Bánh tét ba gói

Trời cuối đông, cơn gió thổi rít lạnh. Những cây chuối ngoài vườn phe phẩy những tàu lá rách te tua. Má tôi lo lắng tết đến rồi, lấy lá đâu mà gói bánh đây? Tôi muốn xua đi nỗi lo của má nên nói:

- Tết này, con đặt vài đòn bánh tét thắp nhang cho ba là được mà, gói cũng cực lắm! Con phải đi tìm củi để nấu nữa rồi thức cả đêm canh bánh.

Tưởng má yên tâm không ngờ bà nói:

- Khó mấy nhất định phải gói con à! Ba bây hổng chịu đâu vì đó là phong tục của người Việt. Gói bánh mới có không khí tết, hơn nữa hợp khẩu vị gia đình mình.

Má nói, tôi bỗng thấy nhớ ba làm sao! Vì ngày còn sống, tết năm nào, ba cũng tự tay gói bánh tét…

Ba tôi là thợ may. Ba có vóc người tầm thước, khuôn mặt chữ điền, tóc luôn chải hất mái để lộ vầng trán cao cùng đôi mắt đen sáng. Ngoài trừ các anh trai trong nhà, mấy chị em gái tôi không ai di truyền nét đẹp của ba. Nhưng đặc biệt ba thương chị em gái tôi nhiều hơn. Việc gì ba cũng đỡ đần cho má con tôi. Nhất là những ngày giáp tết là khoảng thời gian ông bận vô kể. Suốt ngày, tranh thủ may quần áo cho khách, có khi phải may cả đêm. Má tôi chỉ phụ đơm khuy nút, ủi rồi giao đồ. Nhà tôi đến bảy anh chị em nên ba may đồ tết mỗi người hai bộ thôi cũng đủ mệt. Dù bận nhưng đến ngày 30 tết, ba cũng cùng má con tôi gói bánh tét. Từ sáng sớm, má đã vo gạo nếp để cho ráo, trộn nước lá dứa cho nếp xanh và thơm. Tiếp theo má đãi vỏ đậu xanh nấu nhân. Song má cắt thịt ba chỉ ướp cho ngấm gia vị. Tôi ra vườn rọc lá chuối, đem phơi héo, lau sạch để má xếp lá cho từng cái bánh. Ba ngồi chẻ sợi lạt cho mỏng để cột bánh. Ba nói lạt mỏng dẻo chừng nào dễ cột bánh chừng đó nên chẻ lạt có thể xem là khâu đòi hỏi kỹ năng khéo tay và thạo việc nhất. Đôi tay ba khéo léo trên từng đường kim mũi chỉ cho khách hàng bao nhiêu thì thoăn thoắt mảnh mai trên từng nan lạt bấy nhiêu. Chuẩn bị đầy đủ, má trải chiếu ra sân, cả nhà cùng ngồi gói. Má nói lấy ba mấy chục năm rồi mà lúc nào ông cũng gói bánh còn bà chỉ cột dây lạt. Riêng tôi vắt nhân đậu xanh thành từng thỏi và thích nhất được nếm, nhấm nháp những miếng nhân dính vào tay hay còn dư. Nhân có vị mằn mặn, hơi ngòn ngọt, beo béo, thơm ngon đáo để. Cảm giác của tuổi thơ là đây.

Ba lấy lá đã xếp sẵn, trải ra đổ một chén nếp dài theo chiều lá, đặt thỏi nhân lên rồi xếp thịt ba chỉ, tiếp theo cho một chén nếp trải đều để lấp hết thịt và nhân. Ba gấp mép lá, cuộn tròn đòn bánh, cột chần trước một nuột lạt ở giữa đòn để giữ, sau đó gấp cột từng đầu lá. Lúc này, đến lượt má cột thêm nhiều nuột cho hoàn chỉnh đòn bánh. Nhìn thấy gói bánh đơn giản vậy nhưng phải thật khéo và chặt tay để đòn bánh tròn, đều, chắc khi nấu lên mới ngon, đẹp. Vì vậy má tôi vẫn không thể gói vừa ý và đạt yêu cầu của ba. Nên năm nào, ba tôi luôn đảm đang gói những chiếc bánh rất đều tay, chắc đẹp để thắp nhang cho tổ tiên, ông bà ba ngày Tết.

