Báu vật của bà con đồng bào dưới chân dãy Giăng Màn

Rừng là chốn linh thiêng, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dưới chân dãy núi Giăng Màn (Quảng Bình). Họ luôn trân quý và tự hào về những cây rừng cổ thụ bao đời gìn giữ trong đó có cây bằng lăng hàng trăm năm tuổi.

Xã Lâm Hóa nằm phía Tây của huyện miền núi biên giới Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hơn 50% cư dân nơi đây là bà con đồng bào Mã Liềng (dân tộc Chứt) và Bru – Vân Kiều sinh sống dưới chân dãy núi Giăng Màn. Đây là một trong những khu vực bắt nguồn của dòng sông Gianh.

Một góc bản Kè, xã Lâm Hóa.

Một góc bản Kè, xã Lâm Hóa.

Như cái tên của mình, hơn 93% diện tích của xã Lâm Hóa là rừng. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nương, ngô, sắn, trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ và khai thác lâm sản phụ. Bà con nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt và lễ hội.

Một số hoạt động đặc sắc như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng rừng, Lễ trưởng thành... Cùng với đó là nhiều bài múa, hát truyền thống được diễn xướng cùng khèn, đàn môi, đàn ống...

Với đồng bào Bru – Vân Kiều và Chứt, rừng không chỉ là không gian sống, mà còn là trái tim của văn hóa, tín ngưỡng và bản sắc cộng đồng. Họ cư ngụ dưới tán rừng, dùng sản vật của rừng để nuôi sống gia đình. Rừng được xem là nơi ngự trị của thần linh, tổ tiên. Vì vậy, trong tâm thức của đồng bào nơi đây, việc bảo vệ rừng luôn được xem trọng.

Cây bằng lăng cổ thụ nằm bên con đường vào bản Kè.

Cây bằng lăng cổ thụ nằm bên con đường vào bản Kè.

Người dân tại bản Kè, xã Lâm Hóa vẫn tự hào giới thiệu với du khách về những khu rừng bạt ngàn mà họ đã gìn giữ bao đời nay. Trong đó có nhiều cây rừng cổ thụ quý hiếm, được xem là báu vật của vùng đất này. Tiêu biểu là cây bằng lăng hàng trăm năm tuổi đang khoe sắc giữa màu xanh của đại ngàn.

Bà Cao Thị Vân, Trưởng bản Kè, cho biết từ lúc bà sinh ra đã thấy cây bằng lăng sừng sững bên con đường vào bản. Cây đã đồng hành cùng sự hình thành và phát triển của bản làng.

Đồng bào dân tộc nơi đây cho rằng những cây cổ thụ là nơi thần rừng trú ngụ nên họ luôn quý trọng và bảo vệ. Ngoài cây bằng lăng này, còn có nhiều cây cổ thụ khác cũng không bị chặt phá hay xâm hại.

Cây bằng lăng cổ thụ có đường kính khá lớn.

Cây bằng lăng cổ thụ có đường kính khá lớn.

Cây bằng lăng ở bản Kè cao khoảng 40m, đường kính gốc khoảng 2m, cành lá sum suê. Cây có tán rộng, các nhánh tỏa ra bốn phía. Cứ đến đầu hè, cây nở hoa tạo nên vẻ đẹp lãng mạn giữa núi rừng. Cây được ví như một bó hoa khổng lồ cắm giữa rừng cây xanh mát.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế, trong hành trình tìm hiểu đời sống và văn hóa của đồng bào cũng có dịp thưởng thức vẻ đẹp của bằng lăng rừng. Cư dân nơi đây luôn tự hào khi được du khách hỏi thăm về cây bằng lăng cổ thụ.

"Từ du khách nước ngoài đến người Việt, ai đến đây cũng đều ngắm nhìn, khen ngợi vẻ đẹp và sự uy nghi của cây bằng lăng cổ thụ này", Trưởng bản Kè chia sẻ.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế, trong hành trình tìm hiểu đời sống và văn hóa của đồng bào cũng có dịp thưởng thức vẻ đẹp cây bằng lăng rừng.

Nhiều du khách trong nước và quốc tế, trong hành trình tìm hiểu đời sống và văn hóa của đồng bào cũng có dịp thưởng thức vẻ đẹp cây bằng lăng rừng.

Ông Đinh Văn Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa cho biết, địa phương có kế hoạch xây dựng bản Kè thành bản văn hóa kiểu mẫu, định hướng trở thành một điểm du lịch cộng đồng trong tương lai.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, xã cũng đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Với vẻ đẹp và ý nghĩa sâu sắc, cây bằng lăng cổ thụ ở bản Kè đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống cộng đồng, là điểm nhấn quan trọng đối với du khách khi đặt chân đến mảnh đất này.

Viễn Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bau-vat-cua-ba-con-dong-bao-duoi-chan-day-giang-man-172250512155428053.htm