Bệnh cúm có những chủng nào, ai dễ bị biến chứng và có thể nghiêm trọng ra sao?

Từ cuối năm ngoái đến nay, bệnh cúm lây lan mạnh ở nhiều quốc gia châu Á. Mới đây, diễn viên, ca sĩ Từ Hy Viên qua đời vì cúm biến chứng thành viêm phổi, rồi một nam diễn viên Trung Quốc mới 27 tuổi cũng qua đời vì cúm biến chứng thành nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Vậy bệnh cúm có thể biến chứng thế nào và ai dễ bị biến chứng khi mắc cúm?

Mặc dù cúm là một bệnh phổ biến và phần lớn người mắc cúm sẽ tự khỏi, nhưng cúm mùa năm nay lại lan rộng ở nhiều nước và dường như có nhiều ca biến chứng nặng. Chẳng hạn, ở Nhật đã có những thời điểm vào cuối tháng 12, đầu tháng 1, số ca mắc cúm cao kỷ lục. Mới đây, diễn viên, ca sĩ Từ Hy Viên và nam diễn viên Liang Youcheng ở Trung Quốc đã qua đời vì cúm biến chứng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca nhiễm cúm mùa, với 3 - 5 triệu ca bị xếp vào mức nghiêm trọng. Như vậy có thể thấy là nhiều người mắc cúm đến mức nào.

Đầu năm và cuối năm là lúc bệnh cúm ở nhiều nước châu Á lên cao điểm. Ảnh: Andy Wong/ AP.

Đầu năm và cuối năm là lúc bệnh cúm ở nhiều nước châu Á lên cao điểm. Ảnh: Andy Wong/ AP.

Vậy cúm là bệnh thế nào?

Cúm là bệnh đường hô hấp do các virus cúm - lưu ý là khác với các virus gây cảm lạnh. Có 4 loại virus cúm: A, B, C và D.

Ở nước ta nói riêng và châu Á nói chung, các virus cúm gây bệnh phổ biến nhất là virus cúm A (có cúm A H1N1 và cúm A H3N2) và virus cúm B. Virus cúm C ít được phát hiện và thường gây triệu chứng rất nhẹ. Virus cúm D thì chưa được thấy lây lan ở người.

Bệnh cúm có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng của cúm có thể là sốt, lạnh run, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ, mệt, các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy).

Nhật Bản còn đối diện với việc thiếu thuốc cúm vì số ca nhiễm cúm mùa năm nay tăng mạnh. Ảnh: VCG.

Nhật Bản còn đối diện với việc thiếu thuốc cúm vì số ca nhiễm cúm mùa năm nay tăng mạnh. Ảnh: VCG.

Cúm lây lan bằng cách nào?

Cúm là bệnh rất dễ lây, ở nơi đông người thì càng lây nhanh hơn, theo WHO. Cúm lây qua các giọt bắn nhỏ li ti từ đường hô hấp, như khi người bệnh ho và hắt hơi; hoặc khi một người chạm tay lên mũi, miệng sau khi đã chạm vào bề mặt có virus cúm.

Thời gian ủ bệnh của cúm là bao nhiêu lâu?

Thời gian từ khi nhiễm virus đến khi bị bệnh (có triệu chứng) có thể là 1 - 4 ngày. Người nhiễm bệnh có thể lây cho người khác từ một ngày trước khi có triệu chứng, cho đến tận 5 - 7 ngày kể từ khi có triệu chứng.

Bệnh cúm có thể có những biến chứng nghiêm trọng nào?

Dù phần lớn người mắc cúm có thể tự khỏi trong vòng một tuần dù không dùng thuốc gì, nhưng bệnh cúm vẫn có thể biến chứng và/ hoặc làm các bệnh nền càng trầm trọng hơn, theo WHO.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, cúm có thể dẫn tới viêm phổi và nhiễm trùng máu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Diễn viên, ca sĩ Từ Hy Viên đã qua đời vì bệnh cúm biến chứng thành viêm phổi. Ảnh: CNA.

Diễn viên, ca sĩ Từ Hy Viên đã qua đời vì bệnh cúm biến chứng thành viêm phổi. Ảnh: CNA.

Ai dễ bị cúm biến chứng?

Theo Bộ Y tế Singapore, những người có nguy cơ bị biến chứng khi mắc cúm là:

- Người từ 65 tuổi trở lên và trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

- Người bị bệnh tim mạch hoặc phổi mạn tính.

- Người phải kiểm tra y tế thường xuyên hoặc phải nhập viện do các bệnh về gan, thận, huyết học, chuyển hóa…

- Người bị suy giảm miễn dịch.

- Người từ 6 tháng đến 18 tuổi phải dùng thuốc dài hạn.

- Phụ nữ mang thai.

Bị cúm nên làm gì?

Trong những trường hợp bình thường, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều chất lỏng (nước, canh…), uống thuốc hạ sốt và thuốc kháng histamine (giúp giảm các triệu chứng dị ứng) nếu cần. Tùy trường hợp, bác sĩ cũng có thể cho người bệnh uống thuốc kháng virus.

Nhiều nước châu Á khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong mùa cúm. Ảnh minh họa: AFP.

Nhiều nước châu Á khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong mùa cúm. Ảnh minh họa: AFP.

Các cách phòng tránh cúm

- Tiêm vắc-xin, đây là cách mà cơ quan y tế ở các nước đều khuyên, đặc biệt với những người có nguy cơ bị biến chứng.

- Thực hiện những thói quen như rửa tay xà phòng thường xuyên, che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, vứt ngay giấy lau mũi/ miệng vào thùng rác…

Quan trọng: Khi nào thì người mắc cúm phải hỏi ý kiến bác sĩ và/ hoặc đến các cơ sở y tế ngay?

Theo trang MayoClinic, khi thấy một trong các triệu chứng nặng dưới đây, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay, hoặc ít nhất là hỏi ý kiến bác sĩ:

- Khó thở hoặc thở gấp.

- Đau ngực.

- Hoa mắt, chóng mặt liên tục và không đỡ.

- Co giật.

- Bệnh nền trở nên nặng hơn.

- Đau hoặc yếu cơ nghiêm trọng.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/benh-cum-co-nhung-chung-nao-ai-de-bi-bien-chung-va-co-the-nghiem-trong-ra-sao-post1714749.tpo