Bài 4: Về miền 'ăm ché' Xá Phó

Cũng đôi bận chúng tôi đến Nậm Kéng để lấy tư liệu viết bài, đã biết nhiều về nét độc đáo của thổ cẩm ở bản người Xá Phó này, nhưng để tường minh về gốc rễ của sự tinh xảo hoa văn trên trang phục - có thể coi là độc đáo - chúng tôi lại ngược dòng ngòi Bo tìm về câu chuyện thổ cẩm và cách làm thổ cẩm mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Dạo trước, Nậm Kéng là một thôn của xã Nậm Sài, sau sáp nhập 2 xã Nậm Sài và Nậm Cang thì thôn Nậm Kéng thuộc địa danh xã mới Liên Minh. Mặc dù là với tên gọi mới hay cũ thì bà con Xá Phó ở Nậm Kéng vẫn một lòng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Có hẹn từ trước, chị Lý Thị Ngay, Câu lạc bộ thổ cẩm Nậm Kéng cùng một số thành viên trong câu lạc bộ đã đợi từ rất sớm. Bình thường, chị em trong câu lạc bộ thường tự thêu may ở nhà rồi mang sản phẩm ra để hoàn thiện mẫu, trưng bày tại Nhà trưng bày để bán cho du khách khi đến Liên Minh.

Điều đặc biệt ở thổ cẩm của đồng bào Xá Phó khác với thổ cẩm phổ biến ở một số tộc người, đó là trên trang phục, ngoài những hoa văn thêu tay, còn có nghệ thuật đính cườm - người Xá Phó gọi là “ăm ché”.

Chị Lý Thị Ngay chia sẻ: Khó nhất vẫn là đính cườm. Cườm để đính trên áo người Xá Phó là loại cườm hạt nhỏ dài, ở giữa có lỗ, có thể xỏ kim, chỉ qua. Cây cườm được bà con Xá Phó trồng nhiều tại Liên Minh. Cũng như mùa vụ của cây lúa nước, cứ tầm tháng 1, tháng 2, bà con gieo giống cườm để ươm cây, sau đó khoảng hơn một tháng khi có cây con thì đem cây ra trồng.

.

Cườm thường được đính nghệ thuật, tạo hoa văn giống như thổ cẩm vậy. Mỗi chiếc áo, người ta sáng tạo đính cườm theo những mẫu hoa văn khác nhau, không trùng lặp. Trên chiếc áo váy của phụ nữ Xá Phó, cườm được đính tạo hoa văn ở phía trước ngực và phía sau lưng, tạo thành mảng hoa văn cườm với nhiều hình khối, tạo sóng hoặc ô vuông, hình hoa đối xứng, nổi bật trên nền vải bông nhuộm chàm. Còn trên áo của đàn ông Xá Phó, họ chỉ đính điểm xuyết rất ít cườm trên tay áo, sau lưng áo, hàng khuy áo và bên hông gấu áo chàm.

Hoa văn “ăm ché” là nét độc đáo, nổi bật trên trang phục truyền thống của dân tộc Xá Phó. Người ta dễ nhận diện về thổ cẩm Xá Phó, khác hẳn với trang phục thổ cẩm của dân tộc khác, bởi những hoa văn “ăm ché” trên áo, váy. Không chỉ thời trang quần áo, người Xá Phó còn đính cườm trang trí trên túi vải chàm, địu trẻ em…

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Xá Phó gồm áo và chân váy, cổ áo khoét hình vuông, đính cườm thành các hoa văn đối xứng chạy dài xuống thân áo. Mảng dưới áo thường được thêu hoa văn hình cánh bướm, mái che và hoa văn zic zắc… Phần chân váy được trang trí hoa văn như trên thân áo, ngoài ra còn kết hợp với hình cây thông, hình ngọn núi, hình ngôi sao…

Ở bất cứ bộ trang phục truyền thống của dân tộc nào cũng đều thể hiện sinh động bản sắc văn hóa của dân tộc đó, cũng như phản ánh một cách đầy đủ đời sống sinh hoạt thường ngày… lên bức tranh thổ cẩm, in dấu trên trang phục. Chiếc thắt lưng bằng vải màu trắng có thêu viền hai mép dùng để cuốn quanh cạp váy cũng là vật trang trí cho trang phục truyền thống của người Xá Phó.

