Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Còn nhiều câu hỏi lớn
Sự hiện diện của Di tích Lam Kinh với những công trình kiến trúc nghệ thuật hết sức độc đáo, giàu giá trị đã trở thành một biểu tượng của văn hóa thời Lê, góp phần làm phong phú, đặc sắc hơn cho văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Lam Kinh được xem là vấn đề quan trọng đặt ra cho hậu thế.
Các tòa thái miếu đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo.
Lam Sơn là “đất căn bản làng vua”. Nơi đây, không chỉ là quê hương của vua Lê Thái tổ, mà sau khi lên ngôi hoàng đế ở Đông Đô, năm 1430, nhà vua cho đổi tên Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh. Kế nghiệp vua Lê Thái tổ, các triều vua thời Lê Sơ đã cho xây dựng Lam Kinh dần trở nên quy mô, bề thế. Theo nhiều tài liệu ghi chép thì “kinh đô tưởng niệm” nhà Hậu Lê là một trung tâm thờ tự các vua và hoàng thái hậu vào loại lớn nhất, tiêu biểu trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, có thời gian dài khu miếu điện, lăng mộ Lam Kinh gần như đã trở thành phế tích. Mãi đến năm 1962, Di tích lịch sử Lam Kinh mới được xếp hạng là di tích quốc gia và đưa vào quy hoạch để bảo vệ. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh, làm cơ sở cho việc bảo tồn và khôi phục lại Di tích Lam Kinh như ngày nay. Việc khôi phục được nghiên cứu kỹ lưỡng, căn cứ vào các tư liệu, dấu tích còn lại và kết quả từ các đợt khai quật khảo cổ học. Đến nay nhiều hạng mục công trình đã được tôn tạo, nổi bật trong đó là tòa chính điện; các khu lăng mộ vua và hoàng thái hậu; các tòa miếu; sân rồng, nghi môn; cầu Bạch, đền thờ vua Lê Thái tổ; đền thờ Lê Lai...
Với những giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa cùng sự độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật, năm 2012, Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27-9-2012). Đây là một dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị trường tồn của di tích. Đồng thời cũng là trọng trách của hậu thế trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Sau khi được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử Lam Kinh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đã xây dựng đề cương Dự án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu di tích Lam Kinh”. Công tác quản lý khai thác di tích được gắn với việc bảo tồn di tích, do đó việc quản lý, bảo vệ và tu bổ các di tích gốc luôn được quan tâm. Cùng với đó, Di tích lịch sử Lam Kinh được xác định là một trong những khu du lịch trọng điểm trong quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh. Do đó, bên cạnh những yếu tố gốc, nhiều hạng mục, công trình như cảnh quan môi trường, giao thông, hệ thống phòng trưng bày hiện vật, giới thiệu di tích, hệ thống điện, internet, biển báo, hệ thống thuyết minh tự động... đã và đang được đầu tư đồng bộ.
Đặc biệt, gần đây Di tích lịch sử Lam Kinh đã được đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại góp phần bảo vệ di tích. Hiện nay, tại khu vực đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc) đã được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy, báo cháy và phun nước tự động. Tại chính điện Lam Kinh đã được đầu tư hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn, bơm nước chữa cháy hiện đại, hệ thống điện được bố trí an toàn, khoa học, hệ thống máy phát điện công suất lớn tự động đóng, ngắt luôn duy trì có điện cho khu vực chính điện để đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Điều này đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Bởi lẽ, trong lịch sử đã ghi nhận không ít lần các công trình kiến trúc gỗ tại Di tích lịch sử Lam Kinh đã bị cháy, như, năm 2013, đã xảy ra vụ cháy tại đền Trung Túc Vương Lê Lai.
Tầm vóc của Di tích lịch sử Lam Kinh vốn có, cùng với những đổi thay hướng đến tính chuyên nghiệp, hiện đại cho thấy Lam Kinh đã và đang được quan tâm. Tuy nhiên, Di tích lịch sử Lam Kinh có diện tích lớn hơn, các công trình kiến trúc phần lớn bằng gỗ dễ chịu tác động xấu của thời tiết và thời gian. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc gỗ ấy nằm trong rừng đặc dụng di tích Lam Kinh; giáp ranh liền kề đất sản xuất nông, lâm nghiệp của Nhân dân nên nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực. Những điều này, đòi hỏi công tác bảo vệ và phát triển di tích không chỉ cần nguồn nhân lực lớn am hiểu văn hóa, lịch sử, giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, mà còn phải có nguồn kinh phí lớn để ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, nguồn nhân lực kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lam Kinh, cho biết: Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao, ngoài sự quan tâm của tỉnh, di tích cần tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân. Muốn làm được điều đó, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội cần nêu cao trách nhiệm, sự trân quý và tôn trọng các giá trị lịch sử, yếu tố gốc của di sản. Đối với Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh sẽ luôn chú trọng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của các di sản, các yếu tố văn hóa truyền thống đến cộng đồng bằng nhiều hình thức.