Báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo; Dầu bốc hơi 3 tuần liền

Chỉ số S&P 500 gần như đi ngang vào thứ Sáu (07/06), chạm mức cao kỷ lục trong phiên, bất chấp báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi. Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm tuần thứ 3 liên tiếp, do lo ngại rằng nhu cầu có thể yếu đi ngay cả khi OPEC+ có kế hoạch tăng sản lượng.

Phố Wall đảo chiều giảm nhẹ

Kết phiên, chỉ số S&P 500 mất 0.11% xuống 5,346.99 điểm, sau khi đạt mức cao mọi thời đại vào đầu phiên. Chỉ số Dow Jones sụt 87 điểm xuống 38,798.99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.23% còn 17,133.13 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều tăng trong tuần. Dow Jones tiến 0.29%, S&P 500 thêm gần 1.32% và Nasdaq Composite cộng 2.38% trong tuần này.

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau áp lực vào đầu phiên sau báo cáo việc làm vào thứ Sáu. Thông tin đó đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 15 điểm cơ bản.

Cụ thể, báo cáo việc làm của Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 272,000 việc làm trong tháng 5, cao hơn so với dự báo 190,000 việc làm từ Dow Jones và mức tăng 175,000 việc làm hồi tháng 4/2024. Tiền lương trung bình mỗi giờ tăng 0.4% trong tháng trước và tăng 4.1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngay cả khi việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng lên mức 4%.

Nhà đầu tư đã hy vọng vào số liệu việc làm yếu kém vì mong rằng nó sẽ giúp Fed bật đèn xanh để hạ lãi suất vào cuối năm nay. Giờ đây, khi thị trường lao động tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi, Phố Wall dường như tập trung vào ý tưởng rằng nền kinh tế vẫn đủ mạnh để tiếp tục tăng trưởng mà không cần sự trợ giúp của lãi suất thấp hơn.

Báo cáo việc làm của Mỹ được công bố sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 06/06 đã hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, gây thêm áp lực cho Fed về khả năng nới lỏng chính sách. Fed sẽ đưa ra quyết định về lãi suất vào tuần tới sau cuộc họp chính sách ngày 11 - 12/06.

Cổ phiếu Nvidia giảm nhẹ vào thứ Sáu, nhưng vẫn tăng 10% trong tuần này. Cổ phiếu này đã đạt mức cao kỷ lục vào ngày 06/06 sau khi vượt mốc vốn hóa 3 ngàn tỷ USD lần đầu tiên vào hôm 05/06.

Dầu giảm 3 tuần liên tiếp

Dầu WTI và dầu Brent đã bị bán tháo vào đầu tuần này sau khi các thành viên OPEC+ thông báo sẽ bắt đầu loại bỏ dần việc cắt giảm sản lượng 2.2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 10/2024. Dữ liệu sản xuất và báo cáo việc làm khu vực tư nhân yếu kém của Mỹ cũng gây áp lực lên thị trường.

Giá dầu đã phục hồi trong 2 phiên vừa qua với hy vọng rằng lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy nhu cầu, nhưng cả 2 loại hợp đồng dầu thô vẫn giảm 2% trong tuần.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI giảm 3 xu xuống 75.53 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 25 xu còn 79.62 USD/thùng.

Việc tăng sản lượng của OPEC+ sẽ bắt đầu khi các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động để bảo trì vào mùa thu và sau đó tăng dần khi nhu cầu thường suy yếu khi bước vào mùa đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường dầu đã mô tả một cách bao quát hơn về đợt bán tháo trong tuần này là một phản ứng thái quá, lưu ý rằng việc tăng sản lượng của OPEC+ phải đến tháng 10/2024 mới bắt đầu. Trong khi đó, cân bằng dầu sẽ thắt chặt do việc cắt giảm vẫn được duy trì trong mùa hè cao điểm khi nhu cầu đi lại thường tăng, theo JPMorgan.

JPMorgan và Barclays cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu vẫn tương đối ổn định.

Các chuyên gia phân tích tại JPMorgan, Deutsche Bank và RBC Capital Markets cũng cho biết OPEC+ có thể sẽ tạm dừng mọi hoạt động tăng sản lượng nếu thị trường xấu đi nhiều và không thể hấp thụ thêm các thùng dầu bổ sung.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bao-cao-viec-lam-manh-hon-du-bao-dau-boc-hoi-3-tuan-lien-post114711.html