Bệnh Gout ngày càng trẻ hóa

Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống rất phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi. Tuy nhiên tới nay bệnh Gout đang ngày càng trẻ hóa.

Thăm khám và điều trị bệnh nhân gout tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Thăm khám và điều trị bệnh nhân gout tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Tỉnh dậy sau buổi nhậu với nhóm bạn, anh N.M.T. (30 tuổi, Hà Nội) cảm thấy đau nhói ở phần khớp nhô ra ngay gần ngón chân cái bên phải. Nghi rằng bị chấn thương sau trận đấu tenins, anh đã dùng cao xoa bóp nhưng cơn đau không có dấu hiệu cải thiện. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bất ngờ khi được bác sĩ thông báo anh bị mắc căn bệnh gout - vốn vẫn được coi là bệnh ở người cao tuổi.

BS Bùi Hải Bình - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh Gout không chỉ đang có xu hướng gia tăng mà còn ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở những nam giới ngoài 40 tuổi, càng cao tuổi tỷ lệ mắc càng cao, thì thời gian gần đây, tại Bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp thanh niên mới 20 tuổi đã bị Gout.

Đáng lo ngại hơn khi là đa số người mắc Gout thường xem nhẹ, cho rằng bệnh Gout không nguy hiểm như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc.

Việc xem nhẹ bệnh, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ hoặc tự ý dùng thuốc có thể gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu thực trạng: Có một thực tế đáng nhắc đến là số đông người mắc bệnh gout không tuân thủ chế độ dinh dưỡng do bác sĩ đưa ra, họ chỉ thực sự tuân thủ khi bệnh đã nặng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống do những cơn đau khớp. Chính việc ăn uống tùy tiện này khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh Gout, chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình (xảy ra ở khoảng 20% người trẻ mắc Gout) thì nguyên nhân quan trọng vẫn là do thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống, luyện tập thể dục thể thao. Trong đó, bia rượu nhiều, ăn nhiều đường, thịt đỏ, hải sản… và ít vận động, luyện tập thể dục thể thao, nhịp sinh học của cơ thể bị xáo trộn là yếu tố quan trọng khiến bệnh nhân bị Gout gia tăng và trẻ hóa nhanh.

Đặc biệt với những trường hợp còn trẻ tuổi nhưng có hàm lượng axit uric trong máu cao vượt ngưỡng giới hạn cho phép, có thể chưa có biểu hiện, triệu chứng của bệnh nhưng nếu không biết cách phòng bệnh thì rất dễ xảy ra các triệu chứng cấp. Do vậy, để phòng ngừa căn bệnh này thì cần duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục, uống nhiều nước, hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng. Đối với các loại thực phẩm như cá (cá cơm, cá ngừ, cá trích, cá hồi…); các loại hải sản (sò, hàu, tôm, cua…); các loại thịt đỏ (bò, dê…); các loại thịt gia cầm… nên dùng ở mức độ vừa phải. Đồng thời tăng cường sử dụng các loại thực phẩm như trái cây, rau củ; các loại đậu, các loại hạt.

Bệnh Gout do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric. Nếu lắng đọng ở khớp (ở sụn khớp, bao hoạt dịch) làm cho khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần gây biến dạng, cứng khớp. Nếu lắng đọng ở thận gây bệnh thận do urat (viêm thận kẽ, sỏi thận...). Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần.

Đối với người mắc bệnh gout, nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo và không béo, trái cây tươi và rau quả, nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa, các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc

Súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gút bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành acid uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí… vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh. Nên uống nhiều nước mỗi ngày, nên uống 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi… Bổ sung vitamin C khoảng 500-1.000mg mỗi ngày cũng có thể giúp giảm acid uric.

Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng acid uric, tuy nhiên người bệnh vẫn cần tuân thủ uống thuốc để ngăn chặn các cơn gút cấp. Đi khám định kỳ để cùng với bác sĩ tìm ra cách điều trị tốt nhất cho từng người bệnh.

Trên thế giới, bệnh Gout thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02 - 0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu trên 95%. Tại Việt Nam, Gout chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp, đứng thứ 4 trong số 15 bệnh về khớp hay gặp. Đáng chú ý, hiện nay, người mắc bệnh Gout ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ người mắc bệnh trong độ tuổi từ 30 - 40 ngày càng gia tăng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/benh-gout-ngay-cang-tre-hoa-10283577.html