Bài toán khó của Nhật Bản nhìn từ bầu cử Thượng viện
Cuộc đua vào Thượng viện Nhật Bản đang bước vào giai đoạn nước rút, khi chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm bỏ phiếu chính thức.
Trong khi các ứng cử viên tăng tốc với những màn “tranh luận nảy lửa”, giới quan sát lại mổ xẻ hàng loạt vấn đề tồn tại trong lòng xã hội Nhật Bản thông qua các chủ đề tranh luận đang diễn ra.

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện tại Osaka, Nhật Bản ngày 10/7/2022. (Ảnh: Kyodo)
Nếu như trong giai đoạn đầu, chỉ có 17 chủ đề tranh luận công khai liên quan đến kinh tế, đàm phán thuế quan với Mỹ, an ninh - quốc phòng, thiếu hụt nguồn nhân lực… thì đến giai đoạn cuối lại xuất hiện thêm nhiều chủ đề mới, như liên quan đến cộng đồng người nước ngoài.
“Điểm nóng” thu hút dư luận
18 chủ đề “luận chiến” của 522 ứng cử viên hiện nay có thể chia làm 4 nhóm. Thứ nhất vẫn là kinh tế, thứ hai là an sinh xã hội, thứ ba là an ninh – quốc phòng và thứ tư là đối ngoại. Tất cả 4 nhóm này đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri Nhật Bản, nhưng nhóm thứ nhất là điểm nóng được dư luận quan tâm nhất. Nhóm này bao gồm những vấn đề như vật giá leo thang, khủng hoảng gạo, đàm phán thuế quan với Mỹ…
Về vấn đề vật giá leo thang, chỉ riêng trong năm 2025 này, đã, đang và sẽ có tới hơn 18.600 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Nhật Bản tăng giá với mức giao động từ 6%-23%, kèm theo đó là tình trạng gạo khan hiếm và tăng giá. 2 vấn đề này đang làm nghèo đi bàn ăn của người Nhật và đẩy con số người phải nhận trợ cấp xã hội lên những đỉnh cao mới.
Trong khi đó, hàng rào thuế quan của Mỹ trở thành một “đòn đánh bồi thêm” khiến kinh tế Nhật Bản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Xin lấy công nghiệp ô tô làm ví dụ. Hiện nay, hầu hết các “ông lớn” của Nhật Bản trong ngành này đang rất đau đầu. Gần đây nhất, hôm qua 15/7, hãng Nissan cho biết đến cuối năm 2027 sẽ phải dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất của 1 nhà máy trong nội địa và dừng 2 dự án lớn liên quan đến ô tô điện và xe thể thao đa năng tại Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho biết, với mức thuế đối ứng bổ sung 25% mà Washington sẽ áp dụng cho Tokyo từ 1/8, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Nhật Bản sẽ bị giảm từ 0,85%-1,3%. Vấn đề kinh tế kéo theo những hệ lụy cho an sinh xã hội và lao động - việc làm. Đây là những lĩnh vực vốn đang phải chịu áp lực rất lớn từ vấn đề dân số lão hóa và thiếu hụt nhân lực.
Đáng chú ý là tất cả những bài toán nêu trên đều chưa có lời giải. Tất cả các phương án do các ứng cử viên đưa ra đều vấp phải sự phản bác của đối thủ, đẩy mọi thứ vào một vòng luẩn quẩn, thậm chí là một ma trận của những điều không thể. Nếu một chính trị gia nào hoặc chính đảng nào chỉ cần có thể đưa ra cách giải quyết cơ bản, chứ chưa cần triệt để, dành cho những vấn đề nêu trên, sẽ nắm trong tay một “chìa khóa vạn năng” để giành chiến thắng.
Thách thức hiện nay của Nhật Bản
Từ góc nhìn khách quan trong những năm gần đây, tôi đồng ý với nhận định này. Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những vấn đề của Nhật Bản hiện nay, nhưng đều có chung một từ khóa. Đó là “sự phụ thuộc”. Ở nhóm vấn đề kinh tế, là sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất chủ yếu từ nước ngoài và sự lệ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu. Chính sự phụ thuộc này khiến kinh tế Nhật Bản trở nên dễ tổn thương trước các biến động của giá cả trên thị trường thế giới.
