Bất chấp thương chiến, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

Ngoài ra, thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm của Trung Quốc đạt gần 586 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ 2024...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo tháng tháng 6 vừa qua, nhờ tăng trưởng tốt của hoạt động xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ và thỏa thuận hòa hoãn thuế quan tạm thời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp hạn chế bớt đà giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này trong tháng 6 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 5% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Kim ngạch nhập khẩu tăng 1,1%, không đạt dự báo tăng 1,3%, nhưng đánh dấu tháng tăng đầu tiên từ đầu năm tới nay, đảo ngược xu hướng giảm liên tục trước đó trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc ảm đạm.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm là 11,6% trong tháng 6, nhưng tốc độ giảm này đã chậm lại so với cú giảm 34% của tháng 5, nhờ Bắc Kinh và Washington nhất trí giảm thuế đối ứng cho nhau về 10% trong vòng 90 ngày. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 15,5% trong tháng 6, cũng chậm lại so với mức giảm 18% của tháng 5.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tăng mạnh, ghi nhận mức tăng tương ứng đạt 16,8% và 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ hai khu vực này gần như đi ngang, chỉ tăng tương ứng 0,08% và 0,41%.

Trong nửa đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái còn nhập khẩu tăng 3,9% - dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này cho thấy. Thặng dư thương mại 6 tháng đầu năm đạt gần 586 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ 2024.

Dù các dữ liệu thương mại 6 tháng đầu năm của Trung Quốc được đánh giá là khả quan, các nhà kinh tế dự báo đà tăng trưởng xuất khẩu của nước này có thể sẽ suy yếu trong thời gian tới do sự bấp bênh gia tăng xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ với Trung Quốc.

“Thuế quan có thể tiếp tục ở mức cao và các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đứng trước những trở ngại ngày càng lớn trong việc mở rộng thị trường trên toàn cầu một cách nhanh chóng thông qua giảm mạnh giá bán hàng hóa”, nhà kinh tế Zichun Huang của công ty Capital Economics nhận định trong một báo cáo ngày 14/7.

Theo ông Wang, sự phục hồi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 có thể do cơ sở so sánh thấp, còn thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung đã giúp hồi phục một phần nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ, dẫn tới xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm chậm lại.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được cải thiện sau cuộc gặp hai ngày giữa các nhà đàm phán thương mại cấp cao của hai nước tại London vào tháng trước. Trong cuộc gặp đó, Trung Quốc và Mỹ đã đi đến được thỏa thuận khung để thực hiện sự đồng thuận đã đạt được trước đó trong vòng đàm phán hồi tháng 5 tại Thụy Sĩ. Bắc Kinh đã đồng ý nối lại việc xuất khẩu đất hiếm, và đổi lại Washington nới lỏng một số hạn chế xuất khẩu đối đối với khí ethane, phần mềm thiết kế chip và linh kiện động cơ phản lực.

Trong tháng 6, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.742 tấn, và tăng 32% so với tháng 5, báo hiệu những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực hiện lời hứa khi thời hạn 12/8 đang đến gần. Đây là thời hạn để Trung Quốc và Mỹ đạt được một thỏa thuận bền vững. Tuy nhiên, nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng hơn 10% trong tháng 6 lên 9,7 triệu tấn, bất chấp các biện pháp bảo hộ thương mại của nhiều quốc gia gồm Mỹ và các nước EU nhằm ứng phó với tình trạng dư thừa công suất thép của Trung Quốc. Tổng xuất khẩu thép trong quý 2 của Trung Quốc đã tăng lên 30,7 triệu tấn, mức cao kỷ lục - theo dữ liệu của Wind Information.

“Xuất khẩu mạnh giúp bù đắp lại một phần tình trạng yếu kém của nhu cầu trong nước, và có thể sẽ giúp duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc ở mức mục tiêu 5% của Chính phủ trong quý 2”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty Pinpoint Asset Management nhận xét.

Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu GDP quý 3 vào ngày 15/7. Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 5,1% trong quý vừa qua, chậm lại so với mức tăng 5,4% của quý 1.

Theo ông Zhang, triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa sau của năm nay còn thiếu rõ ràng, vì lượng đơn hàng xuất khẩu có thể sẽ sụt giảm sau những tháng được đẩy mạnh. Thực tế này có thể đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu trong nước để bảo vệ tăng trưởng khỏi tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-chap-thuong-chien-xuat-khau-cua-trung-quoc-tang-truong-vuot-du-bao.htm