Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), có ý kiến đề nghị, cần đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để bảo đảm mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội. Các đề xuất điều chỉnh về đối tượng chịu thuế hay mức thuế suất đều phải bám sát nguyên lý 'thuế đưa ra là để điều tiết sản xuất và điều chỉnh hành vi tiêu dùng'.
Thuế phải định hướng được hành vi tiêu dùng
Theo Tờ trình của Chính phủ, tại sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu. Cụ thể, sẽ bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia; đưa mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống vào diện chịu thuế...
Đồng tình với nhiều đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh đối tượng chịu thuế, mức thuế suất tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhưng ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh nguyên lý, thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, môi trường và cộng đồng xã hội. Vì vậy, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải giúp thay đổi được hành vi tiêu dùng, còn nếu không thay đổi hành vi thì mục tiêu ban ban hành luật sẽ không đạt được.
Soi chiếu vào dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số phương án đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chưa hợp lý, trong đó đáng lưu ý là một số sản phẩm chưa thực sự là xa xỉ phẩm mà đang trở thành sản phẩm thiết yếu đã được đề xuất áp thuế. Ví dụ, mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 10% hay hơn thì người dân vẫn dùng điều hòa, không thay đổi hành vi, không thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. "Tức là, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gần như không có tác động. Do vậy, với những sản phẩm đã trở thành thiết yếu, không có sản phẩm khác để thay thế, không thể thay đổi hành vi tiêu dùng được thì không nên đưa vào là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.
Một đề xuất khác theo đại biểu cũng chưa hợp lý là việc áp thuế suất tiêu thụ đặc biệt với bia tương tự như với thuế suất với rượu nồng độ cao. Thực tế, việc áp dụng các mức thuế cao với rượu, bia hiện nay có nguyên nhân do tác hại từ nồng độ cồn của những mặt hàng này. Như vậy, những đồ uống có cồn nồng độ cao thì thuế phải cao, những đồ uống nồng độ cồn thấp thì thuế thấp hơn. Tuy nhiên, phương án được Chính phủ đề xuất lại xác định bia được áp dụng mức thuế suất tương đương với rượu nặng, dù đây là mặt hàng có nồng độ cồn thấp. Đại biểu cũng lưu ý, bia hiện không được xác định như một loại đồ uống gây nghiện mà đã trở thành đồ uống giải khát, có tác động chặt chẽ đến những ngành hàng dịch vụ như ăn uống, du lịch…
Dẫn nhận định về tác động của phương án được đề xuất từ Báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công Thương thực hiện cùng với nhóm của Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Tổng cục Thống kê vừa công bố, đại biểu đề nghị, cần xem xét lại việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia. “Cần điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng này, nhưng tỷ lệ tăng cao nhất phải là rượu mạnh, sau đó thấp hơn là rượu dưới 20 độ và thấp hơn nữa là với bia. Như vậy mới là điều chỉnh thuế suất hợp lý”, đại biểu nêu rõ.
Phải tạo sự công bằng, tránh ảnh hưởng đến những đối tượng nộp thuế
“Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ, không thiết yếu nhằm cân bằng và điều tiết sản xuất và tiêu dùng trên thị trường. Cùng với đó, hạn chế những loại hàng hóa cần hạn chế tiêu dùng, không có lợi cho nền kinh tế - xã hội nói chung, cũng như có hại cho sức khỏe, môi trường, gây lãng phí cho xã hội”. Nhấn mạnh quan điểm này, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng lưu ý, "việc đánh thuế cũng phải cân nhắc đến bảo đảm tính công bằng cho các đối tượng chịu thuế".
Với quan điểm trên, đại biểu tán thành việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Đồng thời, đề nghị cân nhắc phương pháp tính thuế phù hợp với mặt hàng thuốc lá bởi, tại Điều 9 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng áp mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá và tính bằng phương pháp tính thuế hỗn hợp.
Đại biểu nêu rõ, nếu tính theo phương pháp tuyệt đối thì dù giữa các gói thuốc lá hay giữa các điếu xì gà có mức giá bán khác nhau, nhưng đều sẽ chịu mức thuế tuyệt đối như nhau. Điều đó có nghĩa là, việc tính thuế theo mức tuyệt đối sẽ chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng chịu thuế và đối tượng nộp thuế.
Trong khi đó, với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, một gói thuốc lá có giá bán 10.000 đồng sẽ chịu mức thuế lên đến 275%, tức là sẽ tăng 175% so với mức thuế tương đối hiện đang áp dụng với mặt hàng thuốc lá hiện nay. Nhưng, nếu gói thuốc lá có giá bán 50.000 đồng thì giá tính thuế lại chỉ tăng 25% so với mức thuế hiện hành.
"Như vậy, cùng là thuốc lá, nếu đánh thuế theo phương pháp tuyệt đối thì có loại tăng đến 175% so với mức thuế suất hiện hành, có loại tăng 25%, chưa đảm bảo tính công bằng trong việc tính thuế". Do vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, tính thuế theo phương pháp thuế suất tương đối hiện nay là phương án phù hợp nhất. Nếu tính theo phương pháp tuyệt đối cộng với phương pháp hỗn hợp được Chính phủ đề xuất sẽ làm ảnh hưởng đến các đối tượng nộp thuế khác nhau.
Cũng cho ý kiến về mức thuế suất và phương pháp tính thuế với mặt hàng thuốc lá, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nhận thấy, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc (không phải cấm) và bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta đang áp dụng đồng thời các công cụ là thuế, chống mua bán thuốc lá bất hợp pháp, các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá (thông qua Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá).
Từ thực tế triển khai của 3 công cụ nêu trên, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta phải xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả từng công cụ, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Trong đó, với công cụ thuế, đại biểu đề nghị, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối ngay từ khi điều chỉnh lần này không nên đột ngột và mỗi lần tăng phải có khoảng cách thời gian ít nhất là 3 năm (như đã thực hiện trong giai đoạn trước đây), để doanh nghiệp kịp thời thích ứng và chuyển đổi sản xuất, cũng như tránh ảnh hưởng đến nông dân ở các vùng nguyên liệu.
Có thể thấy, qua phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới. Nhưng, theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là đạo luật thuế tác động rất lớn đối với người dân và doanh nghiệp, nên không thể biến thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ duy nhất, công cụ quan trọng nhất để giải quyết được những vấn đề liên quan đến sức khỏe, môi trường...
"Thực tế, chúng ta có nhiều công cụ khác để giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, nhưng nếu tăng thuế gấp quá, tăng sốc quá thì sẽ tác động ngay đối với doanh nghiệp và với môi trường kinh doanh, tác động ngay đối với những doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, phải rà soát, đánh giá tác động đối với môi trường kinh doanh và doanh nghiệp, bảo đảm sự hài hòa khi thiết kế những nội dung trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế với tinh thần đổi mới, hiệu quả và phù hợp thực tiễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường, thuốc lá, xăng, phương tiện vận tải, máy điều hòa nhiệt độ và một số hàng hóa khác. Từ ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để đảm bảo mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội, cũng như cần chú ý sử dụng các công khác để thực hiện mục tiêu đề ra.