Bảng lương mới của giáo viên và nhiều chính sách hiệu lực từ tháng 1/2024
Từ tháng 1/2024, những giáo viên dạy học tại các trường dự bị đại học sẽ được tính lương, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới.
Các quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học; đánh giá, công nhận đơn vị học tập, quy định về chiến sĩ thi đua mới... là chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2024.
Sửa quy định xét chiến sĩ thi đua
Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực từ 1/1/2024 với nhiều điểm mới liên quan tới viên chức giành giáo dục. Theo đó, điều 23 về danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Luật mới quy định cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là những người đạt các tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.
Theo hướng dẫn này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Bảng lương giáo viên dự bị đại học mới
Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.
Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên dự bị đại học mỗi hạng.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học bao gồm: Giáo viên dự bị đại học hạng III - Mã số: V.07.07.19; giáo viên dự bị đại học hạng II - Mã số: V.07.07.18; giáo viên dự bị đại học hạng I - Mã số: V.07.07.17.
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng với Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Trẻ dân tộc học Tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 23/1, quy định việc dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Theo thông tư, việc dạy học Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục đích chuẩn bị tâm thế, hình thành các kĩ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói, đọc, viết. Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học.
Thông tư cũng quy định, tùy vào điều kiện ở từng địa phương, hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết sao cho phù hợp, hiệu quả.
Sở GD&ĐT các địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động tổ chức dạy học này theo quy định.
Xác định đơn vị cấp huyện, tỉnh
Thông tư 24 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ 26/1 tới quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh.
Thông tư được ban hành nhằm xác định đơn vị cấp huyện, tỉnh đạt mức đáp ứng mục tiêu học tập trong từng giai đoạn, lập kế hoạch cải tiến chất lượng của đơn vị. Công nhận “đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập.
Thông qua đó, nhằm đảm bảo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành “công dân học tập”, góp phần xây dựng “cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.