Bảo đảm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN - KB) phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt hoạt động tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống trong khu vực, qua đó giúp người dân nâng cao đời sống, giảm áp lực lên tài nguyên rừng, cùng chung tay bảo vệ và phát triển rừng Di sản thiên nhiên thế giới.

Rừng trám của gia đình ông Bàn Văn Sơn, xã Kim Điền, được trồng theo dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực PN - KB - Ảnh: P.P
Tạo sinh kế cho dân để giữ rừng
Khu vực VQG PN - KB là địa bàn sinh sống của 2 DTTS: Chứt (gồm các tộc người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng) và Bru - Vân Kiều (gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì). Nhìn chung, đời sống của ĐBDTTS ở đây còn nhiều khó khăn, một số nơi thiếu đất sản xuất, sinh kế của đồng bào chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG PN - KB Đinh Huy Trí chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc vai trò của ĐBDTTS trong việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, cùng với sự quan tâm của tỉnh, những năm qua, Ban Quản lý VQG PN - KB phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, tạo sinh kế, cũng như xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống cho đồng bào. Bởi, chúng tôi hiểu rằng, sinh kế có bền vững, cuộc sống đồng bào được nâng cao, thì áp lực vào rừng càng giảm. Đó cũng là cách để bảo vệ và phát triển rừng Di sản thiên nhiên thế giới PN - KB tốt nhất”.
Ông Bàn Văn Sơn (dân tộc Thổ) ở xã Kim Điền được biết đến là một tấm gương sáng trong phong trào người DTTS làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, ông Sơn là một trong những người đi đầu trong thực hiện chương trình trồng rừng phát triển kinh tế của địa phương. Được sự hỗ trợ của dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực PN - KB, gia đình ông Sơn đã trồng một khu rừng trám và lim rộng hơn 6ha, phát triển tốt chẳng khác gì một khu rừng tự nhiên.
Cùng đó, từ năm 2022, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông Sơn đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Hóa Sơn (tên gọi theo xã cũ) cùng với các thành viên HTX (đa số là người DTTS) phát huy thế mạnh, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như mật ong, đậu lạc, trồng rừng bản địa theo hướng bền vững. Những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của HTX ngày càng được khách hàng tin dùng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.
Xã biên giới Thượng Trạch (được sáp nhập từ xã Thượng Trạch và Tân Trạch của huyện Bố Trạch cũ) là nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru - Vân Kiều) và Arem (dân tộc Chứt). Đây là xã vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN - KB (diện tích 1.095,78km2, dân số 3.615 người), có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ rừng ở PN - KB.
Để hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống bên trong rừng di sản, nhiều năm qua, Ban Quản lý VQG PN - KB đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư ở 9 bản trên địa bàn xã, với diện tích hơn 10 nghìn ha và sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ rừng để trả tiền công cho đồng bào.
Cách làm này vừa tạo ra thu nhập ổn định vừa gắn trách nhiệm của chính cộng đồng dân cư ĐBDTTS trong việc chung tay bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý VQG PN - KB cũng đã linh hoạt trong việc sử dụng lồng ghép các nguồn kinh phí hợp pháp khác để giúp xã Thượng Trạch xây dựng các công trình dân sinh phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh cho biết, so với trước thì hiện nay, tác động trái phép của ĐBDTTS trên địa bàn xã đến tài nguyên rừng được hạn chế ở mức tối đa. Có được kết quả này là nhờ Ban Quản lý VQG PN - KB đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ sinh kế cho đồng bào và chính bà con cũng nâng cao ý thức trong việc giữ rừng, chuyển từ việc khai thác tài nguyên rừng trái phép sang bảo vệ để hưởng lợi từ rừng di sản.
Ngày 13/7/2025, tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Paris, Pháp, UNESCO đã thông qua quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN - KB (Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn Quốc gia Hin Nam Nô (Khăm Muồn, Lào). Tên gọi của di sản liên biên giới Việt - Lào đầu tiên này là "VQG PN - KB và VQG Hin Nam Nô". Theo lãnh đạo Ban Quản lý VQG PN - KB, việc quản lý di sản liên biên giới đã được Việt Nam và Lào thống nhất từ nhiều năm với các hoạt động bảo vệ và thực thi pháp luật. Ở cấp VQG PN - KB và VQG Hin Nam Nô, cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ trong công tác bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt ĐBDTTS ở hai bên biên giới cùng tham gia bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng di sản.
Những giải pháp bền vững
Là Di sản thiên nhiên thế giới, VQG PN - KB được xác định là “trái tim” du lịch của tỉnh, là trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đã trở thành thương hiệu, PN-KB đang tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng...
Trong đó, các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa độc đáo của ĐBDTTS trong khu vực đang được xem là tiềm năng lớn, được VQG PN - KB và các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp tạo sinh kế bền vững nhất đối với ĐBDTTS khi họ trực tiếp được tham gia, được hưởng nguồn thu nhập cao từ các sản phẩm du lịch đó.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia - Ảnh: P.P
Khu vực PN - KB hiện có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của ĐBDTTS, đặc biệt là Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Đây là nét sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ma Coong.
Mỗi năm, lễ hội chỉ diễn ra một lần duy nhất vào đêm 16 tháng Giêng, để cúng Giàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là ngày dành cho những đôi trai gái gặp gỡ, hẹn hò, xây dựng gia đình.
Theo các chuyên gia, nếu được xây dựng, Lễ hội đập trống của người Ma Coong sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thu hút du khách, đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào. Hiện ở khu vực PN - KB đã có 1 sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa của các DTTS, thu hút sự quan tâm, khám phá của du khách, đó là sản phẩm du lịch “Trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Kim Phú”, 1 trong 10 tộc người “Bí ẩn nhất thế giới”.
Lãnh đạo VQG PN - KB cho biết, ngoài các hoạt động về du lịch, để tạo sinh kế bền vững cho ĐBDTTS trong khu vực, hiện nay, từ nguồn vốn của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA), đơn vị tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các thôn, bản nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế giúp người dân, đặc biệt là ĐBDTTS giảm nghèo bền vững.
Theo thỏa thuận ERPA, trên địa bàn VQG PN - KB có 40 cộng đồng dân cư (trong đó có các bản ở các xã vùng DTTS) thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng, được hưởng lợi từ nguồn thu này, qua đó góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng quốc gia. Việc hỗ trợ cộng đồng phát triển và huy động sự tham gia đầy đủ của cộng đồng địa phương cùng các bên liên quan khác trong việc bảo vệ bền vững tài nguyên rừng cũng là biện pháp để VQG PN - KB hướng đến Danh lục Xanh IUCN.