Một trong những tác nhân chủ yếu khiến vật giá tăng cao không cản nổi tại Nhật Bản hiện nay là do giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu không ngừng bị đội lên. Còn sự lệ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu đã hơn một lần khiến kinh tế Nhật Bản chao đảo, và nay lại một lần nữa chứng nghiệm bằng hàng rào thuế quan của Mỹ. An ninh - quốc phòng là một minh chứng rõ nhất cho từ khóa “phụ thuộc”.
Do Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này có quân đội, tổ chức hoặc tham gia chiến tranh, Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để tự bảo vệ. Chính vì yếu tố này, mặc dù kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng Nhật Bản không thể áp dụng các biện pháp cứng rắn khi Nhà Trắng áp đặt một mức thuế gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.
Nhật Bản phải nỗ lực tăng cường khả năng phòng vệ, nâng cao ngân sách quốc phòng, để từ đó phải gánh nợ công chồng chất, tạo ra một vòng luẩn quẩn cả về kinh tế và ngoại giao. Chủ đề tranh luận thứ 18, mới xuất hiện gần đây, cũng là một ví dụ về sự “phụ thuộc” của Nhật Bản. Đó là sự phụ thuộc vào nguồn lực lao động nước ngoài.
Trong khi dân số lão hóa và giảm tự nhiên nhanh hơn dự báo, sự thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành căn bệnh “thâm căn cố đế” của Nhật Bản. Theo đó, lao động nước ngoài đã, đang và sẽ là yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của “xứ sở hoa Anh Đào”. Bên cạnh những mặt tích cực, Tokyo cũng đang phải giải quyết nhiều mặt trái của vấn đề, đặc biệt là sự gia tăng của tội phạm có yếu tố nước ngoài, trong đó việc kiến tạo “một xã hội cộng sinh an toàn, có trật tự” với người nước ngoài đang là mục tiêu rất lớn.
Khả năng đạt được mục tiêu của liên minh cầm quyền
Hiện nay, Liên minh cầm quyền giữa đảng Tự do dân chủ (LDP) và đảng Công Minh (Komei) đang chiếm 141 ghế trong tổng số 248 ghế của Thượng viện Nhật Bản, trong đó LDP có 114 ghế còn Công Minh có 27 ghế. Và tại lần bầu cử này, số ghế phải bầu lại của LDP là 52, còn Công Minh là 14 ghế. Mặc dù liên minh cầm quyền chỉ cần giành được 125 ghế là vẫn duy trì được vị thế đa số, nhưng giới quan sát nhận định, đây là một “hành trình ngược gió” đầy gian nan đối với LDP và Công Minh.
Vấn đề biến động trong tỷ lệ ủng hộ của cử tri còn nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ này chỉ giảm không tăng trong một loạt các cuộc thăm dò dư luận do các cơ quan báo chí uy tín hàng đầu Nhật Bản liên tục tiến hành gần đây.
Theo kết quả cuộc điều tra gần đây nhất của Hãng phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK, tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Ishiba giảm 3% so với điều tra lần trước, rớt xuống mức 31% - mức thấp nhất kể từ khi chính phủ của ông Ishiba ra đời vào tháng 10/2024, trong khi tỷ lệ không ủng hộ tăng thêm 4 điểm, lên mức 50%.
Cũng theo NHK, liên minh cầm quyền cũng chỉ giành được tổng số 31,1% ủng hộ, với 28,1% của LDP và 3% của Công minh. Có một số yếu tố đáng chú ý. Thứ nhất là tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Ishiba rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, thứ 2 là tỷ lệ không ủng hộ sắp đạt mức quá bán, và thứ 3 là tỷ lệ ủng hộ của đảng Công Minh chỉ vẻn vẹn có 3%.
Trong bối cảnh đó, những vấn đề mà chúng ta vừa trao đổi trên đây đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ và liên minh cầm quyền thấp chưa từng có, nhưng vẫn đứng đầu và vẫn cao hơn tổng số ủng hộ của các đảng đối lập cộng lại. Mặc dù chỉ trích gay gắt về các quyết sách lớn do chính phủ và liên minh cầm quyền đưa ra, phe đối lập cũng không đề xuất được biện pháp nào hiệu quả hơn. Do đó, cơ hội vẫn đang chia đều cho cả hai bên.