Bảo vật được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm ở Gia Lai

Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm vừa được ra mắt công chúng tại lễ khai mạc không gian trưng bày 'Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai'.

UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức khai mạc không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời với chủ đề "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai". Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” sẽ diễn ra trong 1 năm, từ 5/12/2023 đến 31/12/2024.

Không gian trưng bày gồm hàng ngàn cổ vật, hiện vật trong bộ sưu tập hơn 30 ngàn hiện vật của Nhà sưu tập Đặng Minh Tâm với các nhóm chủ đề chính như: Công cụ dệt; các loại nỏ săn bắn, các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, sưu tập ghè, chóe cổ, trống da trâu… và các hiện vật khác trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên.

 Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm

Chiếc ghế được làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm

Tất cả đã mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng thể về các tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, trong không gian trưng bày, triển lãm lần này có bảo vật - chiếc ghế làm từ xương voi trắng có niên đại 700 năm và sưu tập dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng vô cùng độc đáo.

Theo tìm hiểu, chiếc ghế này được làm từ nhiều khúc xương voi trắng to lớn, kết hợp bằng dây thừng tạo vẻ bề thế, uy nghi. Trong lịch sử, đối với Tây Nguyên và nhiều nước Đông Nam Á, voi trắng là món quà từ thiên nhiên cực kỳ quý hiếm, được quan niệm mang tới uy quyền, may mắn và thịnh vượng.

Ông Đặng Minh Tâm, chủ chiếc ghế độc đáo, cho biết: "Ghế được làm bằng xương voi trắng cao hơn một mét, được sưu tầm trong 5 năm ở Đăk Lăk. Ngày xưa, người dân săn bắt voi rừng để làm sức kéo, sản xuất, chở người và hàng hóa. Các nhóm thợ săn không săn bắt voi mẹ, chỉ săn bắt voi con, voi đực".

 Khung dệt được triễn lãm tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku

Khung dệt được triễn lãm tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku

Triển lãm nhằm triển khai hiệu quả Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Thông qua trưng bày cũng giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cùng với các hoạt động, sự kiện khác của tỉnh, Không gian trưng bày sẽ tạo điểm đến thu hút khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại TP Pleiku.

 Những chiếc trống làm từ da voi khoảng 800 năm của người Mơ Nông cũng thu hút khách tham quan

Những chiếc trống làm từ da voi khoảng 800 năm của người Mơ Nông cũng thu hút khách tham quan

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Thông qua hoạt động triễn lãm lần này sẽ giúp cho du khách, người dân trong tỉnh được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Qua hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh, thế hệ trẻ sẽ được trang bị kiến thức về di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên bằng những hoạt động ngoài sách vở”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn không gian trưng bày như một bảo tàng mở phục vụ hoàn toàn miễn phí, để người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu các hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc TâyNguyên, cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ hiện vật, góp phần vào hoạt động bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách và Nhân dân khi đến với không gian Tây Nguyên ngay giữa lòng Phố núi Pleiku.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-vat-duoc-lam-tu-xuong-voi-trang-co-nien-dai-700-nam-o-gia-lai-post275458.html