Bây giờ Sơn Lang

Nơi ấy từng có thời bề bộn những khốn khó, nhiều con người sống và dựng lại những khoảnh rừng cháy đỏ vì bom đạn, vì một cuộc sống ngày mai tốt hơn. Sơn Lang bây giờ đã vượt qua thời kỳ đói cơm lạt muối, đã hướng tới đời sống mới đầy niềm vui.

Từ ký ức trong khoảnh rừng cằn cỗi

Những cái tên địa danh Sơn Lang, Đak Rong hay Hà Nừng... và nhiều địa danh khác nữa của huyện Kbang (Gia Lai) mới nghe qua đã thấy xa vời vợi, thăm thẳm. Ở khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng xa xôi ấy của huyện Kbang từng có không biết bao nhiêu phận đời éo le, ngang trái, bời bời ngổn ngang như số phận trong câu chuyện “Người sót lại của rừng cười” của nhà văn Vũ Thị Hảo. Nhưng, họ vẫn từng gắn bó với rừng và đất Tây Nguyên.

Xã Sơn Lang bây giờ khang trang, đổi mới nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xã Sơn Lang bây giờ khang trang, đổi mới nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Sơn Lang cách đây hơn 40 năm về trước, có những cô gái “thanh niên xung phong” đi kinh tế mới từ khắp các vùng miền đã đến đây trồng và giữ rừng, chính họ cũng đã gửi lại nơi đây những ngày đẹp nhất cuộc đời mình để hôm nay rừng núi này có được màu xanh bát ngát ấy. Ở nơi rừng sâu núi thẳm của huyện Kbang ấy một thời có biết bao nhiêu phụ nữ có hoàn cảnh éo le, ngang trái nhưng vẫn gắn bó với mảnh đất này, để rừng hoang thêm xanh, thêm đẹp. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sư đoàn 332 (Quân khu 5) được thành lập làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng tại Gia Lai. Đến năm 1984, chuyển thành Liên hiệp Lâm - Công nghiệp Kon Hà Nừng. Sau này, Liên hiệp giải thể, cả 8 lâm trường được giao về cho tỉnh. Thời điểm đó, để chuẩn bị xây dựng các lâm trường, gần 5.000 người từ khắp nơi về đây, trong đó hơn một nửa là nữ. Những thiếu nữ tuổi xuân phơi phới từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ được vận động, xung phong làm nhiệm vụ ươm cây, phát cỏ, trồng rừng khơi lại màu xanh sau bom đạn chiến tranh.

Khí thế chiến thắng vẫn rừng rực trong mỗi con người trẻ trung ấy, dù một năm thì phải hết 9 tháng nằm rừng, chỉ mùa mưa mới được về lại đơn vị, thiếu thốn trăm bề, có tháng phải ăn cơm độn triền miên. Nhưng, sau một thời gian ngắn, chỉ có cánh “chân yếu tay mềm” trụ lại, các anh chàng sức dài vai rộng lại bỏ về quê. Giữa rừng xanh núi đỏ hoang vu, ước mong được làm mẹ càng trỗi dậy với những người phụ nữ đơn thân. Những mối tình vì thế cứ đến rồi đi chóng vánh, để lại những chuyện buồn đầy nước mắt. Những người con gái thuở ấy ở lại với rừng trở thành hàng xóm, nương tựa nhau lúc khó khăn. Mọi hy vọng, họ dồn hết vào những đứa con. Những mảnh rừng đã xanh ngắt trở lại nhưng đã lấy đi của những người con gái thanh niên ấy bao nhiêu nước mắt. Từ cuộc sống khó khăn, họ đã viết nên câu chuyện đời mình, vượt qua mọi gian truân, thử thách, gắng gượng chắt chiu từng giọt hạnh phúc.

Đời sống được nâng cao, việc chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được quan tâm.

Đời sống được nâng cao, việc chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng được quan tâm.

Trong ngăn ngắt núi rừng, trong ký ức của những cánh rừng cằn cỗi giờ đã sống dậy. Sơn Lang bây giờ đã mạnh về kinh tế nông nghiệp khi có gần 1.300 ha cà phê, canh tác nhiều loại trái cây khác. Đối với gia đình chị Đinh Thị Hường (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đang canh tác 4 ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt 40 tấn tươi. Chị Hường nhẩm tính, với mức giá hiện tại, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình còn lãi khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ có cà phê, nhiều loại cây ăn trái khác như quýt, ổi, bơ, đu đủ, sầu riêng, mắc ca... cũng được trồng và mang lại thu nhập cao cho người dân tại đây. Trong đó có thể kể đến loại cam vàng Sơn Lang đang thu hút trên thị trường.

Hiện, trên địa bàn xã, bà con trồng xen cây sầu riêng trên diện tích hơn 10 ha cà phê. Trong đó, có 2 hộ thực hiện mô hình cho sầu riêng ra trái nghịch vụ, mang lại thu nhập cao. Hộ nông dân Lê Hồng Chiến (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) áp dụng kỹ thuật ép sầu riêng ra hoa trái vụ cho thu nhập cao gấp 1,5 lần so với chính vụ. Tương tự, hơn 100 cây sầu riêng của gia đình ông Phan Quang Trung (cùng thôn) cũng ở trong kỳ thu hoạch.

