Bác sĩ gắp con vắt sống trong mũi bé trai

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê vừa gắp thành công con vắt trong mũi bé trai 7 tuổi.

Bệnh nhi là T.G.B. (7 tuổi, trú tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng ngứa mũi, chảy máu mũi. Theo lời kể của người nhà bé trai, trước đó bé có đi tắm suối.

Tại cơ sở y tế này, bé trai được nội soi và phát hiện có dị vật trong mũi. Ngay lập tức, các bác sĩ gắp dị vật cho bé bằng phương pháp sử dụng nội soi mũi. Dị vật được gắp ra ngoài là một con vắt còn sống. Sau khi con vắt được gắp ra khỏi mũi, sức khỏe bé trai ổn định, không còn ngứa mũi và chảy máu.

Theo bác sĩ Phạm Vân Anh, khoa Khám bệnh, vắt thường chui vào cơ thể người thông qua việc uống nước suối, hoặc bơi lội, ngồi, nằm ở địa điểm đỉa sinh sống.

Đỉa, vắt khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước nhỏ, nhưng khi vào cơ thể một thời gian ngắn, chúng sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.

 Con vắt được gắp ra từ mũi bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Con vắt được gắp ra từ mũi bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

"Nguy hiểm nhất nếu vắt ký sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến ảnh hưởng tính mạng. Nếu vắt nằm trong mũi, ở các ngách khe sẽ trở thành dị vật gây phù nề, xuất tiết tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang. Nếu để lâu ngày, vắt ký sinh và hút máu dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng, gây thiếu máu mạn tính", bác sĩ Vân Anh nhấn mạnh.

Do đó, người dân không nên bơi lội, tắm hay uống nước tại khe suối hoặc môi trường nước không an toàn. Khi có các dấu hiệu bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

Ngoài ra, mùa hè là điều kiện để dịch bệnh phát triển, nhất là với trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ có thể mắc bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm A, các bệnh lây theo đường hô hấp, tiêu hóa. Do đó, cha mẹ cần chú trọng phòng bệnh mùa hè, không để bệnh lây lan thành dịch.

Phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng cho trẻ có thể áp dụng những biện pháp sau:

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa.
Ăn uống hợp vệ sinh: Loại trừ các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Tạo môi trường sống trong lành và an toàn: Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.
Tăng cường lượng dịch uống: Bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin.
Tiêm ngừa đầy đủ: Tất cả loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có, giúp trè được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-trai-bi-ky-sinh-trung-chui-vao-mui-post1480091.html