Bảo tồn làng cổ - không hề dễ dàng

Làng cổ Đông Sơn thật đẹp nhờ những giá trị được lưu giữ. Nhưng có một thực tế, cảnh quê làng cổ và những giá trị riêng có của ngôi làng ven bờ sông Mã xứ Thanh đang phải chịu không ít áp lực bởi tốc độ đô thị hóa. Bảo tồn trong sự phát triển vẫn là câu chuyện không hề giản đơn.

Với mong muốn được bảo tồn, nhưng do chưa được đưa vào danh mục công nhận di tích nên nhiều ngôi nhà gỗ ở làng cổ Đông Sơn, trong đó có nhà bà Lê Thị Túc ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Với mong muốn được bảo tồn, nhưng do chưa được đưa vào danh mục công nhận di tích nên nhiều ngôi nhà gỗ ở làng cổ Đông Sơn, trong đó có nhà bà Lê Thị Túc ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Được “đặc cách” giữ nguyên là làng, thay vì hầu hết các địa phương đều thực hiện việc quản lý nhà nước theo thôn/bản, làng cổ Đông Sơn là địa điểm phát hiện ra di chỉ nền văn hóa Đông Sơn, tên làng được đặt tên cho một nền văn hóa mang tầm thế giới... Từ niềm tự hào đó, người dân làng cổ Đông Sơn đã nỗ lực giữ gìn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh.

Trong niềm tự hào đó, họ đã xác định đây là tài sản của cha ông, của chính bản thân, và con cháu. Bởi thế, theo lời chia sẻ của ông Lương Thế Tập: Bố tôi (ông Lương Trọng Duệ), khi còn sống đã nghiên cứu, tìm hiểu cách bảo tồn, trùng tu sao cho ngôi nhà giữ hình dáng nguyên bản nhất. Đến đời tôi, từ khi còn công tác tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, có điều kiện đi nhiều nơi để tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm từ các ngôi làng cổ khác, tôi đã vận dụng những điều rút ra được trong việc bảo tồn, nâng cấp ngôi nhà mà vẫn giữ được nguyên gốc. Năm 2013, tôi mua thêm 150m2 đất của nhà hàng xóm liền kề để mở rộng, cải tạo khuôn viên xung quanh cho đồng bộ trong một chỉnh thể gắn với ngôi nhà, xây dựng thêm hai nhà ngang để làm nơi tiếp khách và trưng bày hiện vật.

Để ngôi nhà lưu giữ đầy đủ những hiện vật trong quá khứ và thêm dấu ấn hiện tại, ông Tập sưu tầm một số tư liệu, hiện vật thời xưa, từ đồ đồng, đồ đá, các vật dụng, dụng cụ nông nghiệp... về trưng bày. Trong đó dành riêng một gian trưng bày các hiện vật gắn với cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ cầu Hàm Rồng như: vỏ những quả đạn pháo, vỏ bom, kẻng, bình tông đựng nước, hòm đạn, mũ rơm...

Trường hợp ông Lương Thế Tập chỉ là một cá thể trong làng cổ Đông Sơn. Ông Nguyễn Văn Cành, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận làng Đông Sơn khẳng định: “Dù sống ngay giữa đô thị phát triển, song người dân trong làng vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn những nếp nhà cổ, những con ngõ cổ, những thiết chế văn hóa - tín ngưỡng như: chùa, đình, đền, miếu, ao...”.

Nếu hiểu làng cổ là tài sản của người dân thì để bảo tồn làng cổ phải đặt người dân ở vị trí trung tâm. Làm thế nào để làng cổ thực sự trở thành nơi “đáng sống”, cụ thể hơn là dung hòa giữa lợi ích của người dân, áp lực giữa phát triển kinh tế - xã hội đô thị với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống?

So với các di tích khác, làng cổ Đông Sơn là một di tích sống, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, việc bảo tồn phải mang tính “động” và linh hoạt. Trong khi số lượng người dân liên tục biến động theo cấp độ gia tăng, thì không gian văn hóa, sinh hoạt của làng, của từng gia đình lại cố định. Trong số 12 ngôi nhà gỗ cổ đã được kiểm kê, trừ ngôi nhà của ông Lương Trọng Duệ có tuổi đời 200 năm còn khá nguyên vẹn được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thì một vài gia đình sở dĩ còn giữ tương đối nguyên vẹn ngôi nhà gỗ vì đời sống quá khó khăn, chưa có điều kiện để phá đi xây nhà mới. Nhìn căn nhà lụp xụp của bà Lê Thị Túc ở ngõ Trí với 3 thế hệ (9 người) cùng sinh sống, đủ để hiểu sự chật chội và vất vả.

Để giải quyết vấn đề này, theo Tiến sĩ Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho biết: “Cần phải có một sự chuyển cư, “san bọng” của các hộ gia đình ở làng Đông Sơn. Một gia đình 3-4 thế hệ đồng đường là không phù hợp, buộc họ phải cơi nới, và cơi nới thì phải cải tạo. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh cũng như thành phố phải tìm quỹ đất để giãn dân nhằm giảm mật độ dân cư trong làng cổ. Tuy nhiên, việc di dân cũng phải làm khoa học, vẫn phải giữ lại người dân để bảo tồn nhịp sống bản địa, văn hóa làng - thứ mà nếu mất đi thì làng chỉ còn là cái xác vô hồn. Sẽ không có du khách nào muốn đến một làng cổ mà không còn cuộc sống, không còn người dân bản địa”.

