Bảo hiểm phi nhân thọ 'gọt doanh thu, bồi lợi nhuận'
Trong khi 2 doanh nghiệp phi nhân thọ dẫn đầu ghi nhận doanh thu không tăng trưởng hoặc sụt giảm, các doanh nghiệp đứng sau trong Top 5 thị phần lại cho thấy sự bứt lên.
Tốp đầu phân hóa rõ nét
Báo tài chính quý I/2023 của Công ty cổ phần PVI (mã PVI) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.366 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 32,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 318 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn với 72%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt xấp xỉ 269 tỷ đồng, hoàn thành gần 34% kế hoạch năm.
Theo báo cáo, tuy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất quý đầu năm 2023 đạt 13,46%, cao hơn cùng kỳ (11,44%), nhưng doanh thu phí bảo hiểm gốc lại giảm, cho dù tính chung, tổng doanh thu của Bảo hiểm PVI (công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ) đạt 3.963 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 180,6 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 112,9% và 131,7% kế hoạch quý.
Theo ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, kết quả trên phản ánh đúng thực tế khi trong quý I/2023, doanh thu phí toàn thị trường phi nhân thọ tăng trưởng rất thấp. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) cho biết, kết quả kinh doanh quý I/2023 của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (công ty con hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ) không tăng trưởng, với tổng doanh thu đạt 2.973 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng, bám sát kế hoạch đề ra.
Khác với 2 cái tên dẫn đầu, các doanh nghiệp phi nhân thọ đứng sau trong Top 5 thị phần doanh thu lại cho thấy sự bứt lên. Đơn cử, tại Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã MIG), kết thúc quý I/2023, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.217 tỷ đồng, trong đó doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 937 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và lợi nhuận trước thuế đạt 88,5 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch năm.
Hay tại PJICO (mã PGI), tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc quý đầu năm nay đạt 1.040 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế ước đạt 64,3 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề đại hội đồng cổ đông mới đây, một số lãnh đạo doanh nghiệp phi nhân thọ cho biết, những lùm xùm trên thị trường nhân thọ tuy không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến khối này, nhưng cũng tác động đến niềm tin của người mua bảo hiểm nói chung. Một số khách hàng đòi hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe con người của doanh nghiệp phi nhân thọ (sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đa phần khá đơn giản, dễ hiểu và trong thời hạn ngắn, chứ không phức tạp và có thời hạn dài như khối nhân thọ) .
“Có khách hàng bày tỏ sự e ngại tái tục bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe…, nhưng sau khi được giải thích cặn kẽ quyền lợi thì đã bớt phân vân hơn. Trong bối cảnh niềm tin trên thị trường xuống thấp, chúng tôi đã chỉ đạo nhân viên tập trung chăm sóc khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong khâu tư vấn, giải thích cho khách hàng hiểu hơn về hợp đồng, quyền lợi sản phẩm đã mua, cũng như những lưu ý về việc chi trả bảo hiểm”, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp phi nhân thọ kể.
Khi các kênh phân phối truyền thống như đại lý, bán qua ngân hàng… gặp khó, những kênh mới như kênh số được nhắc tới nhiều hơn, cho dù doanh thu còn rất khiêm tốn.
Ông Phạm Anh Đức cho biết, Bảo hiểm PVI kỳ vọng doanh thu kênh số đến cuối năm 2023 hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 7-8% đề ra và hướng tới mục tiêu chiếm 10-15% tổng doanh thu trong 5 năm tới khi đã và đang đẩy mạnh bán bảo hiểm qua kênh thương mại điện tử với các đối tác thương mại, sàn điện tử lớn như Vietnam Airlines, MobiFone, Viettel, Thegioididong, Itochu, Momo, F88, Sendo... Ngoài ra, Bảo hiểm PVI cũng đã đưa Bảo hiểm PVI Digital đi vào hoạt động từ đầu năm nay, là đầu mối phát triển các kênh thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Về các dự án đầu tư công, ông Đức cho hay, hoạt động giải ngân đầu tư công chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông - vận tải. Đối với 25 gói thầu cao tốc Bắc - Nam, tỷ trọng do PVI thắng thầu chiếm khoảng 30%.