Từ những cánh rừng bom đạn năm nào, bây giờ mọc lên cơ man nào là cà phê, cam, quýt, sầu riêng, những loại trái cây có giá trị cao. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cũng đã có cuộc sống đổi thay. Năm 2023, xã Sơn Lang đã đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 5,87%. Trong năm 2024, chính quyền địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn dưới 5%. Cùng với các địa phương, hiện nay xã Sơn Lang đang tập trung triển khai thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xây dựng diện mạo nông thôn phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Nhờ tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa dân tộc độc đáo, đồng bào ở Sơn Lang bây giờ đã khấm khá hơn nhờ làm du lịch. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn.

Tiếng gọi của rừng

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình dịch vụ thu hút du khách bởi sự gần gũi, chân thật, phát huy những giá trị bản sắc vốn có trong cộng đồng dân cư. Thiên nhiên ban cho huyện Kbang (Gia Lai) nhiều tài nguyên du lịch quý giá như thác K50 (thác Hang Én), nhiều hồ nước và cùng với đó là vốn văn hóa bản địa của cộng đồng người Ba Na ở đây đã bao đời. Thác K50 nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Giữa không gian rừng núi bao la, thác K50 được xem là một kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên. Đồng thời, Kon Chư Răng cũng là nơi sinh sống của 6 thôn làng của đồng bào Ba Na. Sống giữa rừng, hưởng lợi từ rừng nên đồng bào Ba Na nơi đây cũng hết mực bảo vệ rừng.

Anh Đinh Văn Quý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Đăk Asêl được biết đến là người đi đầu trong làm du lịch cộng đồng.

Anh Đinh Văn Quý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Đăk Asêl được biết đến là người đi đầu trong làm du lịch cộng đồng.

Tại làng Đăk Asêl của xã Sơn Lang, anh Đinh Văn Quý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Đăk Asêl được biết đến là người đi đầu trong làm du lịch cộng đồng, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Từ một người dẫn đường năng động, tích cực, anh Quý thu hút thêm những thanh niên trong vùng cùng tham gia để có thêm thu nhập. Để phát triển du lịch cộng đồng tại làng Đăk Asêl phục vụ du khách sau hành trình đi thác K50, từ số tiền tích cóp của gia đình và vốn ngân hàng, anh Quý dựng một nhà sàn có lối trang trí đậm đà bản sắc Ba Na để phục vụ du khách. Làng Đak Asêl có 111 hộ với 468 khẩu.

Từ khi được anh Quý hướng dẫn làm du lịch, dân làng không những có việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần quảng bá cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc Ba Na tới du khách gần xa. Đến nay, Đak Asêl chỉ còn 6 hộ nghèo. Cùng tham gia làm du lịch với anh có trên 20 thành viên, chủ yếu là thanh niên trong làng Đak Asêl. Tương tự anh Quý, anh Kpuih Duấ trước đây chủ yếu đi làm trên rẫy, làm thuê làm mướn với thu nhập bấp bênh không đủ để nuôi gia đình. Từ khi làm du lịch cộng đồng, kinh tế gia đình anh đã cải thiện đáng mừng. Bình quân mỗi tháng anh có thêm thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng từ việc làm thêm dịch vụ du lịch.

Hơn 3 năm trở lại đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2 m chạy đến gần thác K50. Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên Ba Na các vùng lân cận có thu nhập nhờ các tour “du lịch rừng”. Anh Ksor Nghin, giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng cũng là một hướng dẫn viên bản địa với những chuyến xuyên rừng già Kon Chư Răng, hướng dẫn du khách trải nghiệm thiên nhiên quê hương tươi đẹp. Anh đã thành lập tổ phục vụ khách du lịch gồm 10 thành viên là người Ba Na, trong đó có người là giáo viên, có người làm nông. Công việc khá vất vả, nhưng bù lại, các thành viên có nguồn thu nhập ổn định khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Tương tự, vợ chồng anh Hvinh Nut, giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng cũng tham gia làm du lịch cùng cộng đồng địa phương.

Thu hút cộng đồng bản địa làm du lịch đang là mục tiêu phát triển bền vững của huyện Kbang. Có thể thấy, nhiều mô hình du lịch cộng đồng của người bản địa ở vùng đất Đông Trường Sơn như homestay của Đinh Văn Quý, Nguyễn Đức Mạnh, Hvinh Nut, Kpuih Duấ... thu hút một lực lượng lao động là người bản địa tại địa phương. Những hiểu biết về văn hóa và kỹ năng sống dựa vào rừng chính và “tài sản” để đội ngũ này tạo nên sự thú vị, độc đáo cho những tour du lịch trải nghiệm rừng núi. Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, du lịch giúp họ nhận ra tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tự nhiên.

Cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với phát triển du lịch, ổn định đời sống người dân vùng đệm. Theo chính sách hỗ trợ vùng đệm, mỗi năm khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chi hỗ trợ 5 thôn, làng vùng đệm 200 triệu đồng/năm (40 triệu đồng/thôn, làng) để mua giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hay vật tư xây dựng, sửa chữa nhà rông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Thác K50 (hang Én) là một trong những thác nước đẹp nhất châu Á.

Thác K50 (hang Én) là một trong những thác nước đẹp nhất châu Á.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, cùng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn này chính là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Đơn vị đã trình UBND tỉnh và chờ thẩm định đề án phát triển du lịch sinh thái. Nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng mong muốn cùng với khu bảo tồn đầu tư phát triển du lịch xanh. Đây cũng là bước đi mở ra triển vọng đầu tư phát triển du lịch và các mô hình kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Đặc biệt, đây là cơ hội để người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tham gia kinh doanh dịch vụ, thu hút lao động địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch, cải thiện sinh kế bền vững từ rừng.

Tiêu Dao - Lê Nhung

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/bay-gio-son-lang-i734757/