Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ

Trong nghiên cứu công bố ngày 15/5, các nhà khoa học thuộc University College London (UCL) đã phân tích sự liên quan giữa nhiệt độ cao và biến đổi khí hậu đối với các rối loạn về sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan tới thần kinh.

Các tình trạng như mất trí nhớ, động kinh và trầm cảm có thể lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn khi thế giới nóng lên. Ảnh: Straits Times

Các tình trạng như mất trí nhớ, động kinh và trầm cảm có thể lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn khi thế giới nóng lên. Ảnh: Straits Times

Tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm và hô hấp. Tuy nhiên, tác động của hiện tượng này lên các tổn hại liên quan tới sức khỏe thần kinh vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Giáo sư Sanjay Sisodiya từ Viện Thần kinh học UCL Queen Square, người đứng đầu nghiên cứu, nhận định: “Chúng ta cần nghiên cứu thêm về cơ chế chính xác liên quan đến các rối loạn thần kinh với nhiệt độ cao hơn. Khi thời tiết khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn và phổ biến hơn, việc xác định mối quan hệ chính xác ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt đối với những nhóm dân cư trẻ, lớn tuổi và dễ bị tổn thương nhất”.

Nghiên cứu công bố ngày 15/5 của các nhà khoa học từ UCL đã xem xét dữ liệu từ tổng cộng 332 báo cáo về tác động của môi trường đối với 19 tình trạng thần kinh bao gồm bệnh Alzheimer và các dạng bệnh mất trí nhớ, đau nửa đầu, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng và viêm màng não. Các nhà khoa học cũng thu thập nghiên cứu về các chứng bệnh khác như trầm cảm, lo âu và tâm thần phân liệt vì các rối loạn tâm thần thường có bệnh đi kèm với các bệnh về thần kinh.

Các phát hiện cho thấy thời tiết tác động đến từng căn bệnh theo những cách khác nhau, nhưng hầu hết các tình trạng bệnh đều ghi nhận tỷ lệ lưu hành cao hơn và các triệu chứng trầm trọng hơn.

Cụ thể, những người mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí nhớ khác gặp khó khăn trong việc đưa ra những lựa chọn thích ứng trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt như tìm kiếm sự trợ giúp, mặc quần áo nhẹ hơn và uống nhiều nước hơn.

Thời tiết nóng hơn cũng có khả năng dẫn đến nhiều cơn đột quỵ gây tử vong hoặc tàn tật hơn và có thể ảnh hưởng đến chứng động kinh, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn do thiếu ngủ. Nhiệt độ ban đêm cao là dấu hiệu đặc trưng của biến đổi khí hậu và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần, cùng với việc nhập viện và nguy cơ tử vong, có liên quan chặt chẽ nhất với nhiệt độ môi trường tăng lên. Một báo cáo được khảo sát trong nghiên cứu mới cho thấy các yêu cầu bồi thường bảo hiểm y tế của Hoa Kỳ đối với các lần đến phòng cấp cứu liên quan đến sức khỏe tâm thần từ năm 2010 đến năm 2019 đã tăng lên vào những ngày nắng nóng cực độ.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và cháy rừng còn thể gây lo âu cấp tính, căng thẳng hậu chấn thương và trầm cảm.

Nhận định về kịch bản trên, Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Burcin Ikiz, nhà khoa học thần kinh nghiên cứu tác động của các mô hình môi trường lên não và đồng thời là người sáng lập và chủ tịch của International Neuro Climate Working Group, cho biết phản ứng của não trước khí hậu ấm lên gây ra tổn thương mà có thể không bị phát hiện cho đến rất lâu sau khi can thiệp y tế có hiệu quả.

Bà cho biết, khi nhiệt độ tăng lên, “bộ não của chúng ta rơi vào phản ứng căng thẳng” có thể dẫn đến tình trạng viêm và các dạng thoái hóa khác ảnh hưởng đến sức khỏe nhận thức.

Tuy nhiên, bà chia sẻ điều khiến bản thân lo ngại nhất là vào năm 2050, rất có thể “chúng ta không chỉ chứng kiến sự bùng nổ số người mắc các chứng rối loạn thần kinh mà còn chứng kiến độ tuổi của các bệnh nhân được trẻ hóa ở ngưỡng 40 – 50 thay vì 70 – 80”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bien-doi-khi-hau-dang-anh-huong-den-suc-khoe-nao-bo-post34682.html