Bài văn sách thi Đình của vị đại khoa hai lần đỗ đầu

Hai lần đỗ đầu, Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập xứng đáng là một danh sĩ triều Nguyễn.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu làng Trung Cần được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật năm 2022.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu làng Trung Cần được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật năm 2022.

Từ bài văn sách đến suốt cuộc đời trên quan trường, ông luôn tỏ rõ khí tiết, tầm nhìn và sự tiến bộ trước thời cuộc.

Bài văn sách đỗ Đình nguyên Hoàng giáp

Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (1824 - 1874), tự là Thiếu Tô, hiệu Nọa Phu, quê trang Cần Cung, xã Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương (nay là xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn - Nghệ An). Ông sinh ra trong dòng họ Nguyễn Hữu có bề dày lịch sử gần 500 năm với 17 đời và 5 chi hậu duệ nổi tiếng về truyền thống hiếu học, khoa bảng.

Cho đến nay, vùng đất Nam Đàn vẫn lưu truyền câu “quan Trung Cần, dân Dương Liễu” với ý nói người làng Trung Cần có truyền thống hiếu học, dân làng Dương Liễu có chí “nổi can qua”. Trong thời phong kiến, dòng họ Nguyễn Hữu có 3 đại khoa; 12 người đỗ trung khoa và 21 tú tài.

Nguyễn Hữu Lập có cha là Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực, mẹ là bà Phan Thị Hòa, chú ruột ông là Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Sinh ra trong gia đình khoa bảng nên ông sớm được tiếp xúc với chữ nghĩa, khoa cử và nổi tiếng thông minh khắp tổng Nam Hoa. Năm 14 tuổi, Nguyễn Hữu Lập đỗ Tú tài, 26 tuổi đậu Giải nguyên khoa Canh Tuất đời vua Tự Đức.

Năm 39 tuổi, ông tham gia ứng thí, thi Hội trúng Đệ tam danh, vào thi Đình đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đệ nhất danh, tức là Đình nguyên Hoàng giáp. Do ông đậu cả Giải nguyên lẫn Đình nguyên (tức thủ khoa 2 lần) nên dân gian còn gọi Nguyễn Hữu Lập là Song nguyên Hoàng giáp.

Khoa thi Hội, thi Đình năm Nhâm Tuất (1862), bài văn sách của Nguyễn Hữu Lập được đánh giá xuất sắc và được xếp thứ nhất. Văn sách thi Đình của ông hiện vẫn còn được bảo lưu, và cho biết đề thi do chính vua Tự Đức ra đề.

Trong bài thi, Nguyễn Hữu Lập vận dụng kiến thức hàn lâm, đối chiếu với thực tế đất nước đương thời để giải đáp những vấn đề mà vua Tự Đức nêu ra. Bài văn sách của ông viết bằng chữ Hán, dài gần 3.000 chữ, có một số kiến giải sắc sảo, độc đáo nên được xếp loại ưu.

Về quan điểm đối với thực dân Pháp xâm lược, ông cho rằng: “Nước ta với giặc Tây vốn chẳng hiềm khích gì, thế mà ba, bốn năm lại đây nó xâm lược ven biển của ta, bắt đầu sinh sự ở Quảng Nam, tiếp đó cướp phá ở Gia Định... Lấy lí mà nói nó cong ta thẳng... Giặc Tây giảo trá khó lường.

Ở Quảng Nam trước đây ban đầu giảng hòa với chúng, liền có việc đánh vào Nại Hiên. Ở Gia Định trước đây ban đầu thương thuyết với chúng, liền có việc đánh vào Mai Sơn, đó đều là kinh nghiệm đã qua, rất rõ rệt vậy. Thế thì hòa ước vừa đây cũng không thể được lâu”.

Nguyễn Hữu Lập nhận xét: “Mọi rợ không có tình, chó dê không có tín, vương giả đời trước vốn để chúng ra ngoài”. Ông nêu ý kiến: “Cho nên mưu chước chống chúng bất tất phải hòa, mà nhất thiết phải giữ. Chưa nói đánh mà trước đã nói giữ. Đó là lấy đánh để mà giữ, lấy giữ để mà đánh. Kế hay tự nhiên ở trong đó”.

Ông lập luận thêm: “Thần nghĩ rằng, việc hòa hảo rốt cục không thể tin cậy và tất nhiên lại phải đánh nhau. Có điều đánh chưa lợi thì phải giữ để cầm cự. Sự tình như thế mà mình không nghiên cứu trước, không vận dụng có thứ tự thì sợ rằng không phải là chước vạn toàn”.

Để giải quyết vấn đề lấy quân đâu để đánh, lấy tiền đâu để dùng mà vua Tự Đức nêu trong đề thi. Nguyễn Hữu Lập cho rằng: “Quân lính Bắc Kì phần nhiều yếu đuối, rụt rè. Quân lính Nam Kì thì việc phòng ngự đang cần kíp. Nước nhà chỉ trông cậy vào quân kinh kì và Nghệ Thanh mà thôi. Không điều động thì không biết nhờ vào lực lượng nào, mà điều động hết thì lại sợ các xứ đó trở thành trống rỗng”.

