Bây giờ mùa hạ sen nở nốt

Những ngày này, lạc vào dọc đường ven hồ Tây phía Nhật Tân, Quảng An (Hà Nội) như lạc vào chốn thần tiên. Những đầm sen bát ngát đẹp quên lối về, thơm đến mức rung động từng tế bào khứu giác.

Sen hồng. Ảnh: Việt Khánh.

Sen hồng. Ảnh: Việt Khánh.

Càng về chiều, sen càng lộng lẫy, chuẩn thứ sen Tây Hồ đẹp khác hẳn sen các vùng khác. Trên đầm sen hồ Đầu Đông, thân sen vươn cao, lá sen to tới mức kinh ngạc và nụ sen hồng to múp tròn căng (sen hồ Tây tuyệt nhiên không phải là loại bông nhọn dài như vẫn bán đầy đường), nếu là những bông đã nở thì xòe to hết cỡ, cánh dày và thơm ngào ngạt.

Sen Tây Hồ mấy năm qua đã được bảo tồn, đang được chăm lo gìn giữ nhân rộng. Đây là việc đáng kể mà chúng ta đã làm được cho Hà Nội trong những năm qua. Sen được trồng theo quy trình chất lượng cao trên diện tích 7,5 ha tại hồ Đầu Đồng, hồ Thủy Sứ (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân).

Ngoài ra sen đang được phủ kín tại khoảng gần 20 hồ lớn nhỏ xung quanh hồ Tây, thậm chí đã nhìn thấy ở một góc nhỏ ven hồ Tây, sen cũng đã được trồng.

Đi dọc những đầm sen những ngày này, thấy đang rộn ràng cho không khí hướng tới Lễ hội Sen Hà Nội tại không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ. Trong khuôn khổ lễ hội lần này cũng sẽ diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ.

Tôi có những buổi ngồi mê mải xem cách người ta tách gạo từ bông sen, nhiều bông lắm mới đủ mang hạt gạo đẫm hương sen ấy đi ướp trà, rồi mới đến công đoạn sấy. Cầu kỳ công phu nên những cân trà sen Tây Hồ nghe bảo bán tới giá nhiều triệu đồng.

Nhìn những người phụ nữ ngồi tách sen, chợt dâng lên ý nghĩ, họ có lẽ là những người hạnh phúc và đẹp đẽ nhất thế gian, cơ thể và tóc cả ngày ướp trong hương sen, thật không có thứ nước hoa nào trên đời sánh được.

Thời buổi hiện đại khiến người ta nghĩ ra một kiểu ướp trà sen nhanh, nhiều và rẻ, kiểu làm trà xổi. Là tách bông sen ra nhồi trà vào rồi buộc lạt, để qua đêm rồi đem hút chân không, bảo quản lạnh để uống dần. Cũng thơm nhưng không thể sánh được với trà sen ướp sen kiểu truyền thống. Nhưng nó đáp ứng nhu cầu của con người hiện đại.

Đầm sen đẹp nhất là khi nào?

Người ta hay nói đến mỗi sáng sớm, ngắm đầm sen lúc bình minh còn đẫm sương đêm. Hồ Tây lúc ấy như sương như khói, thơm một cách thanh tân. Hít căng lồng ngực mùi hương của đất của trời vô cùng thanh cao để lấy năng lượng cho một ngày mới, cho nhiều ngày mới.

Người ta cũng hay nói đến mỗi buổi chiều tà, hồ Tây ánh lên màu hoàng hôn rực rỡ, đầm sen thẫm dần và từ từ dâng lên thứ hương thứ sắc cuối ngày rất nồng nàn.

Với những người đi chụp ảnh ở đầm sen, thì lại phải chọn lúc mặt trời đã lên rạng rỡ, váy áo xốn xang, sen và người đều mang sự tròn đầy, viên mãn.

