Bến thơ Yên Đổ

Ngày Thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam (15 tháng Giêng) và cũng là dịp để tri ân Nguyễn Khuyến - Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, ông đã để lại những tác phẩm nổi tiếng làm rạng rỡ kho tàng văn học dân tộc.

Tiếp nối và phát huy tinh thần nghệ thuật đó, hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thơ nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung của tỉnh phát triển sôi nổi. Các thế hệ nhà thơ, nghệ sĩ trong tỉnh đã tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam, đóng góp vào sự phát triển văn học nghệ thuật đất nước. Các câu lạc bộ thơ trong tỉnh được quan tâm phát triển ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Những hoạt động giao lưu thơ ca được lan tỏa đến từng khu phố, thôn xóm và từng gia đình, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Ngày Thơ trên quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được tổ chức tại xã Trung Lương (Bình Lục) - quê nội nhà thơ, nơi nhà thơ ở những năm cuối đời là một đợt sinh hoạt thơ ca lớn quy tụ nhiều thế hệ nhà thơ và những người yêu thơ trên địa bàn tỉnh. Ngoài các nghi lễ và các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, trọng tâm Ngày Thơ là phần giao lưu thơ xuân.

Phần giao lưu thơ xuân có sự góp mặt của các hội viên Bộ môn Thơ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Những bài thơ đong đầy cảm xúc được các nhà thơ chia sẻ trong một không gian đầy sắc xuân đã tạo nên dư âm đầy thi vị. Ngắm dòng sông Đáy quê hương, nhà thơ Nguyễn An Ninh nhớ đến dòng sông Lam xanh: “Xin được trở về quê Bác, sông Lam/ Tuổi thơ ấu, giọng hò khắc khoải/ Lời non nước trong lời ca phường vải/ Một dòng đau bao thế hệ lên đường”, trích trong bài thơ “Dòng sông tháng năm”. Sông Lam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác và đã cập bến bờ vinh quang.

Nghi thức thả thơ.

Nghi thức thả thơ.

Quay trở về quê hương Bình Lục, vùng đất thuộc xứ đồng chiêm trũng trước kia với 6 tháng đi tay và 6 tháng đi chân, cuộc sống của người dân chủ yếu gắn bó với ruộng đồng, nhưng nay Bình Lục đang từng ngày khởi sắc với khí thế mới, quyết tâm mới, phấn đấu đưa huyện sớm cán đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2025 này. Nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Châu, với hơn 50 năm làm báo, ông đã từng lăn lộn với mảnh đất Hà Nam và mảnh đất vùng đồng chiêm này để viết ra những câu thơ rất hay trong “Trường ca đồng chiêm”. Ông đã tự mình trình bày bài thơ “Ga Bình Lục” được rút trong tập “Trường ca đồng chiêm”. Bài thơ có những câu thơ nhắc nhở: “Ga nhỏ bên đường Nam - Bắc/ Phi lao reo trên mái sẫm màu/ Hồn lúa chín ùa vào phòng đợi/ Người gác ghi với một chấm sao”... và trăn trở: “Ai về ga có nhớ/ Từ chuyến tàu nào bước xuống thuyền câu/ Tiếng sóng đồng chiêm gặm mòn đường tàu/ Chưa có cần cẩu đâu/ Chiếc khăn người bốc vác/ Khoác trên vai thợ đấu đồng chiêm/ Sợi thép căng suốt cây đàn đất nước/ Ga đồng chiêm làm nốt nhạc trầm/ Và lòng người/ Rộn rã thanh âm...”.

Hơn bốn nghìn xuân đồng hiện/ Những hoa văn mặt trống đồng/ Đàn chim thiêng tìm quá khứ/ Bay trong ánh nắng màu hồng… là những câu thơ trong bài thơ “Âm hưởng trống đồng” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thao. Cũng viết về văn hóa Hà Nam, nhà thơ Trương Văn Thơ có bài “Xứ thiêng” – đó là vùng đất núi Đọi, sông Châu, nơi hơn 1.000 năm trước, vua Lê Đại Hành thực hiện nghi thức cày Tịch điền, khuyến khích nông tang, cầu một năm mưa thuận gió hòa: "Ai nhô non ngự đồng xanh/ Ai mềm sông biếc quấn quanh cõi bờ/ Khoác vai nối cả sau xưa/ Thúc cày xã tắc dậy mùa thịnh hưng".

Mùa Xuân, mùa của tình yêu dâng trào trong bài thơ “Trên cánh đồng anh” sáng tác của nhà thơ Đoàn Văn Thanh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mùa xuân của hoa lòng hé nở, là những khát khao đam mê chan chứa yêu thương. Rung động mùa lộc biếc, khe khẽ chạm vào miền sâu thẳm của con tim của đôi trai gái đang yêu, với cái yêu mãnh liệt và sâu lắng. Bước mùa xuân ngân lên trong thi phẩm xanh tươi lắng sâu vào hồn người, khi tác giả ví ngực của người con trai như là một cánh đồng, trên cánh đồng đó có bàn tay cô gái đang chăm sóc nâng niu những bông hoa lòng, những bông hoa của tình yêu đôi lứa: “Ngực anh là cánh đồng/ Mơ bàn tay em vun xới/ Cánh đồng anh vồng vợi/ Bàn tay em gió cởi mưa hoa… Em ơi mùa Xuân đã tới/ Em có mơ/ Gió anh/ Trên cánh đồng anh!”

“Làng ta vào mùa mới/ Thơi thới theo nhịp đời/ Sắc xanh lên rời rợi/ Cây nói lời: đang xuân” là những câu thơ trong tác phẩm “Sắc màu quê ta” của tác giả Trần Văn Thuần. Ý thơ nhẹ nhàng trong sáng, tác giả đã miêu tả sự đổi mới, phát triển đi lên từng ngày của làng quê. Trong bài thơ “Về Hà Nam” nhà thơ Lại Ngọc Ngà lại có những câu thơ dịu dàng: “Dập dìu về với Hà Nam/ Đu đưa nắng ấm ngủ vàng dưới chân/ Mận lê nở trắng, trắng ngần/ Đong đưa chúm chím mấy lần đong đưa”.

Hà Nam tự hào có nhà thơ Nguyễn Khuyến và cũng biết bao thế hệ, đặc biệt là các nhà thơ và những người yêu thơ đã xem Nhà thơ như là một bến thơ, một bến đỗ của tâm hồn thanh cao, giản dị. Nhà thơ Đinh Thị Hằng coi cuộc đời như là một dòng sông ào ạt chảy thì cũng có một bến đỗ nơi ngõ trúc quanh co, với bờ tre lả gió, tìm về đó để thấy lòng mình nhẹ hơn: “Sớm xuân trời đất giao hòa/ Sương giăng kín lối, hương hoa ngọt ngào/ Chợ quê ồn ã mời chào/ Thuyền con nhẹ lướt, lạc vào Bến Thơ”. Yên Đổ - bến tình, bến thơ mãi mãi là nơi để những người yêu thơ, tâm hồn thơ tìm về neo đậu.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/ben-tho-yen-do-147848.html