Ông nêu hướng giải quyết: “Cấp lương hậu cho người lính, tha lao dịch cho gia đình họ, khiến họ không phải lo đến việc nhà, quyết chí lập nên công trạng… Thông báo cho các quan viên người địa phương, hoặc các viên cử nhân, tú tài ở quê quán lo chiêu tập và huấn luyện các dũng sĩ ở làng để làm dân binh.

Các nha môn tỉnh, phủ, châu, huyện thì chiêu tập dân phu ở bản thổ để làm thổ binh. Rồi nơi nào tự dạy dỗ lấy dân quân nơi ấy, nếu quả là người cường kiện, có võ nghệ thì ngõ hầu có thể dùng được”.

Về tiền bạc, ông đề xuất: “Cục Thông bản (đúc tiền) của triều ta chỉ đặt tại Hà Nội. Nay nên đặt thêm một cục nữa ở tại kinh thành. Lấy số súng hỏng đem đúc tiền đồng và đặt thêm loại tiền giấy để tiện việc buôn bán, ngõ hầu tiền tệ có thể dồi dào vậy.

Gần đây vì có giặc biển nên việc chuyển vận bằng đường biển chưa thể thông suốt được ngay. Nên lập lại chế độ chuyển vận bằng đường bộ và đường sông, tuy phí tổn nhiều hơn, nhưng hoặc giao cho quân lính chuyển vận, hoặc thuê người chuyển vận, đều có phương pháp thì vấn đề dành dụm lương hướng cũng đủ chi dụng vậy”.

 Ba tấm bia cổ lập vào các năm 1834, 1853, 1859 tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn, Nghệ An).

Ba tấm bia cổ lập vào các năm 1834, 1853, 1859 tại nhà thờ họ Nguyễn Hữu, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn, Nghệ An).

Không theo lời khuyên, triều Nguyễn thất bại

Về việc đánh dẹp giặc cỏ quấy rối ở Bắc Ninh, giặc phỉ cướp phá vùng Hải An (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương), trong bài thi Nguyễn Hữu Lập đưa ra biện pháp: “Giặc phỉ ở Hải An là do viên quan giữ đất làm sai cơ mưu để đến nỗi lan rộng. Giặc cỏ ở Bắc Ninh là do viên quan coi đê chọc tức cho nó làm phản.

Kế hoạch hiện nay không gì bằng sai một viên quan lớn, giỏi giang, công minh ra làm kinh lược để vỗ về chúng thì có thể không cần đánh mà chúng cũng tự tan. Còn giặc phỉ ngoài biển chẳng qua là bọn ô hợp, thần cho rằng đối với chúng nên dùng mưu ly gián… như Tào Tháo lừa ly gián Hàn Toại, Mã Siêu xưa, hoặc dùng kế Khổng Minh đút lót cho rợ Khương để chúng mắc mưu. Thế thì khu vực Đồ Sơn chắc rằng bọn phỉ ấy không giữ lâu được”.

Tuy vua Tự Đức tâm đắc với luận thuyết trong bài thi của Nguyễn Hữu Lập, mới lấy ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Song trong thực tế, nhà vua sợ không thắng được giặc Pháp nên thiên về thuyết chủ hòa, không theo thuyết chủ chiến của Nguyễn Hữu Lập.

Còn cách dẹp bọn giặc phỉ nói trên cũng thế. Chỉ hai năm sau (1864), nhà vua đã làm khác, cử mấy vị đại khoa người Nghệ An, Hà Tĩnh, đang giữ chức tại triều cầm quân tiễu phạt bọn giặc ở Hải An, khiến triều đình bị tổn thất nặng nề.

Giặc phỉ đã phục kích khiến Tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1797 - 1864 ), nguyên Thượng thư bộ Hình, người huyện Thạch Hà tử trận. Tiến sĩ Văn Đức Giai (1807 - 1864), nguyên Chưởng ấn, người Quỳnh Lưu tử tiết, Giải nguyên Đặng Văn Khải (1812 - 1864), nguyên Lang trung bộ Hộ bị giặc sát hại.

Theo các nguồn sử liệu, sau khi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Hữu Lập lần lượt được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông luôn lấy liêm chính mà răn mình, lấy công tâm mà sự xử, dám thẳng thắn khuyên can nhà vua nên được vua Tự Đức khen ngợi và tặng thưởng khánh vàng khắc 4 chữ “Liêm, Bình, Công, Cán” (liêm khiết, bình đẳng, công tâm, mẫn cán) và nhiều vật phẩm giá trị khác.

Năm Giáp Tuất (1874), niên hiệu Tự Đức thứ 27, do có nhiều công lao nên Nguyễn Hữu Lập được nhà vua ban thưởng nghiên đá, ngân, tiền và bức trướng có thêu 4 chữ “Triệu dân lại chỉ” (muôn dân được nhờ cậy), lại được phụng họa 10 bài thơ ngự chế, vua phê “Học tráng tầm phụng” (trí tuệ vượt trội); rồi được cử giữ chức Tham biện Cơ mật vụ, Thương bạc sự vụ trong giao tiếp với người nước ngoài, thăng Hữu tham tri Binh bộ, sung Cơ mật viện đại thần.

