Bệnh bạch hầu: Phòng ngừa và điều trị được, nếu phát hiện sớm

Bạch hầu thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở những người chưa có miễn dịch do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Đây là bệnh phòng ngừa và điều trị được, nếu phát hiện sớm.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Tại tỉnh Bắc Giang, 2 ca bệnh bạch hầu vừa được ghi nhận, cả hai đều có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong ở Nghệ An. Trước đó, trong các tháng 1, 2 và tháng 4/2024, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các ổ dịch cũ ở Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh. Như vậy, tính đến trung tuần tháng 7, cả nước đã ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 68 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc nguy hiểm

Theo Bộ Y tế và y văn, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.

Đáng chú ý, trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế... Ở nhiệt độ 580C, vi khuẩn bạch hầu chết trong vòng 10 phút. Còn dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn chết trong vài giờ.

Thường gặp nhất là bạch hầu họng (chiếm tỉ lệ 70%), sau đó đến bạch hầu thanh quản (chiếm tỉ lệ từ 20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (từ 3-8%), bạch hầu da... Bạch hầu họng có thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, lúc này người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.

Đến khi bệnh khởi phát, người bệnh thường sốt 37,5-380C, cảm thấy đau họng, khó chịu, mệt, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc hai bên, có thể lẫn máu. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy họng bệnh nhân hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ dạng giả mạc ở một bên; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Đến giai đoạn toàn phát (vào ngày thứ 2-3), người bệnh sốt, nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ. Lúc này, họng bệnh nhân có giả mạc lan tràn ở một bên hoặc hai bên amidan; có khi giả mạc lan trùm lưỡi gà và màn hầu; hạch góc hàm sưng đau. Bệnh nhân sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ.

Trường hợp mắc bệnh bạch hầu ác tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiễm độc nặng, sốt cao (39-400C), giả mạc lan rộng khắp hầu họng và môi; hạch cổ sưng to, biến dạng. Bệnh có nhiều biến chứng sớm như viêm cơ tim, suy thận và tổn thương thần kinh.

Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở những người chưa có miễn dịch do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Tuy nguy hiểm nhưng đây là bệnh phòng ngừa và điều trị được, nếu phát hiện sớm. Thuốc điều trị đặc hiệu là kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu.

Phòng bệnh bạch hầu

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người nghi mắc bệnh bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 2 lần âm tính; nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị bằng kháng sinh; rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn. Những người tiếp xúc với ca bệnh phải được xét nghiệm vi khuẩn, điều trị dự phòng và theo dõi trong vòng 7 ngày.

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Từ năm 1985, Việt Nam triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ vậy, số trường hợp mắc bệnh bạch hầu giảm rất nhiều lần. Theo Cục Y tế dự phòng, năm 1983, cả nước ghi nhận gần 3.500 ca bệnh bạch hầu.

Từ năm 2004-2019, mỗi năm cả nước ghi nhận từ 10-50 ca bệnh. Các trường hợp mắc bệnh là do không tiêm vắc xin phòng bệnh, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại. Những ca bệnh bạch hầu thường được ghi nhận ở vùng sâu, vùng xa - những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, tiêm không đủ mũi.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca bệnh bạch hầu, trong đó 7 ca tử vong. Tại Phú Yên, theo BSCKI Châu Trọng Phát, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh bạch hầu.

Hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng dùng vắc xin đa giá: bạch hầu - ho gà - uốn ván để tiêm phòng cho trẻ em, bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi năm 1 lần cho đến 5 tuổi.

Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

Mới đây, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế có Thông tư 10, ngày 13/6/2024 “Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, trong đó bổ sung 1 liều vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều để tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu bao gồm phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh; sử dụng kháng độc tố bạch hầu và kháng sinh ngay để ngăn chặn các biến chứng, giảm tử vong; theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng; chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/318470/benh-bach-hau--phong-ngua-va-dieu-tri-duoc-neu-phat-hien-som.html