Biến động nhân sự, ngân hàng 'bạo tay' hơn với khoản chi cho nhân viên
Nhân sự của ngành ngân hàng ghi nhận nhiều biến động sau quý đầu năm. Một số nhà băng tăng tuyển dụng nhân sự, nhưng có ngân hàng lại cắt giảm hàng trăm nhân viên. Để tăng sức cạnh tranh và thu hút nhân sự, các ngân hàng 'bạo tay' hơn với khoản chi cho nhân viên.
Kết thúc quý I/2024, hàng loạt ngân hàng đã thông báo tuyển dụng với quy mô lớn, có thể kể đến Agribank, BIDV, MB, VPBank, NamABank, VietABank,...
Nhân sự biến động theo lợi nhuận
Theo thống kê, gần 235.000 người đang làm việc cho 27 ngân hàng niêm yết.
Tổng hợp báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2024 cho thấy, các ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu về số lượng nhân sự. "Quán quân" là BIDV với 26.506 người tính đến ngày 31/3. Các vị trí tiếp theo thuộc về Vietcombank với 22.946 người, VietinBank với 22.311 người.
Có 7 ngân hàng có số lượng cán bộ nhân viên từ 10.000 người đến 20.000 người: Sacombank, VPBank, ACB, VIB, LPBank, MB và Techcombank.
Nhóm ngân hàng có quy mô nhân sự từ 5.000 đến dưới 10.000 người gồm: HDBank, TPBank, OCB, Eximbank, MSB, SHB, Nam A Bank và SeABank.
Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, tương ứng với quy mô nhân sự ở mức "khiêm tốn", từ 1.000 đến dưới 4.000 người, gồm: ABBank, KienlongBank, BacABank, Vietbank, PGBank, NCB, VietABank.
Trái với diễn biến các năm trước - ngành ngân hàng liên tục tăng nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, trong 3 tháng đầu năm nay, phần lớn các đơn vị có xu hướng giảm nhân sự hoặc giữ nguyên. Chỉ có 7/27 đơn vị tăng quy mô nhân sự, song mức tăng tương đối "khiêm tốn".
Cụ thể, MB tăng 254 người, Vietcombank tăng 204 người, HDBank tăng 167 người, LPBank tăng 129 người, SHB tăng 102 người, KienlongBank tăng 21 người và BVBank tăng 19 người.
Trong khi đó, 20 ngân hàng còn lại cắt giảm nhân sự. BIDV dẫn đầu với mức cắt giảm 670 người, TPBank theo sau với mức cắt giảm 472 người.
Các ngân hàng cắt giảm trên 100 người còn có VIB (221 người), VPBank (163 người), Sacombank (139 người), Techcombank (129 người), ABBank (101 người).
Diễn biến này trùng thời điểm 3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng có sự phân hóa mạnh. Theo đó, 28 ngân hàng thương mại cổ phần công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 74.596 tỷ đồng, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm ngoái; bao gồm 18 ngân hàng tăng trưởng dương, 1 ngân hàng thua lỗ và 9 ngân hàng sụt giảm.
Như VIB (cắt giảm nhân sự 221 người), có lợi nhuận sau thuế giảm 75 tỷ đồng, tương đương 3,5% về mức 2.080 tỷ đồng. Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, sự sụt giảm đến từ việc quý I năm nay đã gồm một tháng là kỳ nghỉ Tết, cùng với đó hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) tại ngân hàng ghi nhận kết quả giảm sút sau những khó khăn của thị trường bảo hiểm.
Tương tự, TPBank (cắt giảm 472 người), lợi nhuận sau thuế giảm 11,2%, từ 1.413 tỷ đồng trong quý I/2023 xuống còn 1.255 tỷ đồng trong quý I/2024.
Tuyển cả vị trí không yêu cầu kinh nghiệm
Từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã có tới 5 đợt tuyển dụng nhân sự.
