Bài cuối: Khai phá tiềm năng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở phía Tây Hà Nội
Trước khi sáp nhập về Hà Nội, Hà Tây chỉ đứng sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về số di tích lịch sử được công nhận. Cả nước có hơn 20 khu du lịch quốc gia thì Hà Tây có 2, là quần thể danh thắng chùa Hương và vườn quốc gia Ba Vì. Với hơn 200 làng nghề truyền thống, Hà Tây là một tỉnh rất giàu tiềm năng du lịch...
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội:
Du lịch văn hóa làm cơ sở đưa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm.
Trong đó, du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Các làng nghề truyền thống ở Hà Tây (cũ) tạo ra nét riêng biệt về sản phẩm của từng vùng, miền, làng xã như: làng sơn mài Hạ Thái, làng khảm trai Chuôn Ngọ - Phú Xuyên, làng thêu Quất Động - Thường Tín, làng nón Chuông - Thanh Oai... Chắc chắn du khách sẽ thích thú khi đi được nhìn tận mắt, tận nơi, thấy được sự vất vả của người làm nghề và thấy sự mới lại hấp dẫn từ nghề truyền thống, đấy là điều du khách rất thích.
Với du lịch các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội mà xu hướng được khách du lịch tìm đến bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Phần khác vì đến với làng nghề của Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề. Và cũng là cơ hội để người dân làng nghề giao lưu, học hỏi, tiếp xúc mở mang trình độ.
Chị Trần Thị Minh, doanh nhân làng nghề tăm tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: khi nền kinh tế các nước suy thoái, việc xuất khẩu bị chững lại, sản phẩm trong làng làm ra chủ yếu chỉ để tiêu thụ trong nước nên kinh tế có phần giảm. Chủ trương chính sách từ TP đến địa phương phát triển du lịch làng nghề nên từ năm 2021 đến nay làng nghề song song vừa sản xuất vừa tạo không gian cho khách du lịch trải nghiệm với nghề như: trẻ tăm hương, đổ màu, trẻ vầu... Từ đó đến nay khách đến mỗi ngày một đông, hiện tại bình quân mỗi ngày khoảng gần 100 khách cũng làm thay đổi đời sống và văn hóa trong làng.
Việc đầu tư cho phát triển du lịch cũng là một bước thay đổi lối mòn sản xuất trong làng và lựa theo yêu cầu của du khách. Khách nước ngoài thích trải nghiệm, thích thú với khâu sản xuất từ khi nhập nhiên liệu đến khâu hoàn thành sản phẩm. Đặc trưng các làng nghề đều nhập nhiên liệu vào buổi sáng sớm nên mình tận dụng không gian thoáng để các nhà nhiếp ảnh săn ảnh nhập nhiên liệu lúc bình minh. Còn khách nội địa thích trưng bày lộng lẫy, có chỗ nghỉ, có nhiều dịch vụ ăn, uống vui chơi...
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, đây là tiền đề, cơ hội tốt để các làng nghề đi lên cùng sự phát triển của ngành du lịch.
Các làng nghề còn thiên về sản xuất kinh doanh
Trong những năm gần đây, chúng ta đã bước đầu bước đầu khai thác sự gắn kết, phối hợp giữa làng nghề và phát triển du lịch làng nghề; tạo các tour tuyến du lịch có nội dung phong phú, vừa khám phá các di sản văn hóa, vừa tham quan du lịch làng nghề. Qua đó, làng nghề vừa gia tăng được việc bán hàng hóa, sản phẩm, vừa thu được phí tham quan, phát triển các dịch vụ bổ trợ như vận chuyển, ăn uống, trình diễn nghệ thuật dân gian...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế: các làng nghề còn thiên về sản xuất kinh doanh, thiếu kỹ năng, hiểu biết, nghiệp vụ về du lịch, khả năng giao tiếp với du khách, nhất là du khách nước ngoài yếu. Nguồn nhân lực ít được đào tạo, du lịch phát triển theo kiểu tự phát, nên hiệu quả chưa cao, dễ bị mất khách.
Một yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí bụi bặm, xả rác bừa bãi, cảnh quan lộn xộn, chưa đẹp mắt; các dịch vụ đi kèm chưa đảm bảo chất lượng (cơ sở lưu trú nhà hàng, dịch vụ giải trí...).
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội: du lịch cộng đồng, điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được đề cập tới tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là nhóm sản phẩm Hà Nội có tiềm năng lớn. Địa bàn TP có nhiều làng nghề truyền thống, điểm đến hấp dẫn ở khu vực nông thôn, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Mỗi điểm đến, làng nghề này lại có những sản phẩm quà tặng đặc trưng, với chất lượng đã được người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao.
Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng, được nhiều quốc gia trong khu vực ứng dụng từ lâu và họ đã rất thành công trong việc vừa bảo tồn được các làng nghề, vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác
Thái Lan có khoảng 70.000 làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phục vụ du lịch, mang lại nguồn thu cao. Điển hình như các làng nghề: dệt lụa, làm ô, bông vải, tơ tằm, hoa giả, búp bê Thái Lan... Đơn cử, làng gốm sứ truyền thống Lampang với lịch sử hàng trăm năm, thu hút tới hơn 500 nghìn khách tham quan mỗi năm.
Nhật Bản cũng rất phát triển các làng nghề, từ thủ công mỹ nghệ đến phát triển ẩm thực, du lịch nông nghiệp, khôi phục các món ăn truyền thống, kết hợp với khai thác các suối khoáng, nước nóng tự nhiên (ONSEN) để trị liệu và nghỉ dưỡng.