Bàn tay đằng sau các vụ mua bán quốc tịch
Dù chương trình hộ chiếu đầu tư của Malta bị tuyên bất hợp pháp, Christian Kälin vẫn tin rằng xu hướng mua quốc tịch sẽ tiếp tục lan rộng trên toàn cầu.
Từ thập niên 1980, các quốc đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương và Caribe đã bắt đầu cung cấp quốc tịch hoặc quyền cư trú cho người nước ngoài thông qua các khoản đầu tư trực tiếp.
Một trong những quốc gia đầu tiên triển khai mô hình nói trên là Saint Kitts & Nevis vào năm 1984, mở ra tiền lệ cho một ngành công nghiệp mới: Nhập cư thông qua đầu tư.
Luật sư người Thụy Sĩ Christian Kälin đã góp phần đưa ngành này từ vùng ngoại vi trở thành xu thế toàn cầu. Gia nhập công ty tư vấn Henley & Partners năm 1997, ông đã nhanh chóng giúp thương hiệu này định hình ngành công nghiệp bằng cách tiếp thị hộ chiếu Caribe cho giới siêu giàu, đồng thời mở rộng hoạt động ra hơn 40 quốc gia.
Từ công ty tư vấn đến đế chế bán quốc tịch
Kể từ năm 2006, công ty Henley đã cải tổ chương trình quốc tịch đầu tư của Saint Kitts, chuyển từ hình thức mua bất động sản sang đóng góp trực tiếp ít nhất 200.000 USD.
“Chúng tôi đã đưa Saint Kitts lên bản đồ toàn cầu”, ông Kälin nói.
Từ thành công tại Saint Kitts, Henley tiếp tục mở rộng sang Antigua, Saint Lucia và đặc biệt là Malta. Với sự hỗ trợ của Henley, chính phủ Malta năm 2013 đã phê duyệt chương trình đổi quốc tịch lấy 673.000 USD, kèm điều kiện mua hoặc thuê bất động sản.

Christian Kälin được xem là người đi đầu và đóng góp đáng kể cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp "hộ chiếu vàng". Ảnh: Financial Times.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chương trình cũng được công khai. Nhà báo điều tra người Malta, Matthew Caruana Galizia, cho biết: “Không ai ngờ được chính phủ lại thông qua một chương trình như vậy. Nó không có trong cương lĩnh tranh cử”.
Henley không chỉ cung cấp tư vấn mà còn xây dựng toàn bộ hệ thống vận hành cho chính phủ Malta. “Chúng tôi làm từ A đến Z, bao gồm cả mô tả công việc cho cán bộ nhà nước”, ông Kälin tiết lộ.
Theo số liệu của chính phủ Malta, Henley đã thu về hơn 61 triệu USD từ chương trình quốc tịch này trong giai đoạn 2015–2023. Công ty được nhận phí từ cả chính phủ lẫn người nộp đơn.
Sự thành công về mặt tài chính này đã khiến Henley trở thành thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực, thu hút cả các tổ chức tài chính lớn như HSBC. Nhiều cựu lãnh đạo HSBC sau đó gia nhập Henley ở những vị trí điều hành cấp cao.
Ngành công nghiệp gây tranh cãi
Hồi tháng 4, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) tuyên bố chương trình quốc tịch đầu tư của Malta vi phạm luật Liên minh châu Âu (EU), khi biến “quốc tịch thành một giao dịch thương mại”. Đây là đòn giáng mạnh vào Henley và ngành hộ chiếu vàng nói chung.
Bình luận về phán quyết, ông Kälin cho rằng đó là một “quyết định mang tính chính trị” và “chỉ ảnh hưởng trong phạm vi châu Âu”. Theo ông, trên bình diện toàn cầu, ngành "bán" hộ chiếu vẫn đang phát triển mạnh mẽ:
“Nếu châu Âu muốn đi lùi, cứ để họ đi lùi. Phần còn lại của thế giới đang tiến về phía trước”, ông Kälin nói.

Tòa án Công lý châu Âu đã phán định rằng chương trình đầu tư đổi quốc tịch của Malta là phạm luật EU. Ảnh: Reuters.
Công ty Henley cũng từng vướng cáo buộc can thiệp vào chính trị ở Caribe. Một báo cáo của Quốc hội Anh năm 2019 nêu rằng Kälin đã tài trợ chiến dịch tranh cử tại Saint Kitts năm 2010 để đổi lấy quyền triển khai chương trình quốc tịch.
Theo báo cáo, Henley đã sắp xếp để các nhà đầu tư tài trợ cho chiến dịch tranh cử, đổi lại công ty sẽ được độc quyền vận hành chương trình hộ chiếu. Tuy nhiên, Henley phủ nhận các cáo buộc, khẳng định “tất cả thông tin đó là sai lệch và mang động cơ chính trị”.
Bà Sarah Nicklin, người phát ngôn Henley, nói: “Chúng tôi luôn tuân thủ luật pháp tại mọi quốc gia nơi mình hoạt động”. Bà cũng nhấn mạnh rằng “chỉ cần xem lại mốc thời gian giữa các cuộc bầu cử và hợp đồng chính phủ sẽ thấy các cáo buộc là vô lý”.

Saint Kitts & Nevis là nơi công ty Henley đặt viên gạch đầu tiên cho đế chế bán "hộ chiếu vàng". Ảnh: Chính phủ Saint Kitts & Nevis.
Dù được xem là giải pháp tài chính cho những quốc gia đang gặp khó khăn, các chương trình đổi quốc tịch lấy đầu tư cũng bị nghi ngờ về hiệu quả lâu dài.
Nhà nghiên cứu Sarah Kunz thuộc Đại học Essex nhận định: “Tiền chủ yếu được dùng cho chi tiêu thường xuyên, trả nợ hoặc khắc phục thiên tai chứ không tạo ra tăng trưởng thực sự”.
Các chuyên gia cũng lo ngại việc thiếu kiểm soát và thẩm định người nộp đơn. Một điều tra của Financial Times ghi nhận ít nhất 16 cá nhân từng mua quốc tịch Malta dù thuộc diện "nhân vật chính trị có ảnh hưởng", vốn được xem là nhóm có rủi ro cao về tham nhũng.
“Đôi khi có những người được cấp quốc tịch mà không đáng được nhận. Họ lọt qua vòng kiểm tra, hoặc sau đó mới phát sinh vấn đề”, ông Kälin thừa nhận.
Dù vậy, ông vẫn tin rằng lợi ích mà các chương trình này mang lại là đáng kể: “Tôi rất tự hào vì đã góp phần cứu vãn nền kinh tế của một số quốc gia”.
Tổng giám đốc Juerg Steffen của Henley cho rằng chương trình hộ chiếu đầu tư giúp các gia đình giàu có giảm thiểu rủi ro chính trị và tài chính toàn cầu: “Càng tiếp cận được nhiều quốc gia, các gia đình càng ít bị ảnh hưởng bởi biến động”.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-tay-dang-sau-cac-vu-mua-ban-quoc-tich-post1553358.html