Việc dân như việc nhà, dân đói như mình đói

Ngoài vai trò nhà khoa bảng, đại thần triều Nguyễn, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập còn là một danh sĩ có tài văn chương. Trong dịp được cử đi sứ nhà Thanh, trong vai trò Chánh sứ ông đã sáng tác tập thơ “Đi sứ” nổi tiếng. Một số cảnh đẹp đi qua, ông đã có bài văn, thơ mô tả, ngôn từ khoáng đạt, điêu luyện và đặc biệt thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, tiến bộ.

Vua Tự Đức dù rất tự phụ bởi tài văn chương, cũng phải chấp nhận để Nguyễn Hữu Lập “nhuận sắc” nhiều bài thơ của mình và duyệt các tờ trình của sứ giả nước ta đi sứ Trung Quốc về dâng lên nhà vua. Thám hoa Đặng Văn Kiều - một danh sĩ được giới sĩ phu đương thời ca ngợi là cây “đại bút, hùng văn” cũng thừa nhận “Nọa Phu là bạn học với tôi, sinh trước tôi vài tháng, nhưng tài năng văn chương thì hơn tôi nhiều”.

 Khu mộ cụ Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực - thân sinh Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập.

Khu mộ cụ Giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Dực - thân sinh Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập.

Nguyễn Hữu Lập là người cần mẫn vì việc nước, gần gũi với dân, sắc sảo trong đánh giá kẻ thực tài và nhận xét khách quan về người khác. Sau khi thi đỗ đại khoa, có thời gian ông được bổ dụng giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường. Ở đây, ông được mô tả trong văn bia là: “Gần gũi dân, xem việc dân như việc nhà, dân đói như mình đói, tự mình chăm lo cho dân. Trong một năm ông xét xử 9 vụ án tồn lại, khiến cho địa phương khởi sắc”.

Năm Ất Sửu, triều Tự Đức (1865) ông được cử làm độc quyển khoa thi Nhã sĩ (như khoa thi Hội, thi Đình) và giữ chức Tham biện các vụ. Cũng trong thời gian này triều đình đề cử Lê Văn Luyện làm Quản đạo Hà Tĩnh, ông tâu vua không nên, mà nên để Trần Văn Điển giữ chức này. Nhà vua đã bốn lần hỏi đi hỏi lại các triều thần, nhưng mọi người đều nhất trí chọn Lê Văn Luyện.

Sau khi được bổ dụng, quả nhiên Lê Văn Luyện mắc ngay một số khuyết điểm nghiêm trọng. Vì vậy, vua Tự Đức đã khen Nọa Phu có lời nói thẳng, vô tư, chân thật và thưởng cho ông một đồng tiền vàng, bốn đồng tiền bạc, đồng thời xử phạt những người đã đề cử.

Giới nghiên cứu lịch sử cho rằng, qua bài văn sách thi Đình cho đến thực tế thực hiện nhiệm vụ được triều đình nhà Nguyễn giao phó, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập đã thể hiện quan điểm đúng đắn, tiến bộ.

Đó là khi bọn thực dân Pháp đã đem quân đến nhất quyết thôn tính nước ta, thì trong ba kế sách “hòa, giữ và đánh” phải chọn kế sách “giữ và đánh”. Song tùy tình hình cụ thể, tương quan lực lượng để biết khi nào cần đánh, khi nào cần giữ, chứ không thể “hòa”. Bởi qua mấy lần hòa giải trước đó, kẻ địch luôn luôn giả dối, bội phản.

Tuy nhiên, vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn quá e sợ thực dân Pháp, và thực tế bởi sự chuẩn bị không kỹ lưỡng nên thường xuyên thua trận. Vì vậy mà triều đình nhà Nguyễn muốn chủ hòa để giảm bớt các tổn thất trong việc đối đầu trực tiếp. Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập đã đề xuất triều đình phải biết dựa vào sức mạnh của dân, cần xây dựng dân binh, thổ binh ở tất cả các địa phương miền xuôi lẫn miền núi.

Là người có tinh thần chủ chiến và canh tân đất nước, có lần ông đã tâu với nhà vua xin cho 50 cử nhân sang Pháp học tập, nhằm tiếp thu nền văn minh hiện đại, nhưng ngay cả đến hi vọng canh tân “hiểu kẻ địch để thắng kẻ địch” mà ông đề xuất cũng không được triều đình chấp nhận.

Theo nghiên cứu của giới nghiên cứu, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập là người có công biên chép và chú thích lại tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là bản Truyện Kiều chép tay cổ nhất của Việt Nam với nhiều chú giải cặn kẽ, tường minh. Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập qua đời tại kinh thành Huế, thọ 52 tuổi. Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nghị quyết chọn tên danh nhân Nguyễn Hữu Lập để đặt tên cho một tuyến phố tại TP Vinh.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-van-sach-thi-dinh-cua-vi-dai-khoa-hai-lan-do-dau-post710783.html