Bạn có đang mắc phải hội chứng ngán việc?

Dưới đây là cách nhận biết hội chứng ngán việc (boreout). Hội chứng này ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sự hài lòng trong công việc và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn.

Boreout xảy ra khi nhân viên cảm thấy không được thử thách, thiếu kích thích trí tuệ và phải đối mặt với sự nhàm chán kéo dài trong công việc. (Nguồn: Getty Images)

Boreout xảy ra khi nhân viên cảm thấy không được thử thách, thiếu kích thích trí tuệ và phải đối mặt với sự nhàm chán kéo dài trong công việc. (Nguồn: Getty Images)

Chúng ta thường nghe đến “ hội chứng burnout” do áp lực và mệt mỏi trong công việc, nhưng ít ai biết rằng còn một hiện tượng khác âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự hài lòng trong công việc của người lao động - đó là “boreout” (tạm dịch "hội chứng ngán việc')

Boreout là gì?

Boreout xảy ra khi nhân viên cảm thấy không được thử thách, thiếu kích thích trí tuệ và phải đối mặt với sự nhàm chán kéo dài trong công việc.

Nguyên nhân chủ yếu là do công việc thiếu ý nghĩa, lặp đi lặp lại, không phù hợp với kỹ năng hoặc giá trị cá nhân.

Theo nhà trị liệu tâm lý Joe Nucci, “Boreout giống như bạn dần biến mất khỏi cuộc sống công việc của mình, trong khi vẫn đều đặn đến văn phòng mỗi ngày.” Khái niệm này được giới thiệu chính thức vào năm 2007 trong cuốn sách của Peter Werder và Philippe Rothlin.

Nucci cho biết boreout bắt nguồn từ việc tiềm năng không được khai thác, cảm giác chán nản triền miên và mất phương hướng trong công việc. Khi công việc không còn mang lại sự kích thích về tinh thần, bạn có thể rơi vào trạng thái đau khổ thầm lặng: vẫn làm việc, nhưng không còn chút đam mê nào.

Boreout khác gì burnout?

Nếu burnout là sự kiệt quệ vì làm việc quá nhiều và quá căng thẳng, thì boreout là kiệt quệ vì không có gì để làm hoặc không có gì đáng để làm. Tuy nhiên, cả hai đều dẫn đến hậu quả tương tự: căng thẳng, trầm cảm, lo âu, kiệt sức và mất định hướng.

Dấu hiệu cho thấy bạn đang trải qua boreout

Dưới đây là 11 dấu hiệu phổ biến được các chuyên gia chỉ ra:

1. Thiếu hứng thú với nhiệm vụ công việc

Bạn cảm thấy chán nản, không có động lực, hoặc làm việc kiểu “có cũng được, không cũng chẳng sao.” Mọi thứ trở nên tẻ nhạt, đơn điệu và không còn mang lại cảm giác thỏa mãn như trước kia.

Giống như học sinh giỏi dễ chán nếu không được giao nhiệm vụ khó hơn, người tài năng trong công việc cũng dễ rơi vào boreout nếu thiếu thử thách.

 (Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

2. Giả vờ bận rộn

Bạn giả vờ làm việc để tránh bị chú ý, dù thực tế thì không làm gì cả. Bạn có thể ngồi trước máy tính, mở nhiều tab, hoặc đi lại trong văn phòng để tạo cảm giác đang “rất bận.”

3. Không thấy cơ hội thăng tiến

Bạn không nhìn thấy tương lai trong công việc hiện tại. Không có con đường phát triển, không có cơ hội được thăng chức hay chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn.

Bạn biết mình có thể làm được nhiều hơn, nhưng công việc hiện tại không cho phép bạn phát triển. Bạn bị kẹt trong một vòng lặp “ổn nhưng không ổn.

4. Dành thời gian làm việc cho những việc không liên quan

Bạn lướt mạng xã hội, xem video, đọc báo, hoặc làm việc vặt để giết thời gian. Bạn không có động lực hoàn thành công việc, và bất kỳ điều gì cũng trở nên hấp dẫn hơn nhiệm vụ hiện tại.

5. Mắc lỗi cẩu thả

Bạn không tập trung, dễ mắc lỗi nhỏ vì thiếu quan tâm đến chi tiết. Bạn có thể đến họp trễ, quên nhiệm vụ hoặc làm việc thiếu trách nhiệm. Sự thiếu gắn bó khiến chất lượng công việc giảm sút đáng kể.

6. Cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ cả ngày

Dù không làm việc quá sức, bạn vẫn thấy mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Bạn ngủ không ngon, ăn uống thất thường, không còn hứng thú chăm sóc bản thân.

7. Tự đặt nghi vấn về giá trị bản thân

Khi cảm thấy không được công nhận hoặc làm việc vô nghĩa, bạn bắt đầu hoài nghi giá trị của chính mình: “Liệu mình có đang đóng góp gì không?” “Công việc mình làm có ai quan tâm không?”

8. Chỉ làm vừa đủ để không bị sa thải

Bạn không cố gắng, không cống hiến. Mỗi ngày đi làm như một nghĩa vụ. Bạn chỉ làm đủ để không bị phàn nàn nhưng không chủ động, không sáng tạo, không nhiệt huyết.

9. Cảm thấy mắc kẹt trong công việc

Bạn muốn nghỉ việc nhưng không thể. Có thể vì lý do tài chính, sợ thất nghiệp, hoặc không chắc có lựa chọn nào tốt hơn. Cảm giác mắc kẹt khiến tâm trạng càng thêm nặng nề.

Một khảo sát từ Resume Now cho thấy 60% người lao động từng ở lại công việc họ muốn rời bỏ vì sợ hãi hoặc không chắc chắn về tương lai.

10. Tránh tương tác với đồng nghiệp

Bạn thu mình, hạn chế giao tiếp, thậm chí thấy phiền khi phải nói chuyện với người khác. Sự tách biệt khiến bạn càng thêm cô lập và cô đơn trong công việc.

11. Cảm giác trầm cảm hoặc mất định hướng

Bạn không thể chỉ ra cụ thể điều gì đang sai, nhưng cảm thấy chán nản, buông xuôi, và không còn động lực làm gì. Một số triệu chứng trùng lặp với trầm cảm: mất ngủ, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, mất kết nối với bản thân và xung quanh.

Chuyên gia trị liệu Sonnet Daymont cho biết nhiều khách hàng của bà bị boreout cũng có biểu hiện lo âu, ám ảnh, nghiện màn hình, hoặc bị kích hoạt sang chấn tâm lý (PTSD) nếu có tiền sử.

Làm thế nào để đối mặt với boreout?

Thừa nhận cảm xúc của mình: Boreout không có nghĩa bạn là người kém cỏi. Nó chỉ là dấu hiệu cho thấy công việc hiện tại không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển và ý nghĩa cá nhân.

Tìm giải pháp sáng tạo: Nếu có thể, hãy đề xuất các dự án mới, cải tiến quy trình làm việc, hoặc xin đảm nhận những nhiệm vụ mang tính thử thách hơn.

Giao tiếp với cấp trên: Thẳng thắn chia sẻ về mong muốn được thử sức và phát triển. Rất có thể quản lý của bạn cũng đang tìm cách giúp đội ngũ cải thiện hiệu suất và sự hài lòng.

Thay đổi môi trường làm việc: Nếu làm việc từ xa, hãy thử làm việc tại văn phòng vài ngày, hoặc cải tạo không gian làm việc tại nhà để tạo cảm hứng mới.

Đặt mục tiêu cho bản thân: Biến công việc thành một cuộc thi và theo dõi hiệu suất, đặt mục tiêu, thi đua với chính mình hoặc đồng nghiệp. Một phần thưởng nhỏ (như tách càphê cho người thắng) cũng có thể tăng động lực.

Tham gia các hoạt động khác: Tình nguyện làm dự án mới, hợp tác với nhóm khác, hoặc kết nối lại với đồng nghiệp có thể giúp bạn tìm lại sự gắn kết và hứng thú trong công việc.

Tự hỏi bản thân: Điều gì khiến bạn từng hứng thú với công việc này? Điều gì đang thiếu? Liệu vị trí hiện tại có thể thay đổi để phù hợp hơn không?

Boreout không ồn ào như burnout, nhưng âm thầm tàn phá tinh thần người lao động. Nếu bạn cảm thấy công việc trở nên vô nghĩa, nhàm chán và không còn thử thách, đừng phớt lờ. Hãy hành động sớm: nói chuyện, thay đổi, sáng tạo hoặc định hướng lại con đường sự nghiệp của mình./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ban-co-dang-mac-phai-hoi-chung-ngan-viec-post1051155.vnp