'Bệ đỡ' chính sách cho dòng vốn mới

Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đưa đất nước phát triển bứt phá, nhiều chính sách mới ra đời đang tạo 'bệ đỡ' quan trọng cho sự tham gia của các dòng vốn mới.

Kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá, chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư tích sản hiệu quả nhất

Kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá, chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư tích sản hiệu quả nhất

Vĩ mô “nâng đỡ” thị trường

Chính phủ đã đặt mục tiêu “tăng tốc và bứt phá”, hướng tới tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, nhằm tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Quyết tâm này được thể hiện rõ qua Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP và Nghị quyết 01/NQ-CP 2025 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP. Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân và ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau nửa chặng đường của năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt (chuyên gia chính sách công, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay (với tăng trưởng GDP 7,52%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 9,8%; xuất siêu 7,63 tỷ USD…) cho thấy hiệu quả bước đầu của hàng loạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW.

Theo TS. Việt, việc vận hành mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, cùng hàng loạt cải cách thể chế, chính sách đột phá (với 34 luật, 14 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua) và điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt đã “kích hoạt” mạnh mẽ làn sóng đầu tư. Nổi bật là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cho các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là 6 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.268 km. Các quyết sách thúc đẩy đầu tư tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW, đã và đang kích hoạt làn sóng đầu tư tư nhân mới.

“Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,8% trong 6 tháng đầu năm 2025, gần bằng mức trước đại dịch Covid-19, trong đó khu vực tư nhân đóng góp chủ đạo, là minh chứng rõ rệt”, ông Việt nhấn mạnh.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital bình luận, quyết tâm chính trị của Việt Nam vào các mốc năm 2030 và 2045 thể hiện rõ qua các mục tiêu cụ thể: xây dựng hạ tầng hiện đại và toàn diện (tiêu biểu là dự án cao tốc Bắc - Nam); kinh tế tăng trưởng đột phá trên 10%, lấy công nghệ làm trung tâm; thị trường tài chính Việt Nam sẽ có sự cải cách, đổi mới và trở thành một trung tâm tài chính mới của khu vực (nhằm thúc đẩy hai yếu tố hạ tầng và tăng trưởng kinh tế hai con số).

Với vai trò là chuyên gia nghiên cứu đầu tư, bà Minh nhận định, nếu kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá như quyết tâm của Chính phủ, chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư tích sản hiệu quả nhất. Kinh nghiệm nghiên cứu của Dragon Capital tại một số quốc gia cho thấy, tương đương với tăng trưởng GDP hai con số và mức đầu tư chiếm 30 - 40% GDP, hiệu suất đầu tư của kênh chứng khoán có thể lên tới 5 - 10 lần, thậm chí cao tới 12 lần.

Sẵn sàng đón nhận dòng vốn mới

Nâng hạng là bước đệm cho quá trình nâng tầm, nâng chất lượng thị trường chứng khoán để trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và là nơi nhà đầu tư thuận lợi tìm kiếm lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.500 điểm, mức đỉnh của năm 2022. Riêng trong tuần từ 14 - 20/7/2025, thanh khoản thị trường cao ở mức dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, vượt Thái Lan, mặc dù chứng khoán Việt Nam có tuổi đời non trẻ nhất trong khu vực, mới 25 năm.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2025 đến nay, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh mẽ trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có ngày lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, khiến cho giá trị mua ròng chỉ trong hai tuần lên tới hơn 11.200 tỷ đồng, kéo giảm đáng kể tổng giá trị bán ròng lũy kế kể từ đầu năm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc thị trường chứng khoán bùng nổ cả về chỉ số và thanh khoản cho thấy sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền, đặc biệt là những dòng tiền mới của khối ngoại khi kỳ vọng vào cơ hội đầu tư tài chính dài hạn tại Việt Nam.

Về vĩ mô, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số các năm tiếp theo. Điều này đến từ các động lực như đàm phán thuế quan thuận lợi (tạo niềm tin cho xuất khẩu), dư địa đầu tư và tiêu dùng nội địa, cùng với hàng loạt “động lực mới” từ cải cách thể chế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/7/2025, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 26/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 (tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng đã được “bơm” thêm vào nền kinh tế).

Nhờ tác động tích cực từ điều hành vĩ mô hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (thông qua các chính sách ưu đãi tín dụng), dòng vốn đang “chảy” mạnh vào nền kinh tế, đặc biệt là các ngành bán buôn - bán lẻ, nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo “huyết mạch” cho sự tăng tốc phục hồi của doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận sự thay đổi về chất để đáp ứng yêu cầu thu hút dòng vốn phục vụ cho tăng trưởng, trong đó dấu mốc đầu tiên là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào tháng 9/2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương, quá trình nâng hạng phải trải qua hai tiến trình song song. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với các tổ chức đánh giá nâng hạng như FTSE và MSCI. Theo đó, với 9 tiêu chí, là điều kiện nâng hạng của các tổ chức này, Việt Nam hiện đã đáp ứng đủ. Tiến trình còn lại tùy thuộc vào sự đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài thông qua trải nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để thúc đẩy tiến trình này, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp lớn nhằm gia tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài. Các giải pháp bao gồm: triển khai hiệu quả hệ thống KRX (vận hành chính thức ngày 5/5/2025); ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC gỡ “nút thắt” quan trọng về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài; rà soát sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP để minh bạch hóa thông tin sở hữu; đồng thời nỗ lực đơn giản hóa thủ tục, tăng cung hàng hóa và phát triển sản phẩm mới cho thị trường.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đến nay, các “tiêu chí cứng” để nâng hạng lên thị trường mới nổi đã được đáp ứng đủ. Với các “tiêu chí mềm”, dù còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài, ông tin tưởng rằng với khung khổ pháp lý hiện tại và hàng loạt nỗ lực cải cách thời gian qua, triển vọng được nâng hạng là khả quan.

“Song trên hết, nâng hạng chỉ là mục tiêu bước đệm cho quá trình lâu dài hơn là nâng tầm, nâng chất lượng thị trường chứng khoán để trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và là nơi nhà đầu tư thuận lợi tìm kiếm lợi nhuận”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Báo cáo cập nhật tiến độ nâng hạng thị trường mới công bố, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, với những nỗ lực hoàn thiện và cải cách chính sách pháp lý, quy trình của cơ quan nhà nước, Mirae Asset kỳ vọng đến tháng 9/2025 Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi thứ cấp”.

Bà Trần Ngọc Thúy Vy, chuyên viên phân tích của Mirae Asset Việt Nam cho rằng, nếu FTSE Russell công bố nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, dòng vốn từ các quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu có thể giải ngân lên tới 621,8 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quy mô vốn hóa của VN-Index hiện đạt hơn 238 tỷ USD (11/7/2025), khá tương đồng với một số quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging Markets Index như: Chile (187 tỷ USD, tháng 2/2025), Qatar (168 tỷ USD, tháng 2/2025).

Ước tính, tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong rổ FTSE Emerging Markets sẽ ở mức khoảng 0,7% khi được thêm vào chính thức. Mirae Asset dự báo, chỉ riêng Quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (quy mô gần 83 tỷ USD) có thể đầu tư 581 triệu USD vào cổ phiếu Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều quỹ ETF khác tại Canada, Anh, Úc… cũng có thể giải ngân thêm hàng chục triệu USD.

Bà Vy cho rằng, con số 621,8 triệu USD chưa bao gồm các dòng vốn chủ động khác và thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam được bổ sung chính thức vào chỉ số và giữ được tỷ trọng ổn định trong kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/be-do-chinh-sach-cho-dong-von-moi-post373769.html