'Bắt tay' vào việc ngay sau Tết, tạo xung lực mới cho sản xuất và xuất khẩu

Bộ trưởng Công Thương đề nghị các địa phương tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA, thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch đã được Thủ tướng thông qua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên họp với các địa phương và đơn vị về hoạt động sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên họp với các địa phương và đơn vị về hoạt động sản xuất công nghiệp, thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/2, tại Hà Nội, đại diện các địa phương thông tin đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giúp bình ổn thị trường cũng như hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Khởi sắc ngay từ quý đầu năm

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết đơn vị đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, giá cả đảm bảo, chỉ một số mặt hàng biến động nhẹ từ 5-10% song dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý Thị trường đã giám sát chặt chẽ không để thiếu hàng, gây sốt giá. Cùng đó là đảm bảo đầy đủ xăng dầu trên địa bàn, không đơn vị nào ngừng bán hàng. Từ ngày mùng 2 Tết, các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đã mở cửa bán hàng trở lại, do vậy hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định.

Đáng chú ý, ông Hà Vũ Sơn cho biết ngày 15/2, Công ty Trung An đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Malaysia. Ngoài ra, một doanh nghiệp khác cũng nhận được đơn hàng của Hàn Quốc đến hết năm 2024.

“Thời gian tới, Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn bắt tay ngay vào công việc sau Tết Nguyên đán, tiếp tục theo dõi và kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…, đảm bảo cung-cầu hàng hóa cũng như xuất khẩu gạo,” ông Hà Vũ Sơn nói.

Tương tự, với thành phố Hải phòng, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết với sự chuẩn bị từ sớm, nguồn cung hàng Tết của địa phương được đảm bảo tốt, đặc biệt không để xảy ra thiếu xăng dầu, điện trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã làm việc và cấp trên 30 chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đi một số nước như ASEAN, Hàn Quốc, Nam Phi. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với doanh nghiệp thống nhất giờ mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân, từ trưa mùng 1 Tết đã mở cửa các siêu thị, kết hợp khuyến mại, giảm giá, qua đó góp phần bình ổn thị trường.

“Hải Phòng đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị và phối hợp các bộ, ngành tham mưu, tháo gỡ vướng mắc khi triển khai thực hiện quy hoạch điện 8, điện gió ngoài khơi, điện rác, nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn,” ông Thành nêu ý kiến.

Còn theo ông Nguyễn Đình Đạt, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn trước Tết Nguyên đán diễn ra sôi động; trong đó chủ yếu là hàng nông sản, trái cây, song không có hiện tượng ùn ứ hàng hóa.

 Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, việc thông quan giữa Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) chỉ nghỉ từ ngày mùng 1-4 Tết Nguyên đán, từ 5-8 thông quan đối với các đơn vị có hợp đồng và từ ngày 18/2 các cửa khẩu trở lại thông quan bình thường.

Để triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục đánh giá nhu cầu thị trường để có giải pháp kịp thời đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn chủ động các kế hoạch để không để đứt gãy nguồn cung, cũng như trao đổi với phía bạn để thúc đẩy thông quan hàng hóa.

Không để thiếu hụt điện, xăng dầu

Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay trong tháng 1/2024, điện sản xuất của EVN cao hơn 3,9% so với Kế hoạch của Bộ Công Thương phê duyệt; điện thương phẩm tăng 15,23%, trong đó điện cho công nghiệp tăng trở lại ở mức 9,39%, điện sinh hoạt tăng 22,02%.

Thống kê trong 10 ngày Tết (tính đến 14/2), điện thương phẩm tăng hơn 10%, trong đó ngày 29 Tết và ngày mùng 4 Tết tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung ứng điện thời gian tới, ông Lâm thông tin thêm nhiều dự án trọng điểm như: Thủy điện Yaly mở rộng, Hòa Bình mở rộng phấn đấu phát điện theo đúng kế hoạch, còn các dự án điện trọng điểm khác cũng được triển khai thực hiện tốt...

“EVN bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công Thương, phối hợp với chủ đầu tư để đảm bảo cung ứng điện thời gian tới,” ông Võ Quang Lâm cho hay.

 Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin về tình hình cung ứng điện dịp Tết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin về tình hình cung ứng điện dịp Tết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện EVN cũng kiến nghị các địa phương tuyên truyền các khách hàng lớn, phối hợp với EVN để tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện; kiến nghị các tập đoàn khác để đảm bảo cung cấp đủ than, khí phục vụ việc phát điện.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay để chuẩn bị cho dịp Tết, trong tháng 1/2024, Petrolimex đã tăng nhập khẩu 10% bình quân hạn ngạch tối thiểu được Bộ Công Thương giao.

Xác định nhu cầu tăng cao dịp lễ, Tết, những ngày đầu tháng 2/2024, tập đoàn đã tăng cường nhập hàng và đạt được gần 50% chỉ trong 10 ngày đầu tháng 2. Đặc biệt, sau chuyến làm việc của Bộ trưởng Công Thương sát Tết Nguyên đán, Petrolimex tăng lượng hàng nhập thêm (gồm cả xăng và dầu diesel) với khối lượng khoảng 80.000 m3, nhằm tăng khả năng dự phòng khi nhu cầu tăng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Đại diện Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mà Bộ trưởng chỉ đạo nhằm thay thế các nghị định cũ đã ban hành (Nghị định 83/CP, Nghị định 80/CP và Nghị định 95/CP), bởi đây là nghị định có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối, giúp doanh nghiệp có định hướng có thể tổ chức hoạt động sản xuất-kinh doanh. Song song đó, đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hiện trạng, điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối… từ đó lành mạnh hóa thị trường kinh doanh xăng dầu.

"Cần tiếp tục kiểm tra, rà soát hạn ngạch tối thiểu mà Bộ Công Thương giao để các thương nhân thực hiện nghiêm chỉ đạo, không chỉ đảm bảo nguồn hàng trong năm 2024 mà cho từng quý,” ông Năm nêu ý kiến thêm.

Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp ngay từ những tháng đầu, quý đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian trước, trong và sau Tết nguồn cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu trên cả nước được triển khai rất tốt, hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, hàng Việt chiếm thị rất phần lớn trong sức mua của người tiêu dùng, thương hiệu hàng Việt ngày càng được khẳng định.

Đặc biệt, việc cung ứng điện, xăng dầu cho sản xuất và đời sống của người dân được đảm bảo, không xảy ra tình trạng đứt gãy. Tình hình sản xuất công nghiệp khởi sắc trên phạm vi cả nước khởi sắc, thị trường trong nước phát triển rất mạnh, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu đạt được kết quả nổi bật…

Về tình hình nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

“Trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, nếu chúng ta vận dụng kịp thời, triển khai quyết liệt hiệu quả tại các địa phương sẽ tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương, đồng thời cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây là cơ sở rất tốt để các địa phương cất cánh,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 Các đại biểu thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh dịp Tết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các đại biểu thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh dịp Tết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ trưởng lưu ý các địa phương chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung; tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA), cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Cùng với đó, ông Diên yêu cầu các đơn vị đề xuất để đưa ra các cơ chế chính sách tạo đột phá, giải phóng nguồn lực trong xã hội, giải phóng nguồn lực các địa phương. Khuyến khích, hình thành, phát triển các doanh nghiệp đủ mạnh, dẫn dắt tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bat-tay-vao-viec-ngay-sau-tet-tao-xung-luc-moi-cho-san-xuat-va-xuat-khau-post928051.vnp