Bài cuối: Tăng kết nối để du lịch cất cánh

Được mệnh danh là mảnh đất 'rồng thiêng hội tụ', quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Để phát triển xứng đáng với lợi thế, tiềm năng, quận cần hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, người dân, khi đó, những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển.

Phát triển hồ Tây đúng nghĩa là “báu vật” quốc gia

Với gần 530ha mặt nước, hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Hà Nội. Bên cạnh đó, vùng phụ cận hồ Tây được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với 71 di tích, trong đó có 41 di tích đã được xếp hạng và trở thành điểm đến nổi tiếng như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc; các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh…

Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Hà Nội.

Hồ Tây là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Hà Nội.

Có thể khẳng định, giá trị của hồ Tây không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn có yếu tố văn hóa, tâm linh, là nơi mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của Hà Nội. Những giá trị này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô, người dân trong nước và du khách nước ngoài. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của hồ Tây còn nhiều hạn chế, chưa thu hút đông đảo khách du lịch và mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong khu vực… Minh chứng dễ thấy, sau một thời gian dài được quản lý bởi 8 sở, ngành, công tác bảo vệ và phát triển hồ không đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng.

Bởi vậy, từ tháng 1/2024, Hồ Tây chính thức được giao cho Ban Quản lý hồ Tây (trực thuộc UBND quận Tây Hồ) quản lý. Đây là tiền đề để quận Tây Hồ khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của hồ Tây, nhất là trong phát triển du lịch, dịch vụ.

Để khai phá những tiềm năng từ hồ Tây, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành danh mục 10 loại hình dịch vụ được hoạt động gồm: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy: thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm); kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh hồ Tây; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin: UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định Quy định quản lý và khai thác hồ Tây cho phép 10 danh mục kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực hồ Tây, đây là những danh mục mang tính chất định hướng, khi đủ điều kiện sẽ triển khai. Quận Tây Hồ sẽ triển khai các danh mục theo lộ trình chứ không triển khai ồ ạt, những điểm đủ điều kiện sẽ làm trước, với nguyên tắc đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn, phù hợp với không gian, thực tế của hồ.

Các sản phẩm giấy dó của phường Bưởi.

Các sản phẩm giấy dó của phường Bưởi.

Thực tế, để khai thác bền vững giá trị hồ Tây thì công tác bảo vệ môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Với vấn đề này, hiện quận Tây Hồ đang triển khai xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”. Đề án được xây dựng trên nguyên tắc bền vững và dài hạn, dựa trên ba trụ cột là kinh tế - xã hội và môi trường, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Hiện nay, môi trường là vấn đề cấp thiết được Thành phố hết sức quan tâm, do đó, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, để bảo vệ cảnh quan và môi trường nước hồ Tây, UBND quận đã triển khai việc khảo sát, đánh giá những tác động về môi trường tới hồ Tây, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Tới đây, khi thực hiện cấp phép cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại khu vực hồ Tây, UBND quận cũng sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể, nghiêm ngặt về xử lý nước thải tại khu vực này. Toàn bộ nước phát thải của các hoạt động kinh doanh dịch vụ sẽ phải thu gom và đưa vào nhà máy xử lý, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong việc quản lý và bảo vệ môi trường hồ.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch

Không chỉ có riêng hồ Tây, lịch sử văn hiến lâu đời đã để lại cho Tây Hồ một kho tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc bao gồm tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể. Nổi tiếng cả nước với các vùng trồng hoa đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, Tây Hồ còn có hệ thống 71 di tích với 42 di tích đã được xếp hạng. Nhiều di tích, danh thắng của Tây Hồ đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên...

Người dân tham quan, mua sắm tại Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ.

Người dân tham quan, mua sắm tại Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ.

Nhờ đó, độ nhận diện về văn hóa Tây Hồ được gia tăng trong ấn tượng và trí nhớ của khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa đã đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của quận Tây Hồ.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển điểm đến du lịch của quận Tây Hồ vẫn một số hạn chế. Để quận Tây Hồ phát triển xứng đáng với lợi thế, tiềm năng, quận cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. “Hiến kế” cho du lịch quận Tây Hồ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cho rằng, quận Tây Hồ có ưu thế phát triển du lịch và khác biệt so với các quận khác của Thủ đô với cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc, cùng không gian hồ nước lớn nhất nội thành Hà Nội nằm cạnh dòng sông Hồng. Con đường quanh hồ Tây có thể trở thành con đường du lịch của Thủ đô. Do đó, quận cần quan tâm nhiều hơn đến việc cải tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho tuyến đường, đồng thời phải giữ được các không gian tạo sự hòa quyện giữa thiên nhiên với nhịp sống hiện đại văn minh, qua đó giúp du khách được thư giãn khi đến với các điểm du lịch.

Theo ông Thắng, các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ rất độc đáo, nhưng chủ yếu phục vụ người dân đến lễ bái, còn để trở thành sản phẩm du lịch thực sự thì cần đưa vào nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.

“Công tác quản lý điểm đến rất quan trọng đối với quận Tây Hồ, làm sao vừa nâng cao giá trị từng điểm đến, nhưng vẫn kết nối được với các điểm trên địa bàn quận và Thành phố. Quận Tây Hồ nên có dự báo xa để quy hoạch các điểm đỗ xe rộng ở các khu, điểm du lịch phục vụ các đoàn khách đông. Cùng với đó, với du lịch văn hóa thì sử dụng hướng dẫn viên là người thuyết minh vẫn hấp dẫn hơn công nghệ, lúc này vai trò của người địa phương rất quan trọng, chỉ họ mới hiểu được địa phương, hiểu được những giá trị du lịch của cha ông để lại, khi họ là thuyết minh họ sẽ chuyển tải đến du khách được những nét đặc sắc riêng có của địa phương một cách tự nhiên, hài hòa nhất”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để phát triển du lịch, quận Tây Hồ cần kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, quận Tây Hồ muốn phát triển du lịch thì cần bắt đầu bằng việc hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thật chỉn chu và kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành. Chính quyền quận Tây Hồ có thể kết nối ngay các hộ có nghề truyền thống, hộ kinh doanh, khu, điểm, ban quản lý các di tích trên địa bàn quận vớ các doanh nghiệp lữ hành để đưa vào City tour. Khi doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là người dân được hưởng lợi thì những giá trị truyền thống đặc sắc mới được bảo vệ và tạo đòn bẩy cho du lịch ngày càng phát triển.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-cuoi-tang-ket-noi-de-du-lich-cat-canh-173740.html