Di sản 'hậu phong danh'

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa bổ sung 17 di sản vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi một di sản được phong danh, không chỉ người dân địa phương vui mừng, tự hào mà điều đó phần nào còn giúp du lịch phát triển cũng như lan tỏa giá trị di sản hơn.

Tuy nhiên, “hậu phong danh” di sản cũng đặt ra những yêu cầu về phát huy giá trị di sản, trong đó có việc tránh ghi danh ồ ạt, khai thác triệt để, thương mại hóa di sản để thu lợi nhuận vật chất nhưng lại thiếu trách nhiệm bảo tồn. Thực tế cho thấy một số địa phương chỉ chú trọng khai thác mà chưa quan tâm bảo tồn di sản, nhất là không tôn trọng vai trò cộng đồng.

Sau 23 năm Luật Di sản văn hóa và 15 năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024. Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), nước ta có hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng; 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 15 di sản đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp...

Những con số trên cho thấy Việt Nam xứng đáng được coi là “cường quốc di sản”. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào thì cần chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Tại hội thảo “Ghi danh di sản - từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (tháng 7/2021), PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (một trong 12 chuyên gia trong Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2012 - 2014, 2017 - 2020) cho rằng, cần hiểu khái niệm của UNESCO “ghi danh”, chứ không phải là “công nhận” hay “vinh danh” di sản văn hóa phi vật thể. Ghi danh di sản không nhằm mục đích đem lại lợi ích vật chất. Việc ghi danh không khiến cho một di sản đẳng cấp hơn những di sản chưa được ghi danh, hay di sản cấp địa phương thì kém giá trị hơn di sản cấp quốc gia.

“Cần phải hiểu đúng tinh thần của UNESCO để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng có di sản văn hóa phi vật thể chưa được ghi danh, cũng như không làm cho cộng đồng có di sản được ghi danh tự hào thái quá” - bà Hiền nói.

Năm 2003, Đại hội đồng UNESCO thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là văn bản mang tính pháp lý quốc tế, là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành một trong 30 quốc gia trên thế giới sớm gia nhập Công ước này. Việt Nam cũng đã hai lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Càng tự hào về di sản tổ tiên để lại như một thành tố quan trọng của đặc sắc văn hóa Việt Nam, càng thấy trách nhiệm thật nặng nề. Sau những buổi lễ được tổ chức tưng bừng đón nhận bằng công nhận, thì việc cần thiết phải là giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản như thế nào.

Chính vì thế, sau “phong danh”, di sản phải càng không chỉ là danh hiệu mà quan trọng nhất vẫn là tỏa sáng ra sao trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-hau-phong-danh-10288597.html