hơn cho địa phương trong công tác quản lý di sản. Nếu như trước đây, nhiều thủ tục liên quan đến xếp hạng, tu bổ, phục hồi hay khai thác di sản phải chờ ý kiến chỉ đạo hoặc phê duyệt từ T.Ư, gây không ít ách tắc và trì trệ thì nay, chính quyền cấp tỉnh, TP đã được phân cấp và ủy quyền cụ thể, linh hoạt hơn trong xử lý tình huống, nhất là với các di sản cấp tỉnh, TP và cấp cơ sở.
Đi kèm với sự phân quyền là yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể và minh bạch hơn đối với từng địa phương trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Luật cũng đưa ra các cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý, bảo đảm quyền lực được trao đi nhưng không buông lỏng trách nhiệm. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, việc phân quyền nhưng vẫn còn nhiều điểm thiếu cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm.
Hiện nay, ở cấp địa phương có hai cấp quản lý di sản là Sở VH&TT, Sở VHTT&DL và Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã, phường. Luật tuy đề cập đến việc phân quyền, nhưng chưa chỉ rõ loại di sản nào thì cấp xã quản lý, loại nào do sở phụ trách. Nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. “Việt Nam hiện có nhiều cấp độ di sản, từ di sản được UNESCO công nhận, di sản quốc gia, cấp tỉnh, TP đến các loại hình chưa xếp hạng. Mỗi loại di sản cần có cơ chế quản lý riêng biệt, tương ứng với năng lực và chức năng của từng cấp quản lý. Luật là định hướng, nhưng để triển khai được, cần hệ thống văn bản dưới luật rõ ràng, nhất quán và thực tế” - PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Đẩy mạnh số hóa di sản
Một điểm nhấn quan trọng khác của Luật Di sản văn hóa 2024 là các quy định liên quan đến việc chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản trên môi trường điện tử. Qua đó góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh và hiện đại”.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, số hóa là xu hướng không thể đảo ngược của toàn nhân loại. Số hóa di sản càng là một mệnh lệnh của cuộc sống khi chúng ta đặt vấn đề phát triển kinh tế di sản, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Số hóa là cơ hội vàng để chúng ta nhanh chóng rút ngắn khoảng cách tụt hậu trong phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của chúng ta so với thế giới.
“Số hóa cũng là công cụ để chúng ta quản trị, phát huy giá trị các di sản văn hóa tốt hơn. Tuy nhiên, khi số hóa dữ liệu di sản sẽ nhanh chóng trở thành hàng hóa trên thị trường số hóa. Nếu không có biện pháp bảo vệ, di sản văn hóa rất dễ bị xâm hại, đánh tráo khái niệm hay bị thương mại hóa một cách không đúng với bản chất của nó để trục lợi” - GS.TS Phạm Hồng Tung nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Luật Di sản văn hóa năm 2024 có hiệu lực cùng với 4 Nghị quyết trụ cột của Đảng vừa ban hành là Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW hòa quyện vào nhau sẽ là giải pháp đột phá trong bảo vệ và phát huy các di sản. Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ cùng với Luật Di sản văn hóa 2024 để thúc đẩy quá trình số hóa, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ vào bảo vệ và phát huy các di sản. “Chúng ta đã áp dụng nhiều công nghệ mới như thực tế ảo, thực tế tăng cường, QR code... vào hoạt động của di tích, bảo tồn di sản. Tuy nhiên công nghệ về di sản hiện nay còn thiếu và yếu, cần phải có giải pháp khắc phục” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định.
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện nay Việt Nam đã có 34 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, công nhận, trong đó có 8 di sản thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và 10 di sản tư liệu. Cùng với đó, cả nước có 143 di tích quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích quốc gia, khoảng 11.000 di tích cấp tỉnh, TP; 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 610 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 203 bảo tàng, trong đó có 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ hơn 4.000.000 hiện vật, có 327 bảo vật quốc gia.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền cho rằng, để phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, tạo ra nhiều giá trị mới, trong thời gian tới, cần tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Di sản văn hóa 2024; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Dự án số hóa di sản văn hóa Việt Nam, tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, số hóa di sản văn hóa... phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo tồn, vận hành, kết nối, khai thác chia sẻ dữ liệu liên thông trên toàn quốc. Qua đó thực hiện mục tiêu để mỗi di sản văn hóa của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di sản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên môi trường điện tử trong Kỷ nguyên mới.
Chúng ta không thể bảo vệ di sản nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh và đủ cụ thể. Luật Di sản văn hóa là cần thiết, nhưng vẫn còn ở mức khung. Cần có thêm các nghị định, văn bản dưới luật để quy định chi tiết di sản vật thể gồm những gì, phi vật thể bảo vệ ra sao, di sản thiên nhiên quản lý thế nào... Phải có tiêu chí bảo vệ riêng cho từng loại hình, từng kích thước, từng chất liệu, từ hiện vật lớn như cột đá, tượng gỗ, đến những hiện vật mong manh như tranh giấy, sách cổ, bảo vật bằng vàng, bạc, ngọc quý… Đặc biệt, Bộ VHTT&DL cần chủ động tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách quản lý cụ thể đối với từng loại bảo vật. Cần xác định tiêu chí phân loại, cơ chế bảo quản và mức độ đầu tư phù hợp, tránh tình trạng chung chung, mạnh ai nấy làm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế
(Còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-3-be-phong-tu-luat-di-san-van-hoa-2024.766004.html