Một buổi sáng cuối đông, trời vẫn còn lạnh lắm. Tôi không thể nào quên được, ba bị đột quỵ, ra đi bỏ lại cả đàn con, người chưa kịp gói những chiếc bánh tét cuối cùng khi tết sắp về… Má như người bơi đuối giữa biển, không tìm thấy phao, thấy cọc… Nhưng rồi không có phao, không có cọc, trước sóng gió, má tôi vẫn phải bơi giữa dòng đời để nuôi đàn con khôn lớn.

Anh chị em tôi lớn lên, lần lượt có gia đình riêng của mình, song tết nào tôi cũng về phụ má gói bánh tét. Đến lượt tôi là người gói, vẫn má phụ cột dây. Mỗi lần gói, tôi lại nhớ đến ba, nhớ câu chuyện cổ tích “Bánh chưng bánh giày” mà người hay kể. Thậm chí khi ngồi canh lửa chờ bánh chín, ba cứ kể đi, kể lại tôi nghe mà thuộc lòng. Ba nói: Nếu ngày ấy, Lang Liêu không được thần báo mộng, không làm được hai thứ bánh chưng, bánh giầy thì chàng đã không được vua Hùng thứ sáu chọn làm người nối ngôi. Bởi vậy, ở đời không vì sơn hào hải vị mà quên đi gạo nếp nuôi sống con người. Bánh nào ngon đẹp đi nữa cũng không bằng bánh chưng, bánh tét thắp nhang cho tổ tiên, ông bà ngày tết. Miền Bắc thì hay gói bánh chưng, còn trong Nam mình thì gói bánh tét, chỉ khác nhau về hình thức vuông, dài nhưng đều cùng nguyên liệu nên ăn không có sự khác biệt, khác chăng là khẩu vị nêm nếm của mỗi nhà vì vậy người ta hay tự gói. Hơn nữa, nhà gói bánh chưng, bánh tét thì mới có không khí tết, không chỉ của riêng gia đình mình mà còn của làng xóm, đó mới là hồn quê... Ba nói mà tôi cứ ngỡ là thầy giáo dạy văn đang giảng bài cho học sinh vậy.

Ba tôi còn kể rất nhiều chuyện cổ tích, mỗi khi có sự việc liên quan như ăn dưa hấu ba lại kể “Sự tích quả dưa hấu”. Ba nói giống dưa này nguồn gốc của Mai An Tiêm con nuôi vua Hùng thứ 17 để lại, lưu truyền đến tận bây giờ. Ngày nay, con người có khoa học, tân tiến lai tạo ra biết bao giống dưa hấu thế nào đi nữa, đến tết người Việt Nam vẫn chưng giống dưa hấu của An Tiêm. Vỏ dưa có màu xanh thẫm, ruột dưa đỏ tươi, mọng cát, hạt đen mẩy, ăn ngọt thanh mát tận ruột gan...

Tôi xem ba như người bạn lớn để chia sẻ vui buồn, và là người thầy dạy văn với vốn kiến thức uyên thâm, sự trải nghiệm cuộc sống dày dặn. Khi có gia đình, tôi hiểu hơn sự vất vả của ba, má với đàn con như vậy. Vì chiến tranh và sự mưu sinh mà anh chị em tôi mỗi người được sinh ra một nơi trên khắp tỉnh Bình Phước này. Anh cả sinh ra ở Phước Long, hai chị ở Phú Riềng, chị Bình Long, anh kế thì Bình Dương, tôi và em gái ở Đồng Xoài... Hình dung mỗi lần chạy giặc, tản cư của ba má thôi cũng đủ hiểu cuộc sống khốn khó thế nào. Với nghề may bình dị, ba má đã bảo bọc, nuôi lớn anh chị em tôi...

Không khí chợ xuân rộn ràng, mọi người đang hối hả xuống phố mua sắm. Với mong muốn của má, tôi phải đi mua nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối, dây lạt gói bánh thôi. Để hương hồn của ba được vui. Hơn nữa, con nhà tôi đứa nào cũng mê bánh tét chiên nóng hổi ăn với dưa món. Nhất là tiết trời ba ngày tết, buổi sáng lành lạnh, man mát, ăn món này thì không gì sánh bằng. Bọn trẻ vừa ăn lại vừa nhắc đến ngoại, không quên để lên bàn thờ một đĩa thắp hương cho ông trước khi ăn vì các con tôi biết ông ngoại gói bánh khéo và rất thích ăn bánh tét ngày tết. Nghĩ đến các con hiếu thảo với ngoại lòng tôi rộn vui hơn bao giờ hết. Và có lẽ nơi xa khuất nẻo ba tôi cũng đang mỉm cười...

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Ngọc Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168533/banh-tet-ba-goi