Với con mắt của Kiến trúc sư Trần Phi Điệp, Giám đốc Công ty Kiến trúc Trần Gia thì: Cần phải có một quy hoạch tổng thể chứ không đơn thuần chỉ tập trung vào mấy con ngõ cổ, mấy nhà cổ... Trước đây, phong cách kiến trúc nhà gỗ ở làng Đông Sơn có những đặc trưng riêng, đó là kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, cấu kiện vuông, đòn tay đặt trên dong... Giờ đây làng cổ nhưng lại có không ít ngôi nhà biệt thự kiểu mới, tân cổ điển Địa Trung Hải... Để bảo tồn làng cổ cần nhiều điều kiện, trong đó cần phải có cơ chế hỗ trợ thiết thực”.

Về phía lãnh đạo phường Hàm Rồng, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng chia sẻ: Hiện tại chưa có nguồn kinh phí nào hỗ trợ để chúng tôi thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Đông Sơn. Vì thế, thực hiện các chủ trương của thành phố, UBND phường có trách nhiệm tuyên truyền và động viên các hộ dân không sửa chữa, cải tạo, phá vỡ cảnh quan, không gian chung của làng...

Động viên chỉ là biểu hiện về mặt tinh thần. Để quản lý được việc xây dựng, sửa chữa nhà cổ, cần hơn hết là các quy định, giải pháp hỗ trợ, sự quan tâm về mặt vật chất của các cấp chính quyền. Cụ thể, với những ngôi nhà có tuổi đời trên dưới 100 năm thì hầu như cấu kiện đều bị xuống cấp. “Cần ổn định cuộc sống, các hộ có nhà gỗ cổ đã “chủ động” sửa sang, thay vì xin phép cơ quan chức năng. Nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy hầu hết các gia đình ở làng này đã phải thay ngói mũi, ngói vẩy, ngói tia, ngói liệt bị hư hỏng... bằng ngói tây, hoặc lợp tôn; nền nhà không còn lát bằng loại gạch đất chỉ, thay vào đó là gạch men hoa... Nếu còn chậm trễ trong quản lý, hỗ trợ, đầu tư... thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau”, ông Nguyễn Văn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn khẳng định.

Nhìn thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng cổ Đông Sơn, những năm qua, nhiều văn bản, quyết định đã được ban hành như: Quyết định số 396/QĐ ngày 5/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong đó có làng cổ Đông Sơn; Điểm di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn, phường Hàm Rồng nằm trong làng cổ Đông Sơn được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch theo Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 12/2/2019. Đặc biệt, kể từ khi TP Thanh Hóa công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn, với 14 tour du lịch khởi hành từ làng cổ Đông Sơn liên kết với các tuyến, điểm du lịch của thành phố và vùng phụ cận; hằng năm hội làng Đông Sơn tổ chức tại đền Đức Thánh Cả; tết xưa làng cổ... đã tạo những chuyển biến về nhận thức của chính người dân trong làng, đồng thời lan tỏa, thu hút khách đến với làng cổ.

So với “danh xưng” 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, lượng du khách đến với làng cổ Đông Sơn còn khá khiêm tốn. Lý giải về lượng du khách thấp, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa đã dẫn ra những khó khăn còn tồn tại như: Mâu thuẫn giữa việc gìn giữ kiến trúc ngôi nhà cổ cũng như không gian ngôi nhà với nhu cầu về diện tích ở tăng lên; Các hộ gia đình cải tạo, sửa chữa, xây mới chưa đảm bảo phong cách kiến trúc làm ảnh hưởng đến không gian chung; Kinh phí tổ chức bảo tồn các ngôi nhà cổ còn rất hạn chế; Sản phẩm du lịch chưa phong phú đa dạng; Công tác tuyên truyền quảng bá về làng cổ Đông Sơn còn hạn chế.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của người làm di sản, lo lắng về việc bảo tồn và phát triển du lịch của làng cổ, GS.TS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã từng đánh giá: “... Làng cổ Đông Sơn không còn sự hấp dẫn, bởi vậy chúng ta phải tìm ra cách hồi sinh như thế nào cho có văn hóa, có khoa học để hấp dẫn du khách”.

Những lo lắng, trăn trở ấy suy cho cùng đều hướng tới mục tiêu bảo tồn làng cổ Đông Sơn. Bởi, để xây mới một ngôi làng không khó, nhưng để giữ được một ngôi làng cổ quả thật chẳng dễ dàng. Thay vì đủng đỉnh chờ cách giải tối ưu, thiết nghĩ cần sớm có một quy hoạch tổng thể về làng cổ Đông Sơn, trong đó có việc đưa những ngôi nhà gỗ đã được đề xuất vào danh mục công nhận và có những biện pháp bảo tồn.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-lang-co-nbsp-khong-he-de-dang-31319.htm