Thêu thổ cẩm là nghề truyền thống, có từ lâu đời của người Xá Phó ở Nậm Kéng. Phụ nữ Xá Phó từ khi là những bé gái 6 - 7 tuổi đã được bà, mẹ dạy thêu. Với nhiều đường nét, chi tiết cần sự khéo léo và tỉ mỉ nên có nhiều bé gái phải học tới vài năm mới biết thêu. Chị Lự Thị Lan, sinh năm 2003, thành viên trẻ tuổi nhất câu lạc bộ chia sẻ, những ngày mới tập thêu, đường thêu còn xấu và không thẳng hàng, họa tiết không đẹp, phải tháo đi tháo lại nhiều lần. Lự Thị Lan đã luyện tập cho đến khi thêu thuần thục các mẫu hoa văn truyền thống của người Xá Phó mới thôi.

Trong câu chuyện về thổ cẩm, chị Lý Thị Ngay cho biết: Trên trang phục của người Xá Phó có nhiều chỗ thêu thổ cẩm. Nếu dành nhiều thời gian cho thêu, một năm, một phụ nữ Xá Phó có thể thêu được 2 bộ váy áo thổ cẩm. Mỗi bộ có giá trên 3 triệu đồng. Các họa tiết thêu trên váy áo của người Xá Phó thường là hình minh họa cây cối, cỏ, núi đồi…

Từ năm 2013, Craft Link phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai thực hiện dự án nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế bền vững và giữ gìn truyền thống văn hóa cho cộng đồng nhóm Xá Phó thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh. Theo đó, bà con Xá Phó ở Nậm Kéng đã được thu nạp kiến thức để khôi phục lại kỹ năng thêu truyền thống và khâu tay hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ tiếp thị sản phẩm. Đặc biệt, từ đó đến nay, Craft Link tổ chức thường xuyên các buổi trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống của các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai, trong đó có nghệ thuật thêu của dân tộc Xá Phó ở Nậm Kéng.

Công việc chính của phụ nữ Xá Phó hằng ngày là làm nông, những lúc nông nhàn hoặc nghỉ tay khi làm việc, phụ nữ Xá Phó thường cầm theo mảnh vải để thêu. Trên nương sắn, dưới ruộng lúa, nơi đâu cũng có thể trở thành địa điểm để chị em ngồi thêu. Trước đây, các hoa văn thêu thổ cẩm chủ yếu để trang trí trên váy, áo, khăn cuốn quanh đầu, nhưng nay đã được thêu trên các miếng vải để đưa vào thiết kế may thành túi, vòng tay, khăn trải bàn…

Hành trình đi qua hơn 10 năm, Câu lạc bộ thổ cẩm Nậm Kéng hiện có 40 thành viên với các lứa tuổi khác nhau. Mặc dù có những thành viên cao tuổi không thể tiếp tục thêu thùa nhưng vẫn có thế hệ trẻ tiếp nối. Tham gia câu lạc bộ, mỗi tháng chị em có thêm thu nhập gần 1 triệu đồng. Mặc dù thu nhập tăng thêm còn khiêm tốn nhưng ai cũng vui vì được gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từ nghề truyền thống, thêu thổ cẩm ở Liên Minh được sự hỗ trợ và hợp tác của Hội Phụ nữ tỉnh, Craft Link (tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và công bằng thương mại của Việt Nam) nên sản phẩm của các chị làm ra đã được xuất bán đi nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Bỉ, Pháp...

Trong năm 2023, được tổ chức Craft Link hỗ trợ, những nghệ nhân của bản như chị Lý Thị Ngay và một số chị em trong bản Nậm Kéng được mang văn hóa bản địa dân tộc mình xuống phố, trình diễn cho những người yêu văn hóa tìm đến trải nghiệm. Gần đây, trong Ngày hội văn hóa du lịch Sa Pa tại thủ đô Hà Nội, thêm một lần nữa, nghệ thuật thêu hoa văn và trang phục thổ cẩm truyền thống lại được rời bản xuống phố “tỏa sáng”….

Giờ đây, không chỉ có trang phục truyền thống, những hoa văn từ nghệ thuật thêu, phụ nữ Xá Phó đã làm ra những chiếc túi, ví, gối… đầy màu sắc, đưa họa tiết thêu truyền thống vào các mẫu sản phẩm hiện đại. Các họa tiết lấy từ cảm hứng vẻ đẹp thiên nhiên, được chị em Xá Phó tỉ mỉ thêu tay từng đường chỉ với hạt cườm tự nhiên. Thông qua câu chuyện truyền thống đan xen giữa quá khứ và hiện đại, các sản phẩm minh chứng sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Xá Phó trong những khuôn vải rực rỡ sắc màu, đồng thời cũng đề cao sự mạnh mẽ, phóng khoáng của phụ nữ Xá Phó…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-4-ve-mien-am-che-xa-pho-post384900.html