Còn PJICO thông tin, trong quý II/2023, Công ty sẽ đẩy nhanh việc triển khai các thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) nhằm nâng cấp kênh bán trực tuyến, từ đó nâng cao vị thế và sức cạnh tranh; thực hiện bồi thường online và tiến tới bồi thường tập trung qua hệ thống công nghệ thông tin để mang lại trải nghiệm thuận lợi nhất cho khách hàng.
Gọt doanh thu, bồi lợi nhuận
Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phi nhân thọ, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, hiện là lúc phải “gọt doanh thu, bồi lợi nhuận”, tức là không nên tiếp tục “thúc” tăng trưởng doanh thu, thay vào đó là tập trung hơn vào tăng trưởng lợi nhuận. Dẫu vậy, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng dám thực hiện ngay, bởi nếu giảm tăng trưởng doanh thu thì sẽ ảnh hưởng tới thị phần.
Tại đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần PVI mới đây, vấn đề suy giảm thứ hạng về thị phần (tính trên doanh thu) mảng bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cũng được cổ đông đề cập tới. Lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, đây là 2 mảng kinh doanh chiếm 60% thị phần mảng bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng hiện hiệu quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng nên Công ty chủ động điều chỉnh để giảm tỷ trọng.
Với PJICO, năm 2022, nhà bảo hiểm này đứng thứ 6 về thị phần doanh thu bảo hiểm gốc, nhưng xếp thứ 2 về tính hiệu quả, tỷ lệ kết hợp và tỷ lệ quỹ dự phòng dao động lớn/doanh thu bảo hiểm gốc. Tỷ lệ kết hợp của PJICO năm qua đạt 92%, quỹ dự phòng dao động lớn là 363 tỷ đồng. Trong quý II/2023, PJICO tiếp tục tập trung triển khai các nhóm giải pháp kinh doanh trên cơ sở định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.
Ông Đinh Như Tuynh, Phó tổng giám đốc thường trực MIC cho biết, với tốc độ tăng trưởng của quý I/2023, Công ty tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2023, MIC đặt mục tiêu khá tham vọng là lọt vào Top 4 thị phần với doanh thu bảo hiểm tăng trưởng tối thiểu 17%, lợi nhuận tăng trưởng 75% (đạt 350 tỷ đồng) và chi trả cổ tức 10%.
Tại Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI), sau khi lỗ nặng do bán bảo hiểm Covid vào năm ngoái, hiện “ông chủ” mới bắt đầu tái cấu trúc doanh nghiệp bằng các giải pháp táo bạo như điều chỉnh các kênh truyền thống, kiên quyết nói không với phát triển “nóng", giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết…
Mới đây, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện đúng quy định pháp luật về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.
Theo đó, các doanh nghiệp cần thiết lập, triển khai hệ thống quản trị rủi ro nhằm xác định, đo lường, đánh giá, báo cáo và kiểm soát một cách hiệu quả các rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tổ chức quản trị rủi ro với 3 tuyến bảo vệ độc lập tại các bộ phận nghiệp vụ, bộ phận quản trị rủi ro, bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán tuân thủ và các bộ phận kiểm soát khác.
Ngoài ra, cần nhận dạng các rủi ro trọng yếu như rủi ro bảo hiểm, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro đối tác (bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro gian lận), rủi ro thanh khoản và các rủi ro khác.
Đồng thời, cần theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động; lập các báo cáo nội bộ về theo dõi rủi ro và gửi đến các cá nhân, bộ phận có liên quan…
Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về đầu tư tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trong đó nhấn mạnh, doanh nghiệp không được đầu tư quá 30% nguồn vốn vào các công ty trong cùng một nhóm có quan hệ sở hữu lẫn nhau; không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ gửi tiền tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng.