Báo động giao dịch chứng khoán bất hợp pháp tại Nhật Bản

Theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA), giao dịch từ các tài khoản chứng khoán bị chiếm quyền kiểm soát đã vượt 300 tỷ yen (khoảng 2 tỷ USD) trong bốn tháng đầu năm 2025.

Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này phản ánh sự gia tăng mạnh các vụ việc được cho là tin tặc đã thao túng giá cổ phiếu thông qua các tài khoản này.

Theo dữ liệu được công bố ngày 8/5, số vụ truy cập trái phép vào tài khoản của các cổ đông đã tăng vọt từ chỉ 65 vụ vào tháng Một lên 4.852 vụ vào tháng Tư. Tương tự, các giao dịch gian lận cũng tăng từ 39 vụ lên 2.746 vụ trong cùng khoảng thời gian.

Tổng cộng, đã có 6.380 vụ truy cập trái phép và 3.505 giao dịch gian lận từ tháng 1-4/2025, theo số liệu của FSA. Các giao dịch này bao gồm khoảng 161,2 tỷ yen bán trái phép và 143,7 tỷ yen mua trái phép.

FSA cảnh báo rằng các con số này chỉ là tạm thời và có khả năng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì có thể còn nhiều vụ việc chưa được báo cáo.

Trong nhiều trường hợp được báo cáo, trước tiên, tin tặc sẽ mua các cổ phiếu có quy mô nhỏ - hoặc các cổ phiếu có vốn hóa thị trường tương đối nhỏ cho bản thân.

Sau đó, chúng chiếm quyền kiểm soát các tài khoản của các nhà đầu tư độc lập thông qua phishing (lừa đảo qua email), phần mềm độc hại và các biện pháp bất hợp pháp khác. Tin tặc bán tất cả cổ phiếu mà chủ tài khoản sở hữu, rồi dùng số tiền thu được để mua cổ phiếu mà chúng đã mua trước đó nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Khi giá cổ phiếu tăng, tin tặc bán cổ phiếu của chúng để kiếm lời. Dấu hiệu của một tài khoản bị hack là danh mục đầu tư bao gồm các cổ phiếu trong nước hoặc nước ngoài mà chủ tài khoản không hề biết.

Các giao dịch bất hợp pháp như vậy đã dẫn đến một phản ứng quy định trên diện rộng và cam kết bồi thường từ các công ty chứng khoán lớn nhất quốc gia.

Mười công ty môi giới lớn - bao gồm SBI Securities, Rakuten Securities, Nomura Securities và SMBC Nikko Securities - đã đồng ý bồi thường cho khách hàng về các khoản lỗ liên quan đến giao dịch trái phép diễn ra từ tháng Một. Mức bồi thường sẽ khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân và chính sách của từng công ty.

Ngoài ra, mặc dù luật về công cụ tài chính và giao dịch thường cấm các công ty môi giới bồi hoàn thiệt hại của khách hàng, nhưng tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato - người đồng thời là Quốc vụ khanh phụ trách dịch vụ tài chính cho biết, ông đã chỉ đạo các công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp triệt để để xử lý thiệt hại từ các tài khoản bị hack.

FSA kêu gọi tất cả các nhà đầu tư trực tuyến cảnh giác, khuyên người dùng không nhấp vào các liên kết trong email hoặc tin nhắn dẫn đến các trang web môi giới - ngay cả khi chúng dường như đến từ nguồn đáng tin cậy - mà thay vào đó nên đánh dấu trang và truy cập trực tiếp vào các trang web đó.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng xác thực đa yếu tố, mật khẩu phức tạp và duy nhất, cũng như thường xuyên kiểm tra hoạt động tài khoản. Những người nghi ngờ thông tin đăng nhập của mình có thể đã bị lộ nên liên hệ ngay với công ty môi giới của họ và đặt lại thông tin đăng nhập, cơ quan này khuyến cáo.

Ngoài phishing, FSA cũng cảnh báo về các mối đe dọa gia tăng liên quan đến phần mềm độc hại có khả năng xâm nhập thiết bị và thu thập dữ liệu nhạy cảm. Việc duy trì hệ thống được cập nhật và sử dụng phần mềm diệt virus được coi là các biện pháp phòng vệ thiết yếu trước các vụ gian lận ngày càng tăng.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bao-dong-giao-dich-chung-khoan-bat-hop-phap-tai-nhat-ban/373043.html