Bảo tồn, phát huy giá trị hát Trống quân Khánh Hà

Hiện nay, thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội, là một trong rất ít địa phương ở Hà Nội còn lưu giữ nghệ thuật dân gian hát trống quân.

Một tiết mục tại Đại hội khóa I CLB hát Trống quân xã Khánh Hà. Ảnh: Tô Quý

Một tiết mục tại Đại hội khóa I CLB hát Trống quân xã Khánh Hà. Ảnh: Tô Quý

Hát trống quân là một hình thức hát dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt sản xuất của cư dân nông nghiệp, thường được tổ chức vào dịp lễ Tết, hội làng; từ xa xưa, người hát trống quân được diễn xướng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, như lúc đi cấy hái, hay những khi nông nhàn… với hình thức thể hiện như: hát gọi, hát đố, hát họa, hát đối đáp…

Tên gọi trống quân có nhiều cách giải thích nhưng cách giải thích được nhiều người đồng tình là nhiều khi hát làn điệu này cần dùng đến trống nên gọi là hát trống quân. Hát trống quân có nhiều chặng, nhưng chỉ sử dụng một làn điệu âm nhạc khá giản đơn chân chất với nội dung ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, hỏi han tình duyên. Chính vì thế có thể xem hát trống quân thuộc thể loại ca hát giao duyên.

Theo các nghệ nhân cho biết, hát trống quân Khánh Hà là điệu hát đặc sắc có từ thời vua Lê Lợi. Hai nhóm hát đối đáp nhau (bên nam, bên nữ). Mỗi nhóm hát có từ 5 đến 7 người. Bên này đưa ra những câu hát về chủ đề nào đó (thiên nhiên, cây cỏ, tình cảm lứa đôi…) thì bên kia đối đáp lại.

Cứ hát qua hát lại đến khi có bên không đối lại được bên kia thì sẽ thua. Cũng có cuộc hát đến nửa đêm vẫn không phân định được thắng thua, người hát chia tay để tối sau hát tiếp. Nét đặc biệt của điệu hát trống quân Khánh Hà là lề lối hát được người hát tuân thủ chặt chẽ ở các chặng: chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình và chặng hát hẹn giã biệt.

Là nét văn hóa đẹp như vậy nhưng cũng như nhiều loại hình văn hóa dân gian khác, do nhiều nguyên nhân, hát trống quân Khánh Hà cũng có một thời gian dài bị gián đoạn.

Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2007 xã Khánh Hà đã thành lập Câu lạc hộ (CLB) hát trống quân Khánh Hà, tập hợp những người am hiểu về hát trống quân, từ đó tìm kiếm, sưu tầm lời bài hát cổ, với trên 200 lời hát cổ trống quân. Tính đến nay, CLB hát trống quân xã Khánh Hà đã trải qua 16 năm hoạt động, với 45 hội viên hạt nhân gồm các nghệ nhân và những người yêu thích làn điệu trống quân; CLB đã truyền dạy 17 lớp cho trên 300 lượt người với đủ lứa tuổi khác nhau.

Tham gia các hội diễn, hội thi do TP và huyện tổ chức, CLB đã đạt nhiều giải cao. Năm 2019, xã Khánh Hà có 5 cá nhân được Nhà nước truy tặng và phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. CLB hát trống quân Khánh Hà đã được UBND TP Hà Nội tặng 2 bằng khen.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị của hát trống quân, vừa qua, CLB hát trống quân Khánh Hà đã tổ chức Đại hội khóa I, bầu Ban chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà gồm 8 thành viên.

Ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà được bầu là Chủ nhiệm CLB. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu việc CLB hát trống quân xã Khánh Hà có thêm những điều kiện thuận lợi để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị và truyền lại cho thế hệ mai sau làn điệu cổ hát trống quân - loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể độc đáo tại địa phương.

Được biết, mục tiêu trong giai đoạn 2023-2028, CLB đã đặt ra: kết nạp nâng tổng số 60 hội viên; 100% các thôn có tổ, nhóm hát trống quân; tiếp tục sưu tầm, biên soạn tài liệu lịch sử và bài hát trống quân cổ; truyền, dạy hát trống quân cho 200 người; tham gia hội thi, hội diễn trên địa bàn huyện Thường Tín và tại TP Hà Nội để tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật hát trống quân xã Khánh Hà…

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Bôn chia sẻ: “Ngày xưa, chúng tôi không bao giờ dám nói câu anh yêu em. Yêu nhau chỉ để trong lòng và đưa tình cảm vào lời hát để nói với nhau. Ngày nay, xã hội phát triển, không còn quan niệm khắt khe như trước nữa, nên hát trống quân không còn mang ý nghĩa bày tỏ tình cảm mà chỉ đơn giản là một cách để giải trí. Không chỉ người lớn đam mê hát trống quân. Hiện nay, ở làng Đan Nhiễm, nhiều các em nhỏ cũng tranh thủ lúc cuối tuần rảnh rỗi để học loại hình âm nhạc này”.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//bao-ton-phat-huy-gia-tri-hat-trong-quan-khanh-ha-358478.html