Bế mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 47.

Hạn chế tối đa việc bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung sát kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, phiên họp đã được các cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, tích cực. Phiên họp cũng là bước chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 sắp tới, khẳng định sự chủ động và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để Kỳ họp cuối nhiệm kỳ diễn ra chu đáo, chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan rà soát tổng thể nội dung, chủ động đề xuất và hoàn tất tài liệu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa việc bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung sát kỳ họp hay trong thời gian diễn ra kỳ họp.

Nhấn mạnh, khối lượng công việc trong Chương trình công tác quý III và các phiên họp tháng 8, 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nhiều; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị. Thời gian tới, ngoài phiên họp thường kỳ, có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí các phiên họp khác đầu tháng 8, hoặc cuối tháng 8; Ủy ban Thường vụ không tổ chức chất vấn tại phiên tháng 8 để các cơ quan tập trung các nội dung lập pháp và tổng kết nhiệm kỳ.

Ông cũng lưu ý các cơ quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ của cơ quan mình, gửi sớm tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 8/2025; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 tới đây.

Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh định mức phân bổ áp dụng cho 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau sáp nhập. Chỉ tiêu dân số để tính định mức phân bổ ngân sách phân thành 4 vùng như đề xuất tại Tờ trình số 248/TTr-CP. Đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo, điều chỉnh tăng tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập (không kể lương và các khoản có tính chất lương) thêm 1% so với đề xuất tại Tờ trình số 248/TTr-CP.

Lĩnh vực chi quản lý hành chính, điều chỉnh tiêu chí phân bổ theo đơn vị hành chính xã phân bổ mức 3,5 tỷ đồng/xã; 2,5 tỷ đồng/phường, 10 tỷ đồng/đặc khu (dự thảo định mức Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định tiêu chí phân bổ theo số lượng xã trước khi sắp xếp là 10.035 xã. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, quy mô xã tăng khoảng 3 lần so với trước đây; đồng thời, hiện nay xã đảo trở thành đặc khu, chưa có tiêu chí phân định đối với xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).

Về đề nghị rà soát, tính toán thêm để thực hiện theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ kiến nghị giữ như dự thảo đã trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lý giải trong Tờ trình, Chính phủ cho rằng, việc quy định như vậy là phù hợp trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt thực hiện nhiều chủ trương lớn có ảnh hưởng trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp như: Tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh trong thời gian tới; các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở mới phát sinh; chế độ công tác phí tăng khoảng 40-50% so với giai đoạn trước; số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm lớn do sắp xếp tổ chức bộ máy…

Về đề nghị giải trình căn cứ, cơ sở xác định mức tăng chung 35% so với năm 2022; mức tăng cao khoảng 70% đối với các đơn vị ngành dọc của Bộ Tài chính, Chính phủ giải trình rằng, mức đề xuất tăng 35% trên cơ sở tăng trưởng kinh tế - xã hội (lũy kế tăng trưởng kinh tế khoảng 21,5%), tăng chỉ số giá (lũy kế khoảng 12,3%) và chế độ công tác phí (phát sinh mới năm 2025) tăng 40-50% so với mức đã kết cấu trong định mức.

Các bộ, ngành (trong đó có Bộ Tài chính) là đơn vị có hệ thống ngành dọc lớn, mạng lưới trụ sở phân tán, rộng khắp, nên phát sinh chi phí vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí lao động hợp đồng (đang được kết cấu trong định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước) lớn hơn các bộ, ngành không tổ chức ngành dọc.

Dự thảo Nghị quyết quy định định mức lũy thoái với mức cao nhất là 97 triệu đồng/biên chế (từ 100 biên chế trở xuống) và thấp nhất là 75 triệu đồng (từ biên chế thứ 1001 trở lên). Mức 83 triệu đồng/biên chế áp dụng cho khối ngành dọc của Bộ Tài chính chỉ cao hơn mức thấp thứ 2 tại dự thảo Nghị quyết (là 82 triệu cho biên chế từ 501 đến 1.000 biên chế), và tăng khoảng 43% so với định mức của năm 2022 tính bình quân theo biên chế của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, khối ngành dọc của Bộ Tài chính trước đây hưởng theo cơ chế tài chính đặc thù nên không có định mức năm 2022. Vì vậy, Chính phủ xin kiến nghị giữ như dự thảo Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đảm bảo định mức chi thường xuyên rõ ràng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung Chính phủ dự kiến tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, đề nghị lưu ý thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 – 2025. Trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện so với thực tiễn, cần báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thay đổi mục tiêu trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí với phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 sang năm 2026. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát để có quy định phù hợp với quy định về chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương hình thành mới sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước được quy định tại Nghị quyết số 227/2025/QII15 về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Khi được Quốc hội quyết định, đề nghị Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mô hình đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm không phát sinh các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng nghị quyết phải rà lại các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2026. Đồng thời, phải đảm bảo định mức chi thường xuyên rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, tăng cường kiểm tra, giám sát; rà soát việc chi trả chế độ theo Nghị định 178, đảm bảo 100% số người nghỉ được nhận tiền.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/be-mac-phien-hop-thu-47-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-20250710193124283.htm