Bánh dày món quà vùng cao
Đến với mảnh đất vùng cao Bắc Yên, du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên nơi đây, mà còn được hòa mình với các lễ hội, phiên chợ vùng cao và thưởng thức món bánh dày, là ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Đối với đồng bào dân tộc Mông trong mâm cơm những ngày lễ, tết ngoài rượu, thịt, rau rừng đồ xôi, bánh dày là thứ không thể thiếu để dâng lên tổ tiên. Bánh dày không chỉ là món ăn truyền thống có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, còn là món ăn để đãi khách, làm quà biếu khi khách đến thăm nhà.
Chị Sồng Thị Mỷ, xã Tà Xùa, chia sẻ: Bánh dày của đồng bào dân tộc Mông làm rất công phu, để làm được những chiếc bánh dày thơm, dẻo cần chọn loại gạo nếp nương trắng, thơm, hạt to đều, khi đồ lên sẽ cho xôi dẻo. Gạo được vo, ngâm nước khoảng 6 - 8 tiếng, vớt ra để ráo, vào chõ để đồ. Sau khi đồ xôi từ 1 - 2 giờ, mang ra giã bánh ngay khi xôi còn nóng.
Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng. Giã bánh dày đòi hỏi nhiều sức lực, do đó, những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh. Khi giã bánh đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của đôi nam thanh niên khỏe mạnh, thông qua đó thấy được sự gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng.
Âm thanh rộn ràng của nhịp chày giã bánh càng làm cho không khí dịp lễ hội, chợ phiên hay ngày tết cổ truyền đồng bào dân tộc Mông như càng thêm vui và ấm cúng. Anh Mùa A Sênh, xã Tà Xùa, chia sẻ: Giã bánh dày phải nhanh, có kỹ thuật. Nếu giã không nhanh, không dứt khoát thì chày sẽ bị dính xôi, khó nhấc lên lại mất sức, xôi không mềm nhuyễn. Khi giã, lúc đầu giã nhẹ tay cho xôi quyện và dính; sau đó, phải dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, mịn, có thể đem làm bánh được, giã càng kỹ, bánh càng dẻo, ngon và để được lâu.
Khi bánh giã xong, những người phụ nữ Mông thường lấy trứng gà luộc lên, sau đó dùng lòng đỏ để xoa đều lên tay và lá gói để nặn và gói bánh không bị dính, cũng như tạo hương vị thơm của bánh. Điểm khác biệt của chiếc bánh dày người Mông so với các loại bánh khác, là bánh dày không hề có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Bánh dày có thể ăn ngay hoặc để nguội sau đó cắt thành miếng nhỏ rán lên hoặc nướng trên bếp than khoảng 5-10 phút, khi bánh phồng nhẹ, vỏ bánh vàng đều, bên trong mềm có mùi thơm đặc trưng của gạo nếp nương là được.
Thưởng thức chiếc bánh dày nóng hổi nướng trên than hồng trong tiết trời se lạnh, anh Bùi Văn Tú, du khách từ Hải Dương, chia sẻ: Thưởng thức bánh dày thấy vị ngọt từ gạo nếp nương, vị thơm từ lá… và cả tình nồng ấm từ sự đoàn kết của bà con nơi đây khi làm ra chiếc bánh dày. Chắc chắn tôi sẽ mua bánh dày làm quà, món quà dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao.
Bánh dày của người Mông, trước đây thường chỉ được giã trong các ngày lễ tết của dân tộc để mời khách quý, làm quà. Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm giã bánh dày và thưởng thức bánh, các tour du lịch, homestay cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm giã bánh dày.
Anh Phan Thanh Hùng, chủ Mây Homestay tại Tà Xùa, cho biết: Vào dịp cuối tuần hay các kỳ nghỉ lễ, chúng tôi có tổ chức các chương trình nghệ thuật và trình diễn làm bánh dày. Qua đó, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm, tham gia các công đoạn để làm ra chiếc bánh dày từ ngâm gạo, vo gạo, đồ xôi, giã và nặn bánh và thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm ra chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn.
Mỗi món ăn vùng cao chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Bánh dày góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của huyện vùng cao Bắc Yên, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo ấn tượng với du khách.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/banh-day-mon-qua-vung-cao-a7bCaRKSR.html