Nhưng còn có những thời khắc để ngắm sen, thú vị vô cùng. Là lúc bất chợt cơn mưa mùa hạ. Mưa lộp độp trên lá sen, thấm thía tận cùng cái cảm giác nước trôi tuột đi, không đọng gì trên lá.

Bỗng nhớ câu thơ "Trường huyện" của thi nhân Nguyễn Bính: “Đội đầu chung một lá sen tơ”. Mưa khiến đầm sen bỗng như thức giấc, mưa ở đầm sen cũng điệu đàng, lãng mạn. Ngồi trong quán trà dựng tạm ven hồ, uống ngụm trà sen, ăn kẹo lạc và ngắm hồ sen dưới mưa. Tưởng cũng không còn gì lãng mạn hơn.

Hiếm có thứ cây trái nào không bao giờ nhìn thấy xấu như sen, từ lúc thân sen nhú lên khỏi mặt nước đến khi đầm sen tàn, lúc nào cũng đẹp. Sen nở đẹp lộng lẫy đã đành, sen tàn cũng mang một vẻ đẹp lộng lẫy của sự tàn phai.

Mùa sen trôi qua rất nhanh, đầy tiếc nuối, khi nào vào mùa sen cuối hạ, nhìn những đóa sen lụi tàn thấm thía bước giác ngộ của Đức Phật khi Ngài nhìn sen nhận ra cái hữu hạn đời người liền buông thế sự, trở thành bậc đại trí.

Đạo Phật lấy hoa sen làm biểu tượng: sống trong bùn nhơ vẫn thanh sạch và nở những đóa tinh khôi nhất. Đó là điều căn cốt của người tu hành. Tôi có người bạn sống ở Huế ăn chay trường nhiều năm, dành nhiều thời gian chỉ để viết về sen, để chụp ảnh sen, trong sự thấm nhuần tư tưởng Phật giáo.

Sen có nhiều nơi trong cả nước, đầm sen Đồng Tháp Mười, sen Huế, sen Hà Nam, sen Hưng Yên… Không biết và không nên so sánh xem hoa nơi nào đẹp hơn, hạt sen nơi nào bở hơn, ngon hơn. Nhưng chỉ biết rằng sen hồ Tây đem đến cho người ta cảm xúc khác biệt.

Bây giờ ở hồ Tây cũng đã bắt đầu thấy xen kẽ thứ sen trắng, bạch liên, chứ vốn gốc nơi này chỉ có sen hồng, thứ sen bách diệp mỗi bông 100 cánh. Có lẽ, bùn đất hồ Tây đặc biệt vốn bắt nguồn từ phù sa sông Hồng, đã nuôi dưỡng những đầm sen, loài sen hồ Tây đặc biệt, khác biệt, đáng tự hào của người Hà Nội.

Sen không phải chỉ đẹp, từ củ sen, lá sen, hoa sen hay hạt sen đều trở thành thức thực phẩm ngon, bổ và hữu ích. Sen hồ Tây bây giờ đã được công nhận sở hữu trí tuệ.

Sen hồ Tây trong nhiều năm chịu thách thức khủng khiếp của cơn lốc đô thị hóa. Sen chiến đấu với sự lấn dần của nhà biệt thự, nhà chung cư khi vùng đất Quảng An, Nhật Tân tấc đất tấc vàng. Thật mừng khi hiện nay sen đang được coi trọng trở lại, trồng lại và cố giữ lại cho sen những phần ao đầm vốn còn lại cực kỳ ít ỏi.

Mong rằng sau Lễ hội Sen Hà Nội năm nay, đóa sen hồ Tây sẽ rực rỡ mỗi mùa hạ đến. Giữ lại sen cho hồn cốt Hà Nội, còn được bao nhiêu quý bấy nhiêu.

Mỗi đầu mùa hạ, cội rễ tưởng tan trong bùn đất một ngày đẹp trời bỗng lại vươn lên những mầm xanh tươi bất diệt.

CẨM THÚY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bay-gio-mua-ha-sen-no-not-10285702.html