Vietcombank mới đây thông báo tuyển dụng tập trung đợt 5 trong năm 2024 với quy mô lên tới 274 chỉ tiêu làm việc tại các chi nhánh. Các vị trí tuyển dụng bao gồm: chuyên viên khách hàng, kế toán/giao dịch viên, chuyên viên công nghệ thông tin, nhân viên ngân quỹ, nhân viên hỗ trợ kinh doanh, chuyên viên nhân sự.
Trong đó có nhiều vị trí không yêu cầu kinh nghiệm với hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 12/6/2024. Đối với vị trí yêu cầu kinh nghiệm, hạn nhận hồ sơ đến hết ngày 31/12/2024 hoặc khi tuyển dụng đủ.
Vietcombank là một trong những ngân hàng tuyển dụng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Trước đó, trong đợt tuyển dụng tập trung đợt 4, ngân hàng này tuyển dụng tới 596 chỉ tiêu trên toàn hệ thống. Trong khi đợt 3 là 111 chỉ tiêu, đợt 2 là 75 chỉ tiêu và đợt 1 là 29 chỉ tiêu.
Tuyển dụng mạnh ngay từ những tháng đầu năm, số lượng nhân viên của Vietcombank tăng thêm 204 người trong 3 tháng đầu. Theo đó, cuối quý I/2024, nhà băng này có 22.946 nhân viên.
Với BIDV, trong đợt tuyển nhân sự đợt 4 đã tuyển 154 chuyên viên quản lý khách hàng không yêu cầu kinh nghiệm và 17 chuyên viên có yêu cầu kinh nghiệm làm việc tại các chi nhánh trên toàn quốc.
Agribank mới đây cũng thông báo tuyển dụng lao động chuyên môn nghiệp vụ cho các chi nhánh trong hệ thống, bao gồm 463 chỉ tiêu.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng đăng tuyển số lượng nhân sự lên đến hàng trăm người: VPBank đang tuyển dụng 193 vị trí trên toàn quốc, MB tuyển dụng 367 vị trí, NamABank tuyển hơn 80 vị trí làm việc tại Hội sở và các chi nhánh…
Thực tế, hiện nay, để tăng sức cạnh cạnh tranh, thu hút nhân sự, nhiều ngân hàng đã “mạnh tay” hơn với khoản chi cho nhân viên. Có 24/27 ngân hàng tăng chi phí cho nhân viên so với cùng kỳ.
Techcombank vẫn duy trì vị trí quán quân về chế độ đãi ngộ khi thu nhập bình quân nhân viên lên tới 49 triệu đồng/tháng, cao hơn 3 triệu đồng so với quý I/2023. Vị trí thứ hai là MB với 48,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, mặc dù trong quý vừa qua cắt giảm nhân sự, lợi nhuận sau thuế sụt giảm, nhưng TPBank vẫn chi tăng gần 15% cho lương và phụ cấp của cán bộ nhân viên lên mức 1.093 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của nhân viên TPBank lên tới 45,69 triệu đồng/tháng.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, trong quý vừa qua, thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank đi ngang, còn 2 ngân hàng VietinBank và BIDV đều tăng so với thời điểm cuối năm ngoái . Cụ thể, thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt ở mức 38,06 triệu đồng, 34,3 triệu đồng và 28,78 triệu đồng/tháng.
SHB chi chung cho nhân viên (bao gồm lương, phụ cấp, BHXH, BHYT, BHTN, chi trang phục, bảo hộ lao động…) ở mức 37,09 triệu đồng trong quý vừa qua. Mức bình quân này đã giảm khoảng gần 3 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà băng có mức chênh lệch khá lớn giữa thu nhập (chỉ gồm tiền lương và phụ cấp) so với chi phí nhân viên. Điển hình là ACB, trong quý I/2024 có tổng chi phí nhân viên lên tới 1.541 tỷ đồng nhưng lương và phụ cấp chỉ chiếm 535 tỷ đồng. Do vậy, tính bình quân lương và phụ cấp mỗi nhân sự ACB nhận được chỉ 13,5 triệu đồng/tháng, còn tính chi phí nhân viên bình quân lại lên tới 38,89 triệu đồng.